Nhiều giải pháp đẩy lùi vi phạm về nồng độ cồn được các địa phương áp dụng
Phối hợp tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn
Để ngăn ngừa, giảm các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, đảm bảo ATGT trên địa bàn, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động và xử lý vi phạm quy định đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ giai đoạn 2015 - 2020.
Quảng Nam tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn
Theo kế hoạch, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Ngoài ra, các lực lượng từ xã đến huyện, tỉnh liên kết tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp.
Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh Quảng Nam chỉ đạo áp dụng mô hình tổ công tác phối hợp giữa cảnh sát giao thông với cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, người dân và sự tham gia của truyền thông.
Tiến hành nhiều giải pháp xử lý triệt để vi phạm về nồng độ cồn
Ban ATGT TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 với nhiều giải pháp thực hiện khá toàn diện.
Theo kế hoạch, Ban ATGT tập trung tăng cường năng lực về thực thi pháp luật xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Cụ thể, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự về kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Cần Thơ ra quân phát động đảm bảo ATGT
Để xử lý triệt để người vi phạm về nồng độ cồn khi đang điều khiển phương tiện, Ban ATGT thành phố đã trang bị máy đo nồng độ cồn trong khí thở và các trang bị phụ trợ khác cho nhiều đối tượng như: lực lượng thực thi công vụ, tập huấn kỹ năng tuyên truyền về chuyên đề nồng độ cồn cho đội ngũ tuyên truyền về ATGT, các doanh nghiệp vận tải, người điều hành vận tải đường bộ, người tham gia giao thông bằng xe ô tô, xe mô tô, gắn máy.
Ngoài ra, lồng ghép tuyên truyền các nội dung về tác hại của việc uống rượu, bia vào trong các trung tâm đào đạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, các cơ sở đào tạo chuyên ngành về giao thông vận tải.
Cụ thể hóa việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng các kế hoạch, chuyên đề về nồng độ cồn, tổ chức tuyên truyền đến người điều khiển phương tiện cơ giới bằng đường bộ, chú trọng tuyên truyền về quy định của pháp luật về chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Công an Cần Thơ xử lý người điều khiển xe vi phạm về nồng độ cồn
Việc cảnh báo về nguy cơ tai nạn giao thông do vi phạm quy định nồng độ cồn phải phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Đưa thêm chương trình giảng dạy về nồng độ cồn vào trong hệ thống trường học, hệ thống trường dạy nghề.
Xây dựng các mô hình tuyên truyền thí điểm tại một số địa bàn trọng điểm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện.
Đối với việc tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát khác thường xuyên kiểm tra các đối tượng có biểu hiện uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đường có nhiều điểm kinh doanh quán ăn có sử dụng rượu, bia; thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, trật tự xã hội.
Minh Anh