Nhịp điệu yêu thương - thông điệp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Tối 30/11, ActionAid Việt Nam hợp tác cùng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức sự kiện âm nhạc “Nhịp điệu yêu thương”, thu hút sự quan tâm của đông đảo các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể cũng như người dân và các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.Hà Nội.
Tiết mục của các bạn sinh viên trường Đại học Xây dựng.
Sự kiện âm nhạc “Nhịp điệu yêu thương” nằm trong dự án “Sáng kiến chấm dứt bạo lực giới trong ngành may mặc” hưởng ứng Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”.
Dự án được thực hiện được thực hiện trong vòng ba năm từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2020, nhằm nâng cao năng lực, tiếng nói và bảo vệ quyền cho 5.000 nữ công nhân ngành may mặc tại bốn nhà máy thuộc quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh và TP.Hải Phòng thông qua việc xây dựng cơ chế bảo vệ hiệu quả nhằm chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Các bạn sinh viên giao lưu tại chương trình.
Trong hơn hai tiếng diễn ra chương trình với các tiết mục trình diễn sôi động, các bạn sinh viên trường Đại học Xây dựng, nhóm múa FlyArts, ca sĩ Thu Hường, Duy Khoa cùng nhiều nghệ sĩ trẻ khác đã truyền tải những thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi mỗi người trong chúng ta cùng chung tay xây dựng một môi trường sống và làm việc không có bạo lực và quấy rối, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Qua các phần giao lưu với các nghệ sĩ và Ban Tổ chức, khán giả đã có thêm những hiểu biết mới về thực trạng quấy rối tình dục và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam cũng như mong muốn về một môi trường làm việc tốt hơn và cam kết đảm bảo quyền phụ nữ và phòng chống quấy rối tình dục và bạo lực trên cơ sở giới cho phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Hoàng Phương Thảo phát biểu.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện tổ chức ActionAid Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tổ chức buổi sự kiện âm nhạc “Nhịp điệu yêu thương” để tăng cường sự nhận biết của công chúng qua thông điệp “No means No” (“Không là không”) trong việc nói không với quấy rối tình dục và bạo lực giới”.
Bày tỏ mong muốn có thể giúp đỡ những công nhân lao động trong ngành dệt may nói riêng và cộng đồng nói chung có kiến thức và hiểu biết rõ ràng hơn về vấn đề này, bà Hoàng Phương Thảo hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng hơn với các bên liên quan trong tương lai để chung tay xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh cho phụ nữ tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu về tình trạng quấy rối tình dục tại các nhà máy may ở Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh được ActionAid Việt Nam hợp tác cùng Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến chấm dứt bạo lực giới trong ngành may mặc” cho thấy có: · 82,8% nữ công nhân từng bị huýt sáo trêu ghẹo; · 59,5% bị nhìn chằm chằm vào cơ thể; · 45,8% phải nghe những lời bình luận khiếm nhã về ngoại hình, trang phục hoặc các bộ phận cơ thể; · 17,8% bị tán tỉnh, quấy rối bằng tin nhắn, email; · 15,4% bị ôm, sờ mó, đụng chạm một cách cố ý; · 8,2% bị gạ gẫm/ép quan hệ tình dục để giữ việc làm, được ưu ái hoặc thăng chức. Với tình trạng quấy rối tình dục như trên, chỉ có 57,6% số người được khảo sát cho rằng nạn nhân và những người chứng kiến nên lên tiếng về vụ việc; 42,4% còn lại chọn cách giữ im lặng bởi tâm lý mặc cảm, xấu hổ, lo sợ bị mất danh dự cá nhân hoặc sợ bị trả thù. |
Thùy Linh