Những bước tiến của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người theo cơ chế UPR
Những con số "biết nói"
Trong Báo cáo Quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, do Bộ Ngoại giao công bố mới đây, nhiều con số đã phản ánh đầy đủ bức tranh tươi sắc trong công tác đảm bảo quyền con người của Việt Nam.
Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, thể hiện qua việc Quốc hội thông qua 44 luật, nhiều trong số đó liên quan trực tiếp đến quyền con người và quyền công dân. Những văn bản luật này không chỉ cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 mà còn đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái tiếp tế nhu yếu phẩm cho nhân dân khu vực bị cô lập do mưa lũ. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân) |
Một trong những nỗ lực nổi bật là việc Việt Nam đã chủ động đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân. Mục tiêu đến năm 2025 là tất cả các cơ sở giáo dục, từ tiểu học đến đại học, sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục về quyền con người cho học sinh, sinh viên. Việc này không chỉ tạo ra nhận thức sâu sắc cho thế hệ trẻ mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhân quyền bền vững trong tương lai.
Từ năm 2009 đến nay, GDP tính trên đầu người của Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng đã được tổ chức rộng khắp, kết nối chặt chẽ với y tế cơ sở, giúp tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81% vào năm 2016 lên 92% vào năm 2022. Đặc biệt, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98,3%, đánh dấu sự cải thiện đáng kể so với các năm trước.
Sau 26 năm phát triển Internet, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9/2023, số lượng người dùng Internet đã đạt 78 triệu, tăng 21% so với năm 2019, và số thuê bao băng rộng di động đạt 86,6 triệu, tăng 38%. Sự phát triển này không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận thông tin mà còn tạo ra một diễn đàn mạnh mẽ cho tiếng nói của người dân và các tổ chức xã hội.
Việt Nam hiện có khoảng 72.000 hội hoạt động, thường xuyên tham gia vào các vấn đề kinh tế và xã hội quan trọng của đất nước. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, báo chí và Internet, biến chúng thành công cụ giám sát chính sách và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Các chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, với tuổi thọ trung bình cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập, tỷ suất tử vong trẻ em giảm và tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã giảm đáng kể. Những thành tựu này không chỉ phản ánh nỗ lực bảo vệ quyền con người mà còn là cơ sở vững chắc để Việt Nam gia nhập các cơ quan, định chế quốc tế về quyền con người, trong đó có vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Cộng đồng quốc tế đánh giá cao
Những thành tựu của Việt Nam đã thu hút sự chú ý và đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế. Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong kinh tế, giảm nghèo và cải thiện các chỉ số xã hội: “Ngoài những con số này, chúng tôi cũng đánh giá cao sự cam kết và cống hiến của người dân Việt Nam; sự lãnh đạo với tầm nhìn của Chính phủ và sự đoàn kết của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Tất cả các yếu tố này đều đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng và tiến bộ vượt bậc của Việt Nam".
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng: “Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch Covid-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua".
Còn Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers nhận xét: Tuy đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng tự hào, đặc biệt trong triển khai thực hiện ưu tiên chính sách ưu tiên về chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Những con số và thành tựu ấn tượng không chỉ là bằng chứng cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ và toàn thể xã hội trong việc xây dựng một đất nước công bằng, bình đẳng và bền vững. Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế và không ngừng nỗ lực để nâng cao quyền lợi cho mọi công dân.