Những chiếc Sari mang hơi thở Sapa: Bản “hòa tấu” thời trang Việt - Ấn
"Phải lòng" sắc màu Tây Bắc
Mối duyên với Việt Nam của nhà thiết kế thời trang Ấn Độ được cô chia sẻ mới đây trên trang DNA India: “Chồng tôi bắt đầu tới Việt Nam làm việc từ tháng 3 năm 2015. Vào những kỳ nghỉ, tôi và các con thường bay sang thăm anh. Tôi đã bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của Việt Nam qua mỗi chuyến du lịch khắp mọi miền đất nước..." Và Sapa (Lào Cai) là một trong những vùng đất đã chiếm trọn trái tim Anavila.
Những sắc màu Sapa đã mê hoặc nhà thiết kế Ấn Độ. Ảnh:Anavila Misra , Pexels
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, những món ăn đặc trưng, Sapa quyến rũ Anavila bằng sức hút rất riêng: nét độc đáo trên trang phục truyền thống của những phụ nữ dân tộc ít người. Con mắt quan sát nhạy bén của nhà thiết kế đã đem đến cho cô những trải nghiệm vô cùng tinh tế:
“Dáng các chị em Sapa trong những bộ váy áo rực rỡ, cần mẫn với từng đường kim, mũi chỉ, tấm vải, in trên nền ruộng đồng xanh ngắt, là cảnh tượng quen thuộc nơi đây. Dệt may thủ công là một phần của cuộc sống thường nhật. Đa phần người dân tộc thiểu số tự dệt vải, tự may quần áo cho mình từ chất liệu bông và lanh tự trồng."
"Cây chàm là loại thực vật rất phổ biến miền núi rừng, được sử dụng như một loại thuốc nhuộm từ thiên nhiên, góp phần tô sắc cho những chiếc váy áo của người dân bản địa. Màu chàm trên trang phục truyền thống và xanh lá của cỏ cây thực sự là hai màu sắc chủ đạo của Sapa. Những người phụ nữ khéo tay biết dùng nhiều loại kĩ thuật để trang trí cho trang phục của mình, từ cách khâu ráp vải thành những mảng màu, cho tới thêu tay và dệt họa tiết. Mũ đội đầu và phụ kiện đi kèm cũng thật bắt mắt, cả về màu sắc lẫn kiểu dáng,” Anavila nhận định.
Bóng hình Sapa trong những chiếc sari
Trong mắt Anavila, người phụ nữ Sapa trong trang phục truyền thống rực rỡ, mang trên lưng chiếc gùi mây quen thuộc, thể hiện một gu thời trang vừa cuốn hút vừa hiện đại.
Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp ấy, Anavila đã quyết định thử nghiệm kết hợp những điểm nhấn trong trang phục người dân tộc thiểu số Sapa với trang phục truyền thống Ấn Độ, sari. Trở lại Sapa, nhà thiết kế mang theo vải lanh, bông, và những chiếc sari lụa-cốt-tông, sử dụng kỹ thuật xếp li, bện dây, thêu tay, nhuộm chàm của người dân bản địa để làm nên những sáng tạo của riêng mình.
Những trang phục của Anavila lấy cảm hứng từ Sapa.
Những nếp gấp, nút thắt lấy cảm hứng từ trang phục phụ nữ Sapa là điểm nhấn trong bộ sưu tập SS19 của Anavila, được trình diễn trong Tuần lễ thời trang Xuân Hè Lakme tổ chức tại Mumbai vào tháng 2 vừa qua.
“Phụ nữ Sapa sử dụng nhiều nút thắt và đai lưng để giữ cho trang phục được gọn gàng, cơ động. Tôi đã đưa những đặc điểm này vào những chiếc sari cách điệu của mình: Phần đuôi sari được quấn quanh eo, vai, và thắt lại khiến bộ đồ ôm gọn vào cơ thể, giải phóng đôi tay để thoải mái, tự do vận động,” cô cho biết.
“Những biến tấu mang lại sự tối giản, linh hoạt cho những chiếc sari vốn đã rất duyên dáng của Ấn Độ”, Anavila tự hào chia sẻ.
Một điểm nhà thiết kế Ấn Độ cảm thấy tâm đắc nữa ở phụ nữ Sapa chính là tập quán lao động đã góp phần tôn vinh thời trang bền vững và trách nhiệm. “Họ tự tay trồng bông, lanh; tự tay dệt, nhuộm, thêu, may. Đó là thời trang “sống chậm”, xu hướng đúng đắn mà rất nhiều nhà thiết kế, người tiêu dùng đã nhận ra, và đang nỗ lực hướng tới, vì một tương lai xanh.”