Nhóm cổ phiếu lớn chưa sẵn sàng cho thị trường vượt 1.300 điểm
Định vị thị trường
Sự phân hóa được ghi nhận trong vận động của các chỉ số chứng khoán khi xuất hiện sắc đỏ tại SHMCP (-0,68%), NIFTY 50 (-0,64%). Tuy nhiên, những chỉ số đã vượt đỉnh hoặc phá kỷ lục như NIKKEI 225 (+0,61%), TWSE (+0,45%), KOSPI (+0,02%) vẫn tiếp tục hướng lên trên.
Bối cảnh khu vực do vậy vẫn chưa xuất hiện yếu tố bất lợi hoặc rủi ro tác động tới thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã không nối dài được chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp khi các cổ phiếu lớn không tạo được sự ủng hộ.
Chất xúc tác
Sau 3 phiên liên tiếp gia tăng về thanh khoản, khớp lệnh trên HOSE đã trượt nhẹ xuống tương tự như điểm số. So với phiên hôm qua, khớp lệnh giảm hơn 10% xuống 678 triệu đơn vị, dưới mức bình quân 20 phiên.
Hệ quả là tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cũng nhảy vọt lên 20,24% trong giao dịch 2 chiều. Đồng thời, khối ngoại cũng tiếp tục tăng cường bán ròng trên HOSE với quy mô rút ròng đạt 1.056 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu FPT (-342 tỷ đồng), VCB (-159 tỷ đồng), MWG (-159 tỷ đồng), TCB (-100,52 tỷ đồng), HVN (-81,55 tỷ đồng), VHM (-62,42 tỷ đồng).
Khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên 3 sàn trong phiên giao dịch 10/7. |
Như vậy, chuỗi bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có những tín hiệu đảo chiều dù cho tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng đang hạ nhiệt. Theo thống kê, lãi suất liên ngân hàng sau khi tiệm cận quanh mức 5% đã giảm ở nhiều kỳ hạn: kỳ hạn qua đêm đã giảm 0,08 điểm phần trăm xuống 4,91% còn 1 tuần giảm 0,02 điểm phần trăm xuống 4,99%.
Với tỷ giá, giá bán USD trên thị trường tự do đã xuống 25.810 USD/VND sau khi chỉ số DXY đã giảm về quanh mức 105 điểm.
Vận động thị trường
Với lực bán ròng của khối ngoại tăng cường trở lại, các cổ phiếu FPT (-2,55%), MWG (-2,4%) cũng chứng kiến áp lực giảm mạnh hơn.
Cùng với đó, nhiều cổ phiếu lớn trong VN30 cũng không duy trì được sức rướn như phiên hôm qua. GVR (-2,6%), BCM (-2,1%) quay đầu giảm giá trong khi các mã Ngân hàng như HDB (-1,2%), BID (-1,3%), VPB (-1%), STB (-1,6%), CTG (-0,9%), TCB (-0,9%) cùng gây áp lực thêm. Tổng cộng VN30 có 23/30 mã giảm giá. Chỉ số VN30 đã giảm 0,82% xuống 1.310,91 điểm.
Dù thị trường vẫn có sự phản kháng nhất định nhưng tác động của VN30 lên bức tranh chung vẫn có sự chi phối. Điều này được thể hiện qua độ rộng của sàn có 58% mã giảm giá.
Ngoại trừ trường hợp TV2 (-3,3%) vẫn cần thêm thời gian để xác nhận đáy, hầu hết các cổ phiếu giảm quanh biên độ 1% như DGC (-1,17%), DBC (-1,37%), HAH (-1,97%), DIG (-0,19%), VND (-1,51%), HCM (-0,71%), FRT (-1,32%), CTD (-1,75%), NLG (-1,04%), GMD (-1,06%)…
Trong khi đó, những cổ phiếu như VIP, NTL, HAX, CKG vẫn tăng trần hay HDG (+4,59%), CMG (+2,64%), AGG (+4,94%) vẫn tạo ra lợi nhuận và đồng thời níu kéo dòng tiền ở lại với thị trường.
Chỉ số VN-Index chốt phiên giảm 7,77 điểm xuống 1.285,94 điểm (-0,6%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 751 triệu đơn vị, tương đương 21.825 tỷ đồng.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt mất 0,46% và 0,56%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.000 tỷ đồng.