Nhiều điểm "sáng - tối" đan xen bức tranh kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 1/8, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 (AMDER 2022).
Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), với sự tham gia các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, giao thông, logistics… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của vùng. Đây cũng là năm thứ hai báo cáo được thực hiện và đến nay vẫn là báo cáo kinh tế đầu tiên và duy nhất của một vùng kinh tế tại Việt Nam.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, phát biểu tại lễ công bố sự kiện. |
Đối với Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm nay, VCCI đã lựa chọn chủ đề nghiên cứu “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”, đồng thời tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực quy hoạch, kinh tế, chính sách, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, logistics… để thực hiện.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, báo cáo năm nay đã chỉ ra lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng (GRDP) vùng giảm sâu, -0,43% năm 2021, thấp nhất trong lịch sử phát triển của ĐBSCL. Không chỉ thế, giai đoạn 2016-2020 không có thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế của vùng, công nghiệp và thương mại dịch vụ chưa đủ sức để trở thành trụ cột của nền kinh tế, đóng góp của ngành công nghiệp chế biến ngày một suy giảm trong công nghiệp chế biến chế tạo cả nước, trong khi chế biến là ngành chủ lực của vùng.
Về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành vốn là thế mạnh của vùng trong nhiều năm qua, nay đã suy giảm so với các vùng kinh tế khác, trong đó chỉ số đào tạo lao động, gia nhập thị trường, tính minh bạch là khá yếu. Bên cạnh đó, các nguồn vốn huy động từ tín dụng, thu hút FDI vẫn còn thấp so với tiềm năng.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright báo cáo kết quả nghiên cứu, những vấn đề chính của Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022. |
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, báo cáo cũng cho thấy những điểm sáng về kinh tế: Dù chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng ĐBSCL là vùng đóng góp nhiều nhất vào thặng dư thương mại của quốc gia (năm 2020 xuất siêu 9,4 tỷ USD, năm 2021 xuất siêu hơn 8 tỷ USD). Bên cạnh đó, nông nghiệp của khu vực ĐBSCL khẳng định được năng lực cạnh tranh của mình.
Báo cáo cho thấy giai đoạn 2021 - 2022, toàn vùng xuất 6,2 triệu tấn gạo, trở thành nhà xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, thủy sản tăng 5,56%, đạt giá trị 8.8 tỷ USD, xuất rau quả cũng tăng trưởng ổn định… Đặc biệt năm 2021, ĐBSCL là một trong 2 vùng duy nhất có sự gia tăng vốn đăng ký FDI, tập trung vào ngành năng lượng, khẳng định lợi thế và cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Các đại biểu tham dự lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022. |
Theo Chủ tịch VCCI, báo cáo được thực hiện trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… đến lựa chọn mô hình tăng trưởng khi kinh tế vùng đã phát triển đến ngưỡng.
Cùng với đó, quy hoạch vùng đã được ban hành, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đang phải thiết lập lại quy hoạch, xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh cho phù hợp với quy hoạch vùng, với Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn đến 2045 và với thực tiễn địa phương, phải cùng nhau nhận diện các thách thức, hạn chế để tìm tiếng nói chung…
Từ Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mong muốn gửi đến chính quyền các địa phương, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông điệp: “ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững”.
Cần Thơ được chọn tổ chức sự kiện quốc tế Agritechnica Asia Live 2022 Ngày 13/6, tại Cần Thơ, ông Trần Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Viện lúa ĐBSCL và các đơn vị có liên quan bàn kế hoạch triển khai sự kiện quốc tế Agritechnica Asia Live 2022. |
Chủ tịch Quốc hội Mozambique thăm Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Tiếp theo chương trình làm việc tại TP Cần Thơ, ngày 23/6 , Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Cộng hòa Mozambique do bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Mozambique dẫn đầu đoàn đã đến thăm Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. |
Cần Thơ: Khởi công Viện Nghiên cứu - Đào tạo khoa học sức khỏe theo tiêu chuẩn quốc tế Sáng ngày 27/7, Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Lễ khởi công xây dựng Viện Nghiên cứu - Đào tạo khoa học sức khỏe DNC, áp dụng theo mô hình y khoa tiên tiến của Hoa Kỳ và các nước có nền y khoa hàng đầu trên thế giới. |