Lớp học 6 trong 1 ở Trường Sa
Bình Yên (t/h) 29/05/2022 16:26 | Nhịp sống biển đảo


Quần đảo Trường Sa hiện có 3 trường học gồm: TH thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa), TH Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) và TH Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây). Các trường học (hay lớp học) tuy nhỏ, nhưng cơ sở vật chất không hề thua kém đất liền, cũng có bảng đen, phấn trắng, bàn ghế ngăn nắp. Số lượng HS khá ít nên các trường đều dạy theo kiểu học ghép. Mỗi lớp từ 2 hoặc 3 khối khác nhau.
Việc dạy và học ở Trường Sa vẫn tuân theo quy định, sự hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa. Các hoạt động học tập, thi cử, đánh giá, xếp loại học sinh vẫn diễn ra tương tự như trên đất liền. Mỗi ngày 2 buổi, từ thứ hai đến thứ sáu, các em đều đến trường để học tập.
Năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và đơn vị, cơ sở vật chất của các trường được sửa sang ngày càng khang trang, sạch đẹp. Năm học 2020-2021, thầy và trò của các trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 100% HS đều đạt học lực Khá, Giỏi và có hạnh kiểm Tốt...
Lớp học ở thị trấn Trường Sa có 8 học sinh. Thầy giáo thì chỉ có một - thầy Bành Hữu Tình. Thứ có thể coi là nhiều ở lớp học này, là nhiều về độ tuổi. 8 học sinh nhưng độ tuổi từ mẫu giáo… đến lớp 5.
Đó thật sự cũng là điều đặc biệt. Lớp học tưởng sẽ rất lộn xộn. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Các em ngồi ngay ngắn, im phăng phắc mỗi khi thầy giảng bài.
![]() |
Lớp học “6 trong 1” của thầy giáo Bành Hữu Tình trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Báo ĐCS |
Chiếc bảng to được chia làm 3 phần. Mỗi phần là những kiến thức khác nhau theo độ tuổi của học sinh. Thầy Tình vừa giảng bài, vừa cầm tay kèm cặp từng học sinh.
“Các em ở đảo, việc học tập đã khác so với những bạn trên đất liền. Thế nên, mình phải quan tâm nhiều hơn, kèm cặp kỹ hơn, để các em không thua kém bạn bè”, thầy giáo Tình nói.
Tranh thủ giờ ra chơi, thầy giáo Tình chia sẻ trên báo Bà Rịa Vũng Tàu: “Để đảm nhiệm việc dạy học trong một lớp học có HS nhiều trình độ khác nhau, tôi phải dạy xoay vòng. Sau khi hướng dẫn tập viết lớp 1, thì chuyển sang kiểm tra bài tập toán lớp 2, xong sang giảng bài cho lớp 3. Khi dạy lớp này, các học sinh lớp khác làm bài tập và tự quản. Coi vậy chứ các em thi đua học tập dữ lắm”.
Nghe thầy Tình chia sẻ về những giờ lên lớp đặc biệt của mình, trong tôi nảy ra chút suy nghĩ: Liệu các thầy cô ở đất liền, ở thành phố nơi tôi sống sẽ nghĩ gì về cách vận hành một lớp học như ở Trường Sa? Ở đâu tôi không biết, chứ ở cái đảo bé nhỏ mà kiên cường này, chuyện dạy và học, tuyệt nhiên không có những tranh chấp vụn vặt. Tất cả chỉ là tình người.
Cũng vì thế, ở trên đảo, phụ huynh và học sinh ai cũng quý thầy. Họ cảm phục không phải chỉ bởi thầy luôn quan tâm thương yêu con em họ mà còn bởi họ hiểu công tác và làm việc ở đây.
![]() |
Các em nhỏ trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Báo ĐCS |
Với thầy giáo Nguyễn Công Qua, giáo viên Trường TH Sinh Tồn, gần 4 năm qua, sống và dạy học ở xã đảo Sinh Tồn, đảo nhỏ thành quê hương, trường lớp là ngôi nhà lớn và đám trẻ là những đứa con thương.
Trong khoảng thời gian giảng dạy ở đảo Sinh Tồn, có vô số kỷ niệm đáng nhớ. Trong đó xúc động nhất là dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các em HS chạy đi nhờ các chiến sĩ hái hoa sứ để tặng thầy. Sau khi hỏi lý do thì các em hồn nhiên trả lời rằng chúng con xem trên tivi thấy học trò tặng hoa cho thầy giáo, nhưng ở đảo không có bán hoa nên phải hái hoa sứ để tặng thầy.
“Nghe các chiến sĩ trên đảo kể lại và nhìn thấy đóa hoa sứ trên bàn, tôi như run lên vì hạnh phúc”, thầy Qua kể.


Đáng chú ý
Việt Nam - Campuchia nỗ lực đàm phán phân giới cắm mốc khoảng 16% đường biên giới còn lại

Bài viết mới
Kiểm ngư hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Đến năm 2040, Phú Quốc sẽ đón khoảng 15 triệu lượt khách/ năm

Chuyên đề

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã đồng hành hàng trăm năm với lịch sử văn hóa và đời sống dân tộc Việt. Một trong những giá trị quan trọng nhất của hoạt động tín ngưỡng này chính là âm nhạc. Sự hòa trộn của yếu tố bác học với dân gian; sự giao thoa văn hóa các vùng miền, các dân tộc; sự tiếp biến của văn hóa các giai đoạn lịch sử… đạt đến độ hoàn hảo. Đặc biệt nhất là tính thống nhất cực kỳ cao độ giữa cảm xúc, tâm tưởng của những thành phần tham dự là chủ sự, nghệ nhân, khán thính giả; của đời sống hiện thực với đời sống tâm linh thiêng liêng đã được âm nhạc, diễn xướng ở đây tạo nên một giá trị hiếm có. |

50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ: Hương sen tỏa ngát bao gồm tất cả những bài viết về quan hệ của hai nước một cách toàn diện, sâu sắc và độc đáo nhất.