Nhiều dự án sai phạm tại Hà Nội: Trách nhiệm thuộc về ai?
Vừa qua Thanh tra Bộ Xây dựng có Quyết định thanh tra làm rõ vi phạm của một số chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Những dự án bất động sản có dấu hiệu sai phạm trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội, bao gồm nhiều dự án như: Dự án Sky City 88 Láng Hạ, Dự án Hoà Bình Green City, Chung cư Yên Hòa - Thăng Long, Trụ sở Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng CICC Hà Nội và Toà nhà LOD số 38 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), tòa nhà D2 Giảng Võ, dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy… Hầu hết các dự án đều xây dựng vượt quá số tầng cấp phép, cơi nới, chia nhỏ căn hộ để tăng lợi nhuận…
Ví dụ tòa nhà D2 Giảng Võ, cơ quan chức năng cấp phép cho Công ty Giao Bảo xây dựng dự án D2 Giảng Võ với 242 căn hộ. Nhưng theo biên bản của Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư lại tự ý chia nhỏ khiến số căn vượt quá là 12 căn. Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 80 triệu đồng.
Nhiều dự án "khủng" bị sai phạm, trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời PV Báo Đời sống & Pháp luật, Thanh tra Sở xây dựng cho biết, Thanh tra chỉ có trách nhiệm trong việc kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm. Việc ban hành quyết định đình chỉ, cưỡng chế nếu chủ đầu tư không thực hiện lại thuộc về phường, quận.
Theo Thanh tra Sở xây dựng, theo Nghị định của Chính phủ, những dự án sai phép nhưng không xâm phạm đất hợp pháp, chỉ giới xây dựng, không tranh chấp thì có thể xem xét, yêu cầu chủ đầu tư nộp lại 50% lợi nhuận của phần sai phạm để hợp lý hóa sai phạm đó. Một số công trình sai phạm có thể phù hợp với kiến trúc thì có thể xem xét chấp thuận. Tuy nhiên, cơ quan chấp thuận không phải là Thanh tra. Thanh tra chỉ có quyền được nói là dự án, công trình đó sai phạm như thế nào, phản ánh khách quan.
"Phường, quận không ra quyết định xử lý, đình chỉ thì Thanh tra Sở cũng không có quyền gì”, ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở xây dựng cho biết.
Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, nhiều lần cơ quan này đã gửi văn bản đôn đốc cưỡng chế phường, quận vẫn không thực hiện.
Khi được hỏi tại sao các công trình hoàn thành xong mới bị phát hiện sai phạm, ông chánh thanh tra xây dựng cho rằng, không phải trường hợp nào cũng vậy. Tuy nhiên, lãnh đạo thanh tra Sở cũng thừa nhận: "Chính vì như vậy mới có chuyện kỷ luật cán bộ, nếu vào cuộc kịp thời thì không còn chuyện để nói."
Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư cũng dính sai phạm nghiêm trọng đang bị thanh tra và đình chỉ thi công
“Không có sai phạm thì không phải, năm 2015 cả thành phố có hơn 20.6000 công trình xây dựng lớn bé, tăng 8% so với năm 2014 thì có thể sẽ sai một phần nào đó.” - Cán bộ thanh tra Sở xây dựng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, chánh thanh tra, với việc công trình xây dựng ngày càng tăng thì quản lý không đơn giản. Trong khi đó lực lượng kiểm tra vẫn cố định, yêu cầu công việc lại cao hơn. Trong một cuộc họp với các cán bộ, ông Dũng cho biết đã cho soạn thảo một văn bản cam kết đến người cuối cùng dưới địa bàn nếu để xảy ra vi phạm sẽ tùy theo mức độ để xử lý.
Ông Dũng còn cho rằng, nhiều chủ dự án, không biết mình vi phạm pháp luật cho đến khi bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Theo Thanh tra Sở xây dựng, đối với sai phạm trước đây là vậy, nhưng hiện nay, nếu xây dựng sai phạm sẽ bị cắt bỏ hoặc cưỡng chế phá dỡ.