Nhìn lại 5 lần vào chung kết SEA Games của bóng đá Việt Nam
Đội hình dự kiến U22 Việt Nam & U22 Indonesia: Tiến Linh sẽ không đá chính? Tiến Linh bị đau trong trận gặp U22 Campuchia ở bán kết và nhiều khả năng tiền đạo này sẽ không được sử dụng ngay ... |
Nhận định U22 Việt Nam vs U22 Indonesia, chung kết SEA Games: Khắc khoải mộng vàng! Với những gì đã thể hiện từ đầu giải đến giờ, U22 Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để cụ thể hóa giấc mơ ... |
CHUNG KẾT BÓNG ĐÁ SEA GAMES-U22 Việt Nam vs U22 Indonesia: Bại binh phục hận! Trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30 giữa U22 Việt Nam vs U22 Indonesia - "bại tướng" của chúng ta ở vòng bảng. Báo ... |
Chung kết SEA Games 18 (1995)
SEA Games 18 đánh dấu nhiều cột mốc của bóng đá Việt Nam. Bởi kì đại hội thể thao tổ chức tại Chiang Mai Thái Lan khi đó là lần đầu tiên chúng ta hội nhập trở lại với bóng đá khu vực.
Đây cũng là thời điểm mà chúng ta sở hữu thế hệ cầu thủ vàng như Hoàng Bửu, Công Minh, Minh Chiến, Hồng Sơn hay Huỳnh Đức. Thầy trò Karl Heinz Weigang, với tâm lí không bị đặt nặng về việc phải có huy chương, đã trình diễn một lối chơi đầy thuyết phục và đẹp mắt.
Lứa cầu thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức đưa bóng đá Việt Nam trở lại đấu trường khu vực với tấm huy chương bạc SEA Games 18. (Ảnh: Baomoi). |
Vượt qua vòng bảng với tư cách đứng thứ 2 tại bảng A, cặp tiền đạo ăn ý Huỳnh Đức – Minh Chiến thay nhau ghi bàn với sự hỗ trợ của Quốc Cường hay Hồng Sơn trong chiến thắng 2-1 xứng đáng trước Myanmar ở bán kết.
Vào chung kết tái đấu với Thái Lan, Việt Nam khao khát đòi lại món nợ đã vay sau khi thúc thủ 1-3 ở vòng bảng. Song, khi phải đối mặt với một "bầy voi chiến" quá mạnh, Weigang cùng các học trò đã không thể tạo nên bất ngờ, chấp nhận thất bại với tỉ số chung cuộc 0-4 và nhìn người Thái đăng quang.
Chung kết SEA Games 20 (1999)
Hai năm sau khi chỉ dành được tấm huy chương đồng SEA Games 19, tuyển Việt Nam đến Brunei với khao khát hoàn thành giấc mơ vàng. Lúc này, thầy trò ông Riedl tràn đầy tự tin và phần nào gạt tâm lí sợ Thái sang một bên, bởi 1 năm trước đó, tuyển Việt Nam đã đánh bại Thái Lan 3-0 đầy kiêu hãnh ngay ở sân nhà Hàng Đẫy, trong khuôn khổ bán kết Tiger Cup 98.
Những lá thăm may rủi tiếp tục đẩy hai kì phùng địch thủ vào cùng 1 bảng. Việt Nam chia điểm với Thái Lan trong trận cầu không bàn thắng ở lượt trận cuối, đứng nhì bảng A do cùng có 10 điểm nhưng ít hơn về chỉ số phụ.
Việt Nam giành vé vào chơi trận đấu cuối cùng sau khi loại Indonesia ở bán kết bằng bàn thắng duy nhất của Hồng Sơn phút thứ 70. Các học trò của ông Riedl khi đó như Phương Nam, Như Thuần, Hồng Sơn, Hữu Thắng đã chơi một trận đầy quả cảm, nhưng, một lần nữa, tấm HCV lại lẩn tránh Việt Nam khi Damrong-Ongtrakul và Dusit Chalermsan sút tung lưới thủ thành Trần Minh Quang ở các phút 39 và 85.
