Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi
Ngày 8/10, tại tỉnh Thái Nguyên, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị gặp mặt báo chí thông tin về tình hình công nhân, công đoàn và dự án Luật Công đoàn, tổ chức để phóng viên thâm nhập tình hình thực tế đời sống và việc làm của công nhân năm 2024.
Nguồn kinh phí 2% chăm lo cho người lao động
Tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cung cấp thông tin về quy định mức phí công đoàn được nêu trong dự thảo luật Công đoàn sửa đổi năm 2024. Theo đó, về cơ bản, Quốc hội đã xem xét và đồng tình với mức đóng phí công đoàn 2%. Mặc dù một số doanh nghiệp có ý kiến giảm nhưng lựa thấy mức này vẫn trong sức chịu đựng của doanh nghiệp. Mặt khác mức đóng này là cần thiết để đảm bảo chăm lo đời sống cho người lao động.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, quy định về đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn hiện hành đã được áp dụng từ năm 1957, nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Nguồn kinh phí trên chủ yếu để chăm lo cho người lao động vì số tiền được tập trung cho công đoàn cơ sở (chiếm gần 75%) để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động. Trong đó, chi cho phúc lợi, đại diện, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và người lao động chiếm hơn 84% tổng số chi.
Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định: “Về bản chất, nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động cho tổ chức và hoạt động của công đoàn nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm chăm lo cho người lao động, đồng thời cũng để đảm bảo vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Như vậy, nguồn kinh phí công đoàn được sử dụng mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin với báo chí về bối cảnh tình hình công nhân, công đoàn (Ảnh: T.L). |
Cũng theo đánh giá của Tổng Liên đoàn, mức đóng 2% kinh phí công đoàn vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp.
“Nóng” vấn đề cấn bộ công đoàn cơ sở
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chia sẻ về quá trình xem xét dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, Dự án Luật Công đoàn đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ XII, Quốc hội Khóa XV. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội chuẩn bị xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ VIII, dự kiến diễn ra từ ngày 21/10-30/11 sắp tới.
Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được xem là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. Không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động Việt Nam, mà còn góp phần giúp Công đoàn Việt Nam phát triển vững mạnh trong môi trường cạnh tranh quốc tế”.
Một trong những vấn đề “nóng” của công đoàn hiện nay là thiếu hụt cán bộ công đoàn cơ sở. Ông Ngọ Duy Hiểu nêu một ví dụ thực tế tại thành phố Tân Uyên (Bình Dương): Do sự bùng nổ của công nghiệp và các khu công nghiệp, trên địa bàn thành phố Tân Uyên có khoảng 96.000 đoàn viên, 554 công đoàn cơ sở nhưng chỉ có 4 cán bộ công đoàn. Do vậy, khối lượng công việc mà mỗi cán bộ công đoàn phải đảm nhận rất lớn.
Cán bộ công đoàn thăm hỏi đời sống công nhân lao động tại Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Ảnh: T.L). |
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong khi đó, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn theo các quy định hiện nay của Đảng và các quy định pháp luật đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Cơ chế cấp ủy địa phương giao biên chế cho tổ chức công đoàn địa phương trong gói biên chế được cấp trên giao cho khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn.
“Biên chế ít, lại thêm việc phân công về các tỉnh, thành ủy theo nguyên tắc số lượng đảng viên và dân số - tức là nơi nào đông dân, đông đảng viên thì nơi đó sẽ có nhiều biên chế. Nhưng nơi đông dân không có nghĩa là nơi ấy đông công nhân. Dẫn đến việc nơi có rất nhiều công nhân nhưng biên chế lại ít”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu thực trạng.
Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn đặc thù ngày càng nặng nề nhưng biên chế công đoàn lại rất thấp. Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến ngày 31/3/2024, công đoàn địa phương được các tỉnh ủy, thành ủy giao 5.119 biên chế, con số này chỉ bằng 1/3 các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thừa nhận thực tế, công đoàn cơ sở ở nhiều nơi đang không có cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ doanh nghiệp tự tuyển người về làm cán bộ công đoàn. Việc chủ doanh nghiệp tuyển và trả lương cho cán bộ công đoàn khiến cho “tiếng nói” của cán bộ công đoàn khó có thể độc lập, mạnh mẽ, quyết liệt.
Để khắc phục điều này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do tổ chức công đoàn trả lương. Ðối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc cơ cấu cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân do công đoàn quản lý, trả lương sẽ bảo đảm tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Đổi mới cách thức truyền thông về Công đoàn Việt Nam Tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐLĐ Việt Nam - cũng đã chia sẻ thông tin về bối cảnh tình hình mới và những vấn đề đặt ra trong công tác thông tin, tuyên truyền về công nhân, công đoàn. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐLĐ Việt Nam đề nghị, trước sự bùng nổ thông tin, phóng viên các cơ quan báo chí cần sử dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức, phương thức truyền thông hiện đại nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến đoàn viên, người lao động và toàn xã hội về hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, phóng viên các cơ quan báo chí phản ánh kịp thời về đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; tuyên truyền giúp đoàn viên nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước ngày càng phát triển. |