Huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) rộng khoảng 500km2 với 3 đơn vị hành chính là TT.Trường Sa, 2 xã Song Tử Tây và Sinh Tồn với hàng chục đảo nổi và chìm, nằm về phía Đông và Đông Nam vùng biển nước ta.
Ngoài là phên dậu ở hải đảo xa xôi, các đảo này cũng là điểm tựa tránh trú bão, dịch vụ hậu cần tàu cá... cho ngư dân ta vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
|
1. Đảo Song Tử Tây nhìn từ biển. Đây là xã đảo chịu thiệt hại nặng nề nhất trong “siêu bão” Rai cuối năm 2021. Hơn 5 tháng sau, phần lớn thiệt hại cơ sở vật chất, cây xanh trên đảo đã và đang được khôi phục (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
Tháng 5-2022, Trường Sa lặng gió, những tán bàng vuông, phong ba... rợp kín phủ xanh giữa biển trời bao la. Nhịp sống thanh bình nơi trái tim thiêng liêng của Tổ quốc với tiếng trẻ thơ đến trường, chuông chùa ngân vang sáng chiều, người dân trong xóm nhỏ tụ tập bàn chuyện làm ăn... Đâu đó bên bãi biển, các chiến sĩ hải quân ngày đêm vẫn cầm chắc tay súng canh trời, giữ biển, bảo vệ biên cương.
|
2. Các chiến sĩ hải quân tuần tra bên bờ biển đảo Sinh Tồn (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân cho biết, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2022, Quân chủng tổ chức 9 đoàn công tác đưa các đại biểu đất liền ra thăm hỏi quân dân ở Trường Sa. Khi đến thăm một số điểm đảo, đoàn thấy được nhiều mô hình hay như: vườn rau, khuôn viên để làm đẹp cảnh quan, môi trường...
|
3. Hệ thống điện năng lượng mặt trời trên điểm đảo Đá Lớn C. Những năm gần đây, đời sống tinh thần của quân, dân ở Trường Sa được nâng cao với cáp truyền hình, sóng điện thoại... giúp kết nối với đất liền gần hơn (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
“Các đảo đang cố gắng đạt được các mô hình mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, mẫu mực về mối quan hệ quân dân” - ông Phạm Văn Luyện nói.
|
4. Ngoài việc trực chốt, sẵn sàng chiến đấu, việc trồng rau, củ quả để cải thiện bữa ăn cũng là niềm vui nơi tiền tiêu Tổ quốc của những chàng lính trẻ khi làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
Trong dịp đến với Trường Sa giữa tháng 5-2022, theo đoàn hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức, phóng viên có dịp ghi lại nhịp sống nơi đầu sóng ngọn gió của quân, dân huyện đảo Trường Sa hôm nay.
|
5. Chùa Song Tử Tây nhìn ra biển, đây là một trong 9 ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa, là nơi mà quân, dân và ngư dân Trường Sa ghé vào thắp hương, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, bình an ở biển đảo (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
|
6. Gia đình chị Lưu Thị Cẩm Hằng (ra sinh sống và lập nghiệp ở đảo Song Tử Tây hơn 4 năm) tiếp khách từ đất liền ra thăm gia đình (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
|
7. Học sinh ở TT.Trường Sa sinh hoạt đội trong Ngày thành lập Đội TNTPHCM. Ngoài trường học ở đảo Trường Sa lớn, huyện còn có 2 trường ở đảo Sinh Tồn và Song Tử Tây (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
|
8. Học sinh Trường tiểu học Song Tử Tây vui đùa với chú hải quân trên con đường được đổ bê tông sạch sẽ trên xã đảo (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
|
9. Những âu tàu tránh bão là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển. Họ luôn được cán bộ, chiến sĩ tại các đảo hỗ trợ, kịp thời cứu hộ, cứu nạn; tiếp tế dầu máy, lương thực, thuốc khi cần. Trong hình là âu tàu đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
|
10. Ngư dân Tạ Ngọc Châu lặn bắt ốc mưu sinh trong âu tàu đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |
|
11. Người chiến sĩ vẫn ngày đêm cầm chắc tay súng bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Hoàng Trường/ Báo Đồng Nai) |