Chung kết SEA Games 22 (2003)
Là nước chủ nhà của SEA Game 22, tuyển Việt Nam với thế hệ của Thanh Bình, Công Vinh, đặc biệt là “thần đồng” Văn Quyến được kì vọng sẽ giành vàng cho bóng đá nước nhà tại một kì đại hội thể thao Đông Nam Á.
Ở vòng bảng, dù gặp Thái Lan, nhưng Việt Nam thi đấu ngang ngửa và có phần hung phấn hơn với lợi thế sân nhà. Chúng ta cũng là đội mở tỉ số trước bằng cú cứa lòng chân phải điệu nghệ của Văn Quyến. Dù không thể bảo toàn chiến thắng đến hết 90 phút khi để Datsakorn Thonglao gỡ hòa cho người Thái, song trận hòa trên thế thắng này cũng giúp các học trò của Riedl tự tin chơi song phẳng trước đại kình địch.
"Thần đồng" Văn Quyến có kì SEA Games đáng nhớ với tuyển Việt Nam (Ảnh: Baomoi). |
Vượt qua Malaysia 4-3 ở bán kết với màn rượt đuổi tỉ số nghẹt thở, Việt Nam tái đấu người Thái ở trận chung kết. Dù để cho Sarayuth Chaikamdee mở tỉ số ở tình huống hậu vệ và thủ môn phối hợp không thực sự ăn ý, nhưng “những chiến binh sao vàng” đã thi đấu nỗ lực đến những phút cuối cùng.
Sự cố gắng của họ đã được đền đáp với bàn thắng gỡ hòa của Văn Quyến ở phút 90+1. Cú volley quyết đoán của số 10 bên phía Việt Nam làm hàng triệu con tim yêu đội tuyển vỡ òa trong sung sướng, đồng thời cũng đưa trận đấu kéo dài thêm 30 phút của hai hiệp phụ.
Những tưởng hai đội sẽ đưa nhau vào lượt đấu súng cân não thì bất ngờ, Nattaporn Phanrit có cú đá xiết mu bàn chân đầy dũng mãnh, xé toang mành lưới của Việt Nam. Những giọt nước mắt tiếc nuối lăn dài trên khuôn mặt các CĐV và các cầu thủ đội chủ nhà bởi giấc mộng vàng tưởng như rất gần, nhưng lại tuột khỏi tầm tay.
Chung kết SEA Games 23 (2005)
Việt Nam tiếp tục là ứng cử viên cho tấm HCV bóng đá nam 2 năm sau thất bại ở sân nhà Mỹ Đình. HLV Riedl trong lần trở lại ấy đã giúp Việt Nam vượt qua vòng bảng một cách khá xù xì khi thường chỉ thắng tối thiểu, để dành sức cho những vòng đấu quan trọng tiếp theo.
Đánh bại Malaysia ở bán kết bằng hai bàn thắng của song sát Công Vinh - Văn Quyến, tuyển VIệt Nam một lần nữa đối đầu với đối thủ không đội trời chung – Thái Lan, ở trận đấu cuối cùng.
Song giấc mộng vàng một lần nữa lại dang dở khi hàng thủ của Việt Nam đã không thể đứng vững trước “bầy voi chiến” thi đấu vượt trội hơn, đặc biệt trong ngày Teeratep Winothai thi đấu chói sáng với 1 cú hattrick. 3-0 cho người Thái, Việt Nam tiếp tục kéo dài giấc mơ vàng thêm 1 năm nữa.
