Nhiều tỉnh biên giới lên kịch bản cho tình huống Covid-19 bùng phát xấu nhất
Kiên Giang – Điểm nóng nhập cảnh trái phép
Hơn một tuần qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Campuchia, TP Hà Tiên tăng cường cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ phối hợp biên phòng ngăn chặn người vượt biên. Thành phố có đường biên giới cả đường bộ, biển và sông nên việc ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép hết sức khó khăn.
Biên phòng Kiên Giang dùng vỏ lãi tuần tra tuyến biên giới ở TP Hà Tiên. Ảnh: Nguyễn Phương |
Trong đêm, ánh đèn chốt gác phía Campuchia luôn sáng. Trên đường tuần tra, nhiều cuộc gọi giữa lực lượng làm nhiệm vụ hai nước diễn ra thường xuyên, nhất là khi có tin "người lạ" mấp mé bờ biên giới. Thượng úy Nguyễn Sư Long, Trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) cho biết, mỗi đêm, tổ tuần tra di động đi 6 -10 lượt. Còn tại các chốt, lực lượng trực 24/24. "Mùa mưa đã đến, đường sá lầy lội, rất khó khăn, nhưng anh em đã quán triệt nhiệm vụ rất quan trọng nên không ai nản lòng", anh nói.
Cùng với Hà Tiên, TP Phú Quốc được xác định là "điểm nóng" nhập cảnh trái phép ở Kiên Giang. Trong tuần qua, trên địa bàn tăng cường 7 chốt phòng chống dịch, 50 chiến sĩ, nâng tổng số lên 27 chốt và gần 100 người trực chiến ngày đêm trên. Hàng chục vụ nhập cảnh trái phép đã bị phát hiện, đưa đi cách ly.
Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải Quân đóng tại Phú Quốc đã điều thêm tàu trực ở các khu vực trọng điểm. Máy radar được tăng cường để các chiến sĩ quan sát, phát hiện các phương tiện chở người nhập cảnh trái phép từ hướng Campuchia. 13 tàu và 19 xuồng của Vùng Cảnh sát biển 4 cũng tham gia tuần tra liên tục.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND Phú Quốc cho biết, nếu cần thiết địa phương sẽ cho dừng hoạt động của tất cả tàu đánh bắt.
An Giang – Chống dịch như chống giặc
Chiều 26/4, đoàn công tác Bộ Y tế do đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh An Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài gần 100 km, với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn, lối mở và bến đò ngang. Lợi dụng địa hình, nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép vào tỉnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào cộng đồng là rất lớn. An Giang đã xin tạm ngưng nhận người nhập cảnh theo các chuyến bay về địa phương, để tập trung đảm bảo công tác phòng chống dịch tuyến biên giới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch trên tuyến biên giới. |
Nhận thức được nguy cơ trên, An Giang đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới, chỉ đạo Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan. Tổ chức duy trì 200 tổ, chốt kiểm soát dịch COVID-19 cố định và lưu động trên tuyến biên giới để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, phát động phong trào “Toàn dân phòng chống dịch”, vận động “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”.
Hoạt động lưu thông hàng hóa qua biên giới được tỉnh An Giang kiểm, soát chặt chẽ, thực hiện niêm phong cabin phương tiện ngay khi nhập cảnh, người điều khiển phương tiện ở tại cabin trong suốt quá trình sang hàng hóa. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp, cá nhân vi phạm các giải pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định thì không cho phương tiện qua lại cửa khẩu và xử phạt theo quy định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh An Giang cần chủ động xây dựng các kịch bản và chuẩn bị cho tất cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra như: vấn đề dịch trong cộng đồng, số ca mắc tăng cao; chuẩn bị các kịch bản cho trường hợp cách ly trên diện rộng, phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly….
Đồng thời, An Giang cần làm tốt công tác kiểm soát biên giới trên bộ và sông, xem đây là giải pháp tiên quyết trong công tác phòng, chống dịch. Tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân chủ động tham gia hỗ trợ phát hiện và kịp thời ngăn chặn các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép và có chế độ khen thưởng kịp thời đối với các công dân thực hiện tốt. Quan tâm hơn đến công tác phòng chống lây nhiễm chéo ở các khu cách ly khi có ca bệnh, nhất là cải thiện điều kiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường,... tại các khu cách ly tập trung.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế, đề nghị tỉnh An Giang cần trang bị thêm thiết bị chuyên dùng cho lực lượng làm nhiệm vụ trực tại các chốt kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 dọc tuyến biên giới giáp với Campuchia. Đối với các khu cách ly tập trung, khu thu dung, điều trị COVID-19, tỉnh cần trang bị thêm thiết bị giám sát từ xa, thiết bị y tế chuyên dùng trong công tác điều trị COVID-19.... Riêng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhanh chóng kiểm tra công tác triển khai 2 phòng xét nghiệm mới ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang và Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc, giúp An Giang chủ động trong công tác xét nghiệm, phòng chống dịch.
Đồng Tháp – Quyết tâm chống dịch xâm nhập
Đồng Tháp có đường biên giới dài hơn 50 km với Campuchia, với 7 cửa khẩu, trong đó hai cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà cùng 5 cửa khẩu quốc gia. Ngoài 17 chốt cố định, tỉnh tăng cường thêm 16 đội tuần tra lưu động; đồng thời vận động người dân tố giác những trường hợp vượt biên.
