Những điều cần biết khi lái xe băng qua đường sắt
Từ tháng 5/2018 đến nay, cả nước xảy ra hơn 10 vụ tai nạn giao thông đường sắt. Việc thiếu quan sát, cố tình vượt qua khi có cảnh báo hoặc xe chết máy giữa đường ray là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giữa phương tiện giao thông đường bộ và tàu hỏa. Đặc biệt, không ít tài xế rơi vào trường hợp xe chết máy đột ngột giữa đường ray, nhưng luống cuống không biết cách xử lý.
Kỹ năng an toàn khi qua đoạn giao nhau với đường sắt
Đặc trưng của tàu hỏa là mất nhiều thời gian để dừng hơn ô tô bởi tàu luôn di chuyển với tốc độ cao, đường ray riêng, quán tính lớn. Ví như khi đang chạy ở tốc độ khoảng 80 km/h thì cần ít nhất 500-600 m để dừng. Nếu khoảng cách so với vật cản ở mức dưới 200 m thì lái tàu sẽ không áp dụng phanh khẩn cấp vì quãng đường ngắn khiến gia tốc giảm quá nhanh ảnh hưởng đến an toàn của hành khách trên tàu.
Khi thấy tàu đang tới mặc dù bạn nghĩ có đủ thời gian để đi qua được cũng không được cố đi qua. Nguồn: Giao thông.
Quan sát kĩ khi qua đoạn giao:
Khi đi qua đoạn giao nhau giữa đường dân sinh với đường sắt, người lái ô tô, xe máy cần quan sát cẩn thận và chủ động nhường đường. Lái xe phải giảm tốc độ để có đủ thời gian quan sát đèn hiệu lệnh và tình hình xung quanh, nên bật đèn tín hiệu để cảnh báo cho các xe đi sau.
Giữ khoảng cách, chủ động nhường:
Dừng cách đường ray khoảng 5 m khi có báo hiệu đoàn tàu đang đến. Do thân tàu rộng hơn đường ray và có quán tính lớn, có thể cuốn theo những vật thể đứng gần khi chạy qua với tốc độ cao. Quan sát kỹ từ 2 hướng, nếu đoạn giao không có rào chắn mà chỉ có đèn báo hiệu, người lái phải dừng lại chờ đến khi tàu qua, tuyệt đối không được cố vượt.
Nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi bạn cố băng qua như xe chết máy, bị kẹt giữa đường ray, hay tính toán thời gian của bạn là sai. Nên nhớ, luôn băng qua đường sắt theo phương vuông góc.
Lắng nghe xung quanh:
Nên hạ cửa kính, vặn nhỏ loa bên trong để tăng tầm nhìn cũng như lắng nghe âm thanh kéo còi của tàu. Đối với người đi xe máy, không nên đeo tai nghe khi đến đoạn giao nhau giữa đường dân sinh và đường sắt.
Điều này không bao giờ thừa, nhất là khi nó có thể bảo vệ tính mạng của bạn và những người có liên quan nếu như xảy ra va chạm giữa xe ô tô và tàu hỏa.
Băng qua cẩn thận và dứt khoát:
Khi nhìn thấy đèn báo cho phép chạy, không có đoàn tàu đến thì băng qua đường ray thật cẩn thận. Đối với ô tô số sàn, người lái nên về số thấp để tăng lực kéo cho xe, giúp xe tránh tắt máy giữa đường ray.
Nhiều người lười không chuyển về số thấp dẫn tới việc chết máy giữa đường ray. Lúc này, người lái sẽ dễ mất bình tĩnh từ đó chuyển nhầm số hoặc chuyển số không chuẩn xác, ra côn không hợp lý khiến xe càng không vượt qua nổi. Chính vì thế, nếu sử dụng xe số sàn thì bạn nên chuyển về số thấp mỗi khi băng qua đường sắt để xe có đủ lực kéo bởi hầu hết đường lên đều là dốc.
Chú ý khoảng trống bên kia đường sắt:
Không băng qua đường sắt nếu khoảng trống ở bên kia đường sắt không đủ cho xe bạn, ngay cả khi bạn không nhìn thấy có tàu đến gần. Trong một số trường hợp tai nạn được ghi nhận, ô tô bị kẹt khi đứng chờ thông xe trên đường sắt và bất lực nhìn tàu hỏa đâm vào mình. Chính vì vậy, hãy kiên nhẫn chờ nếu phía bên kia đường sắt đang bị ùn tắc hoặc có chướng ngại vật, mà khoảng trống từ hành lang an toàn đường sắt tới chướng ngại vật không đủ cho xe của bạn. Đừng bị cuống nếu có xe phía sau bấm còi giục bạn.
Nếu cách vật cản dưới 200 m, lái tàu sẽ không áp dụng phanh khẩn cấp. Ảnh: Hoàn Nguyễn.
Xử lý khi bị chết máy giữa đường ray như thế nào?
Nhanh chóng ra khỏi phương tiện:
Nếu bạn bị kẹt giữa đường ray và đã cố khởi động lại xe mấy lần mà vẫn không đưa xe vượt qua đường được thì hãy nhanh chóng rời khỏi xe, giúp đỡ tất cả hành khách rời khỏi xe. Việc bấm còi, bật đèn khẩn cấp sẽ vô nghĩa bởi lẽ tàu không có khả năng dừng ngay trong khoảng cách ngắn.
Trong trường hợp tàu đang tới, sau khi ra khỏi xe nhanh nhất có thể, không mang theo bất cứ hành lý nào, cố gắng chạy càng xa khỏi đường ray càng tốt. Chỉ nên mang theo điện thoại để có thể liên lạc với cứu hộ hoặc cảnh sát khi cần thiết.
Ra dấu cảnh báo cho đoàn tàu:
Sau khi ra khỏi đường ray, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải nhanh chóng đi về phía có tàu để làm tín hiệu cảnh báo. Trong trường hợp ban ngày, nên dùng cờ đỏ hoặc vải đỏ, ban đêm thì dùng đèn (trừ màu xanh lục) hoặc ánh lửa để ra hiệu cách nơi giao nhau ít nhất 500 m. Nếu không có những vật dụng trên thì dùng tay, flash điện thoại hoặc áo quay thành vòng tròn.
Nhờ sự trợ giúp:
Nếu đoạn giao nhau ở gần ga, cách xử lý tốt nhất là nhờ sự trợ giúp từ tuần đường, gác chắn hoặc báo ngay cơ quan công an để họ có thể liên lạc trực tiếp với lái tàu. Trong trường hợp nguy hiểm nhất là tàu đến gần, không kịp cảnh báo, người lái phương tiện giao thông đường bộ phải rời xa khỏi đường ray, ngược hướng tàu di chuyển. Bởi nếu chạy cùng hướng với tàu, các mảnh vỡ từ vụ va chạm có thể gây sát thương.
Phương Anh