Nhiều đổi thay tích cực tại Tây Bắc Việt Nam từ sự hỗ trợ của Australia
Đoàn công tác của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam vừa có chuyến thăm các tỉnh Sơn La và Điện Biên, gặp mặt lãnh đạo chính quyền địa phương và nông dân, doanh nghiệp đang hưởng lợi từ các dự án do Australia tài trợ.
Chuyến thăm nhằm tái khẳng định cam kết của Australia trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh Tây Bắc là một phần trong quan hệ đối tác lâu dài với Việt Nam, thông qua chương trình “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất Nông nghiệp và phát triển Du lịch” (GREAT), một dự án thuộc Chương trình Hợp tác Phi chính phủ Australia (ANCP) do tổ chức CARE Quốc tế thực hiện tại Việt Nam, và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR).
Tại đây, đoàn đã ghi nhận nhiều đổi thay tích cực trong quá trình triển khai các dự án.
Các đối tác của chương trình GREAT bao gồm Hợp tác xã măng sạch Xuân Nha ở xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, chủ homestay là các phụ nữ địa phương ở Bản Vặt, huyện Mộc Châu đã thông tin đến đoàn sự kết nối giữa các doanh nghiệp và nhóm du lịch dựa vào cộng đồng với các thị trường có giá trị cao. Bất chấp tác động của COVID-19, chương trình GREAT vẫn hỗ trợ Bản Vặt phát triển từ 2 lên 17 cơ sở kinh doanh homestay và trở thành một điểm đến du lịch phát triển mạnh. Chương trình còn giúp tăng thu nhập cho hơn 6.500 phụ nữ và thu hút gần 4 triệu đô-la Úc đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Sơn La.
Đại sứ Australia tại Việt Nam, Bà Robyn Mudie, trải nghiệm trồng măng tại HTX Sản xuất Măng Xuân Nha. Ảnh: ĐSQ Australia tại Việt Nam |
Với sự hỗ trợ từ dự án chăn nuôi của ACIAR, nông dân tỉnh Điện Biên đã áp dụng các phương pháp chăn nuôi thâm canh mới và hiệu quả giúp nâng cao thu nhập, đồng thời thành lập các hợp tác xã thúc đẩy tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị. Đến nay, đã có gần 400 hộ nông dân được hưởng lợi từ các hoạt động nghiên cứu và nâng cao năng lực của dự án, giúp tăng cường sản xuất thâm canh và liên kết với thị trường.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Bà Robyn Mudie ghé thăm hộ gia đình ông Quàng Văn Thủy, người đã áp dụng các kĩ thuật chăn nuôi thâm canh hiệu quả để nâng cao thu nhập của gia đình. Ông cũng là người có uy tín trong cộng đồng và đã giúp nhiều hộ gia đình khác học hỏi và áp dụng các kĩ thuật chăn nuôi mới với đàn gia súc của họ. (Ảnh: Trọng Chính, TTXVN) |
Trong quá trình tham gia vào các dự án hợp tác do ACIAR tài trợ, các lãnh đạo và cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên đã nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý và lãnh đạo, và mới đây bảo vệ thành công đề án trị giá 29 tỷ đồng (1,7 triệu đô-la Úc) về chiến lược 5 năm phát triển ngành chăn nuôi tỉnh Điện Biên.
Đại sứ Robyn Mudie làm việc với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La. Ảnh: ĐSQ Australia tại Việt Nam. |
Đại sứ Robyn Mudie thảo luận về các chương trình hỗ trợ của Australiađại diện lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên. Ảnh: ĐSQ Australia tại Việt Nam. |
Trong các cuộc gặp với UBND tỉnh Sơn La và Điện Biên, Đại sứ Australia ghi nhận mối quan hệ đối tác nhiều mặt giữa Australia và khu vực Tây Bắc, đồng thời thảo luận về các chương trình hỗ trợ của Australia và tìm kiếm cơ hội để thắt chặt mối quan hệ hơn nữa với hai tỉnh.
“Australia cam kết hợp tác, chia sẻ kiến thức chuyên môn với khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững”, Đại sứ Mudie khẳng định.
GREAT là chương trình hỗ trợ về giới quan trọng nhất của Australia tại Việt Nam, với tổng trị giá 33,7 triệu đô-la Úc. Chương trình hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nhà nước của Việt Nam xây dựng hệ thống thị trường và kinh doanh bao trùm trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch tại hai tỉnh Sơn La và Lào Cai, nhằm đảm bảo phụ nữ địa phương và người dân tộc thiểu số tham gia tích cực và được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này cũng như các hoạt động kinh tế liên quan. Kể từ năm 1993, ACIAR đã đầu tư hơn 32 triệu đô-la Úc thông qua 20 dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế ở khu vực Tây Bắc để phát triển các hệ thống canh tác bền vững trên đất dốc, đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao thu nhập cho nông dân. |