Đây cũng là kì SEA Games chứa đựng kỉ niệm đáng quên của bóng đá Việt Nam. Những công thần của hai năm trước như Văn Quyến, Quốc Vượng không thể chiến thắng được cám dỗ và sa vào vụ án bán độ trong trận gặp Myanmar ở vòng bảng. Bóng đá nước nhà chia tay một nhóm cầu thủ tài năng theo cách không ai mong muốn, và cũng chia tay cả HCV SEA Games ở kì đại hội thể thao Đông Nam Á tiếp theo.
Chung kết SEA Games 25 (2009)
Bốn năm sau bóng ma tiêu cực ở Bacolod, bóng đá Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ và đạt được rất nhiều thành tựu như vào tứ kết Asian Cup 2007, lọt vào vòng loại thứ ba của Olympic 2008. Đặc biệt, thời điểm này, “những ngôi sao vàng” đang là đương kim vô địch Đông Nam Á sau khi vượt qua người Thái ở hai trận chung kết AFF Cup 2008.
Đỉnh cao bóng đá Việt Nam một lần nữa được khẳng định bởi dù rơi vào bảng đấu rất khó khăn gồm cả Malaysia và Thái Lan, song U23 Việt Nam vẫn thi đấu xuất sắc để có được ngôi đầu bảng A.
Lứa cầu thủ Tiến Thành, Thanh Bình, Thành Lương được đặt nhiều kì vọng tại SEA Games 2009. (Ảnh: Zing). |
Vượt qua vòng bảng một cách thuyết phục, thầy trò Calisto không mấy khó khăn trong việc khuất phục “Đảo quốc sư tử” Singapore với tỉ số 4-1. Sự tự tin cũng như khao khát giành vàng của toàn đội dâng lên rất cao, nhất là khi người Thái – đối thủ mà Việt Nam dè chừng nhất, đã không thể vượt qua vòng bảng. Khẩu hiệu “HCV SEA Games – không bây giờ thì bao giờ” có trên khắp các mặt báo, và len lỏi trong huyết quản của từng cầu thủ mang trên mình màu áo đỏ.
Tái đấu với Malaysia, đội đã từng thua 1-3 trước chúng ta ở vòng bảng, đoàn quân của HLV Calisto thi đấu với tâm thế “cửa trên” và liên tục tạo ra sức ép lên cầu môn của “những chú hổ Malaya”.
Tuy nhiên, trong một ngày mà Thanh Bình, Tiến Thành hay Trọng Hoàng không thể chọc thủng lưới đối phương như hơn 10 ngày trước đó, Việt Nam đã phải trả giá đắt trong khoảnh khắc thi đấu thiếu tập trung của hàng thủ.
Kì SEA Games đáng tiếc nhất của Việt Nam từ trước tới nay kết thúc bằng cái bóp cổ của HLV Calisto dành cho Tấn Trường. (Ảnh: ANTĐ). |
Pha ra vào không hợp lí của thủ môn Tấn Trường ở phút 85 đặt anh ở vị trí khó khăn trong pha tranh chấp của đối phương, để rồi khi tiền vệ đội bạn treo bóng không thực sự nguy hiểm từ hành lang cánh phải, thủ thành này đã không có sự phối hợp ăn ý với Mai Xuân Hợp và để bóng từ từ lăn qua vạch vôi trong sự bất lực.
5 phút quá ít ỏi còn lại của trận đấu là không đủ cho mong muốn lội ngược dòng của Thành Lương cùng các đồng đội. Tiếng còi mãn cuộc vang lên sau đó không lâu, và những giọt lệ của những người yêu bóng đá Việt Nam lại một lần nữa lại đổ. Giấc mơ vàng, đáng buồn, lại một lần nữa lỗi hẹn.
Năm nay, U22 Việt Nam lại một lần nữa góp mặt trong trận chung kết SEA Games. Với tinh thần thi đấu kiên cường của các cầu thủ, cùng tài thao lược của thầy Park, "binh đoàn rồng vàng" được kì vọng sẽ mang về tấm HCV đầu tiên cho bóng đá nước nhà - điều mà những người đàn anh trước đây không thể thực hiện được.