Những phiên chợ độc đáo cầu may mắn, bình an đầu năm mới
Người dân ở Bình Định đi chợ Gò vào sáng mùng 1 Tết để mua trầu, cau. Nguồn: Hoàng Trọng/ Thanh Niên |
Chợ Âm Dương
Chợ Âm Dương hay còn gọi là chợ Gà của làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) chỉ mở vào đêm ngày mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết. Chợ chỉ mua bán đồ vật tế lễ và những con gà đen tuyền.
Chợ thường bắt đầu họp khi trời nhập nhoạng tối.Tương truyền, theo quan niệm tín ngưỡng của người dân ngày xưa, chợ họp buổi tối để người trần thế và âm phủ có thể cùng đi chợ mua may bán rủi.
Chợ Gia Lạc
Chợ Gia Lạc ở Thừa Thiên - Huế có lịch sử từ rất lâu đời, cứ 3 ngày Tết là chợ lại họp một lần, với ý nghĩa để mua lộc đầu năm, mua sự may mắn, suôn sẻ. Đến với chợ Gia Lạc, du khách có thể tìm thấy được rất nhiều mặt hàng từ hoa quả, trầu cau đến các đồ thực phẩm, các món đặc sản nổi tiếng của Huế hay đồ chơi con trẻ.
Chợ Gò
Phiên chợ Gò chỉ họp duy nhất vào mùng 1 Tết và mang đậm nét văn hóa miền "đất võ" Bình Định, có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.
Khi giao thừa đến, người dân các vùng phụ cận mang đến đây những sản vật địa phương của mình như: gánh rau, các loại trái cây, thực phẩm, nhưng nhiều nhất vẫn là cau trầu.
Chợ Đình Cả
Hằng năm, vào sáng mồng 2 Tết Nguyên đán, tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, diễn ra phiên chợ đặc biệt họp duy nhất một lần trong năm trước khu vực Đình Cả. Đây cũng là phiên chợ tồn tại hàng trăm năm ở vùng đất xứ Đông..
Không chỉ bán những mặt hàng quen thuộc phục vụ đời sống hàng ngày, chợ còn bán muối và trầu cau để những nam thanh nữ tú có cơ hội tìm được duyên lành trong năm mới.
Chợ Viềng
Chợ Viềng là phiên chợ cầu may nổi tiếng ở Nam Định. Ở Nam Định có đến 4 phiên chợ Viềng nhưng nổi tiếng nhất là chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, họp từ đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch.
Tại chợ Viềng, nhiều loại mặt hàng được bày bán, từ cây cảnh, cây giống, đến thịt trâu, thịt bò hay các vật dụng sản xuất của nhà nông như cái cày, cái cuốc, thúng mủng, quang gánh...
Chợ Chuộng
Chợ Chuộng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên vào mùng 6 Tết Nguyên đán tại xã Ðông Hoàng, huyện Ðông Sơn, Thanh Hóa và có lai lịch từ thời Lê Lợi tập hợp nghĩa quân chống lại ách đô hộ của nhà Minh. Trải qua nhiều đời, đến nay chợ Chuộng vẫn họp thu hút hàng nghìn người gần xa.
Chợ đình Bích La
Chợ đình Bích La ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thường họp một đêm duy nhất từ khuya mùng 2 đến rạng sáng mùng 3 Tết. Phần quan trọng nhất của lễ hội chợ đình Bích La là nghi lễ tôn nghiêm gọi thần Kim Quy - vị thần mang may mắn đến cho một năm thuận lợi, mùa màng bội thu, con cái, gia đình hạnh phúc, thuận hòa.