Nhiều nước phản ứng việc Trung Quốc cho phép hải cảnh bắn tàu nước ngoài
Trung Quốc cho phép lực lượng Hải cảnh bắn tàu nước ngoài
Theo hãng tin Reuters, động thái này có thể khiến các vùng biển tranh chấp quanh Trung Quốc trở nên "hỗn loạn hơn".
Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền biển với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông. Trung Quốc nhiều lần điều tàu hải cảnh đến xua đuổi tàu cá của các quốc gia khác và một số lần đâm chìm tàu cá nước ngoài.
Theo dự thảo được công bố trước đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Luật Hải cảnh Trung Quốc nêu các trường hợp lực lượng này sử dụng những loại vũ khí khác nhau gồm vũ khí cầm tay, phóng từ tàu hoặc từ trên không.
Luật Hải cảnh Trung Quốc cho phép thành viên lực lượng được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Đạo luật này cũng trao cho hải cảnh Trung Quốc quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh ngày 22/1 nói luật này phù hợp với thông lệ quốc tế, bất chấp nhiều bên lo ngại. Điều đầu tiên trong Luật Hải cảnh giải thích đạo luật cần để "bảo vệ chủ quyền, an ninh và các quyền hàng hải của Trung Quốc".
Các tàu hải cảnh của Trung Quốc tuần tra ở vùng biển Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, năm 2012 - Ảnh: XINHUA |
Luật Hải cảnh được thông qua sau khi Trung Quốc hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật dân sự trên biển để lập Cục Hải cảnh năm 2013. Cục Hải cảnh Trung Quốc chuyển về dưới quyền lực lượng Vũ cảnh trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào tháng 7/2018.
Theo Hãng tin Tân Hoa xã, ông Lật Chiến Thư, ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, nói rằng Luật hải cảnh giúp bảo vệ hiệu quả cái gọi là "các quyền lợi trên biển, an ninh và chủ quyền quốc gia".
Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc chạy dòng tít: "Trung Quốc thông qua luật hải cảnh, bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư". Nhật Bản và Trung Quốc hiện có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.
Quốc tế nói gì?
Hãng Bloomberg ngày 23-1 cho rằng động thái trên của Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra "tính toán sai lầm" tại các vùng biển tranh chấp.
Bloomberg lưu ý: "Tàu hải cảnh Trung Quốc thường tiếp xúc gần - đôi khi có các cuộc đối đầu căng thẳng - với các tàu nước ngoài, khi họ khẳng định các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông".
Theo báo Nikkei Asia, động thái trên của Trung Quốc đặc biệt "gây báo động" với Nhật Bản khi nước này phải đối phó với số vụ xâm nhập ngày càng thường xuyên của tàu Trung Quốc tại vùng nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hơn 1.000 tàu Trung Quốc đã đi vào các vùng nước quanh quần đảo này năm ngoái.
Giới chuyên gia đánh giá dự luật hải cảnh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua có thể trở thành "cơn đau đầu" đối với chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, theo Hãng tin Kyodo.
Một tàu Trung Quốc di chuyển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc - Ảnh: KYODO |
Theo Kyodo, Tokyo buộc phải xem xét cẩn thận cách thức xây dựng quan hệ tốt với Bắc Kinh. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã nói với ông Suga rằng điều 5 của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật sẽ có hiệu lực bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng nghĩa Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột tại đây.
Việt Nam hồi tháng 11/2020 tuyên bố các quốc gia "cần đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân" khi bình luận về thông tin Trung Quốc ra dự thảo cho phép hải cảnh dùng vũ lực với tàu cá nước ngoài.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam cho biết Việt Nam "muốn chuyển thông điệp" tới các quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc và ASEAN, "về tìm cách bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam và các nước đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình"
Ông Dương Hoài Nam khẳng định Việt Nam "có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa", "luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982".
Mỹ có động thái mạnh mẽ với Trung Quốc ở Biển Đông Ngày 14.1, cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Thương mại của Mỹ đều có các động thái mạnh mẽ đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. |
Mỹ gộp 3 lực lượng để ứng phó ở Biển Đông: Việt Nam nói gì? Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 15/1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc Mỹ gộp ba lực lượng để ứng phó ở Biển Đông mới đây. |
Trung Quốc thông báo đồng loạt tập trận trên Biển Đông Trung Quốc thông báo nước này tiến hành cùng lúc 4 cuộc tập trận từ ngày 28.12.2020 đến ngày 7.1.2021 trên Biển Đông. |