Những lầm tưởng về dự án tỷ đô ở sông Hồng của bầu Thụy
Những ngày qua, bất chấp những quan điểm trái chiều liên tục xuất hiện sau đề xuất dự án 1,1 tỷ đô ở sông Hồng của công ty TNHH Xuân Thiện, bầu Thụy vẫn giữ im lặng, một sự im lặng đến khó hiểu.
Để rộng đường dư luận, Báo Thời đại xin gửi tới độc giả quan điểm của độc giả Hoàng Mạnh Hanh về dự án này:
Đây là dự án lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Thông thường một dự án lớn phải mất nhiều năm nghiên cứu (từ bước đưa vào trong quy hoạch, phê duyệt quy hoạch trong đó có sự tham gia của nhiều cơ quan chuyên môn, các chuyên gia và tổ chức xã hội) và để dự án được Chính phủ phê duyệt thì còn phải được các cơ quan chuyên môn thẩm định theo chức năng được quy định rất chặt chẽ trong Luật Xây dựng.
Khi có ý kiến là dự án được trình lên Chính phủ để xem xét, phóng viên đã liên hệ một số cơ quan chuyên môn (một số bộ, ngành) có chức năng thẩm định thì đều nhận được câu trả lời là chưa nhận được hồ sơ của dự án và chưa thẩm định dự án này. Như vậy dự án này hoàn toàn chưa có cơ sở pháp lý để trình Chính phủ xem xét.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của Giám đốc Ban quản lý xây dựng các công trình của một tỉnh (xin được giấu tên), dự án này đã manh nha từ cách đây 3 năm. Ngày đó ông Bùi Quang Vinh là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Doanh nghiệp cho rằng mục tiêu chính của dự án là tạo thành đường giao thông đường thuỷ xuyên Á, nối liền giao thương với Trung Quốc, nhưng sự thực có phải vậy?
Để trị thủy sông Hồng?
Sẽ là không hợp lý nếu nói dự án giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng của công ty bầu Thụy là nhằm trị thủy sông Hồng bởi trên nhánh sông Đà đã có 3 bậc thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, trên nhánh sông Lô đã có thủy điện Tuyên Quang…có thể nói đủ để điều tiết lũ.
Hơn nữa, thực tế cho thấy, lâu nay gần như không có lũ bất thường trên sông Hồng. Trong vài năm trở lại đây, duy chỉ có trận lũ bất thường ở thượng nguồn sông Hồng xảy ra vào đầu tháng 10 năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do một số đập thủy điện ở Trung Quốc bất ngờ xả lũ đầu nguồn.
Để khắc phục vấn đề này, hiện chúng ta đang khẩn trương xây dựng 8 trạm quan trắc trên các sông suối biên giới Việt Nam - Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành vào giữa năm 2016; đồng thời Chính phủ cũng đang chỉ đạo triển khai thực hiện các Đề án cần thiết để tăng cường giám sát tài nguyên nước trên các sông suối xuyên biên giới
Như vậy, việc xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ, công trình thủy điện cấp 2 với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm nếu nói là để trị thủy sông Hồng sẽ thiếu thuyết phục.
Để phát điện?
Đây có lẽ không phải là mục đích của nhà đầu tư bởi ai cũng thấy rõ hiệu quả kinh tế không cao. Không phải ngẫu nhiên mà doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ giá bán điện đặc thù cho công trình, có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá.
Cụ thể, 5 năm đầu mức giá là 1.900 đồng/kWh; 5 năm tiếp theo nâng lên mức 2.380 đồng/kWh và các năm tiếp theo tối thiểu từ 2.970 – 3.560 đồng/kWh và theo quy định của ngành điện.
Với dự kiến lắp máy khoảng hơn 200 MW – công suất chỉ bằng 1/10 thủy điện Sơn La, 1/5 thủy điện Lai Châu mà ngăn cả sông Hồng rõ ràng là không “kinh tế”.
Tổng công suất của 6 nhà máy điện chỉ khoảng hơn 200 MW là con số rất nhỏ so với nhu cầu tổng phát điện của Việt Nam hiện nay, khoảng 35.000-40.000 MW. Thực tế, những nhà máy này quá nhỏ.