Ở cửa khẩu quốc tế Thường Phước - huyện Hồng Ngự (khu vực thông thương với cửa khẩu Kaoh Roka, xã Kaoh Roka, huyện Peam Chor tỉnh Prey Veng, Campuchia), các cán bộ thực hiện công tác kiểm dịch cho biết, từ sau khi tình hình dịch bệnh tại Campuchia diễn biến phức tạp, tại cửa khẩu đã dừng công tác xuất cảnh cho người dân, trừ các trường hợp xuất cảnh làm nhiệm vụ chống dịch bệnh hoặc chuyên gia xuất cảnh đến Campuchia làm việc.
Hiện nay tại cửa khẩu chỉ tiếp nhận giao thương hàng hoá, công tác xuất - nhập khẩu hàng hoá được kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể tài xế các phương tiện sẽ được đo thân nhiệt, kiểm tra hàng hoá. Tài xế lên cabin được niêm phong và di chuyển đến bến vận chuyển cách cửa khẩu khoảng 400 mét. Trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ, hàng hoá được vận chuyển xuống bến, tài xế và phương tiện trở lại Campuchia.
Những hàng hoá này sẽ được công dân và phương tiện trong nước vận chuyển vào nội địa. Phương án này nhằm đảm bảo các mối đe doạ của dịch bệnh không thể xâm nhập sâu vào nội địa, đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Đối với công tác quản lý nhập cảnh, theo chỉ đạo, những trường hợp công dân Việt Nam từ Campuchia trở về cũng được kiểm soát chặt chẽ. Những trường hợp không có giấy tờ tuỳ thân các cán bộ sẽ từ chối làm thủ tục nhập cảnh. Những trường hợp có giấy tờ tuỳ thân sẽ được áp dụng các phương pháp phòng chống dịch bệnh: đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế, đeo khẩu trang… được cách ly đúng quy định sau khi nhập cảnh.
Quảng Trị: "đổi đầu kéo, đổi tài xế" tại cửa khẩu
Cùng với các chiến sĩ biên giới Tây Nam, những ngày qua biên phòng ở huyện Hướng Hóa cũng căng mắt dõi theo con sông Sê Pôn, biên giới giữa Quảng Trị và tỉnh Savannakhet, sau khi Lào bùng phát dịch. Đại úy Hoàng Kim Bắc, Đồn biên phòng Thuận, cho hay mùa này nước sông cạn nên rất thuận lợi cho vượt biên. Ngày 23 và 24/4, chín người nhập cảnh trái phép bị bắt giữ.
Biên phòng Quảng Trị tuần tra biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Ảnh: Hoàng Táo |
Chốt trực của đại úy Bắc gồm ba người, đặt trên khu đất cao sát sông để thuận lợi quan sát. Vào cao điểm sáng sớm và chiều muộn, họ thay nhau đi tuần dọc các đường mòn, lối mở, bến nước, kết hợp tuyên truyền phòng chống Covid-19.
Cạnh đó, Đồn trưởng Biên phòng Thanh, trung tá Ngô Trường Khôi cho biết, trong bối cảnh Covid-19 phức tạp ở Lào, Thái Lan và Campuchia, ngày 26/4, 16 chốt của đồn sẽ được tăng cường thêm 48 công an, dân quân xã. Ngoài tuần tra, lực lượng liên tục thông báo tình hình dịch ở Lào cho bà con trong bản, tuyên truyền không tiếp tay, bao che cho người xuất nhập cảnh trái phép.
Biên phòng Quảng Trị ghi nhận tại Lào có 22.000 người Việt, trong đó khoảng 9.600 người làm việc và sống dọc biên giới. Tình hình vượt biên diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh. Đơn vị này kiến nghị lập tổ kiểm soát trên quốc lộ 9. UBND tỉnh yêu cầu thực hiện "đổi đầu kéo, đổi tài xế" tại hai cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo.
Hà Tĩnh có 156 km biên giới giáp Lào với nhiều đường tiểu ngạch. Ngoài tuần tra, biên phòng cũng kiểm soát chặt người và xe từ Lào về qua cửa khẩu Cầu Treo (huyện Hương Sơn). Từ ngày 21-25/4, 127 người nhập cảnh được đo thân nhiệt, phun khử trùng hành lý và phương tiện, đưa đi cách ly tập trung.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, cuối tháng 4, đơn vị lập thêm 11 chốt với hệ thống nhà bán kiên cố, mỗi chốt có 10 người. Sắp tới, nếu dịch bệnh ở Lào tiếp tục phức tạp, mỗi chốt được thêm 5 người. Đồn cũng bố trí các tổ tuần tra lưu động 3-5 người.
Những ngày qua, Covid-19 bùng phát nhanh ở các nước gần Việt Nam. Hiện, Campuchia ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm, 79 ca tử vong; Thái Lan hơn 57.000 ca nhiễm và 148 trường hợp tử vong; Lào hơn 400 ca dương tính nCoV. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch trong nước luôn thường trực, nhất là từ các nguồn nhập cảnh.
Mảnh đất cằn cỗi vươn mình nơi biên giới Người dân xã biên giới Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang) đã hồi sinh sau “cú hích” từ Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. |
Phát hiện 10 công dân nhập cảnh trái phép qua cột mốc biên giới huyện Mèo Vạc Ngày 19/4, Đồn Biên phòng Xín Cái đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 10 công dân nhập cảnh trái phép qua cột mốc 448 thuộc huyện Mèo Vạc, Hà Giang. |
Phát hiện 6 người nhập cảnh trái phép khi kiểm tra xe ô tô trên cao tốc Sáng 17/4, Cục CSGT và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã phát hiện 6 người nước ngoài nhập cảnh trái phép trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. |