Đoạn hạ lưu Sông Hồng không có độ dốc lớn, làm nước chảy xiết do đó muốn nâng công suất phát điện, tạo cột nước cho phát điện thì phải xây dựng đập chắn cao, diện tích hồ chứa lớn dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Nếu trả giá xây đập để phát điện công suất vừa nhỏ, hiệu quả không cao thì không biết là xây đập đó để làm gì?!
Chưa kể dự án nhiều khả năng gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường, làm thay đổi tập quán sinh sống của nhiều triệu hộ dân dọc sông Hồng.
Để mở tuyến đường sông sang Trung Quốc?
Sẽ là sai lầm nếu tưởng rằng bầu Thụy xin làm dự án này để tạo tuyến đường thủy từ Hà Nội đến Yên Bái. Lào Cai hay mở tuyến đường sông sang Trung Quốc bởi để khai thác được rất tốn kém, giá thành vận tải cao do dốc dọc lòng sông đoạn từ Yên Bái – Lào Cai lớn, không đem lại hiệu quả kinh tế.
Để tạo tuyến vận chuyển trên sông Hồng (làm các âu thuyền) như mô hình kênh đào Panama là điều không tưởng. Đừng quên, dự án kênh đào khổng lồ nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương mất 33 năm để hoàn tất, với công sức của hơn 44.000 người.
Theo kế hoạch ban đầu, kênh đào sẽ được xây xong trong 6 năm với chi khí khoảng 120 triệu USD. Tuy nhiên, thời gian đã kéo dài và số tiền đã vượt quá hàng trăm triệu USD so với dự tính, khiến 800.000 nhà đầu tư phá sản.
“Cối xay tiền” thực sự nằm ở đâu?
Có 3 giả thiết lớn về khát vọng của bầu Thụy khi đề xuất dự án này.
Thứ nhất, bầu Thụy muốn tạo một dự án du lịch trên sông tương tự như tour du lịch trên sông ở Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi hoàn tất việc cải tạo, gia cố hai bên bờ sông với hạ tầng trên bờ được kết nối, chủ đầu tư dự án sẽ có một quỹ đất khổng lồ. Từ đây, dọc tuyến du lịch này sẽ là các khu nghỉ dưỡng giúp chủ đầu tư kiếm bộn tiền.
Thứ hai, có thể bầu Thụy cũng muốn nhân chuyện này quản lý hệ thống thủy nông của đồng bằng sông Hồng giống như một công ty thủy nông. Một khi đã tạo được hệ thống tích nước với cao độ nước dâng hợp lý (không cần giải phóng mặt bằng) sau đó vận hành hệ thống tưới tiêu điều tiết nước (có thu tiền) cho toàn bộ hạ du sông Hồng, nhà đầu tư sẽ nắm trong tay dịch vụ cung cấp nước cho một vùng đồng bằng rộng lớn với lợi nhuận không hề nhỏ.
Cuối cùng, tiền sẽ thi nhau đổ vào túi bầu Thụy nếu dự án được thông qua do khi nạo vét, chỉnh dòng cho sông Hồng, nhà đầu tư sẽ thu được khối lượng khoáng sản (cát, sỏi, tital...) không nhỏ. Khi đã được chấp thuận dự án, các địa phương cũng đồng ý rồi thì gần như nhà đầu tư sẽ độc quyền trong lĩnh vực này.
Hiện quyền khai thác cát phụ thuộc chính quyền địa phương và đang là vấn đề rất nóng trên các con sông Việt Nam từ Bắc vào Nam, nhưng nếu có dự án đầu tư, chủ đầu tư sẽ khai thác cát, tỉnh không được khai thác nữa thì dễ có xung đột về nguồn lực, lợi ích giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư.
Có lẽ sự im lặng của nhà đầu tư trước những điều bị cho là “lạ lùng, không bình thường” của dự án sẽ khiến câu chuyện đầu tư ở siêu dự án trên sông Hồng tiếp tục gây tranh cãi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả*