Nhiều đại gia bán lẻ thế giới hứng "phong ba bão táp" tại Việt Nam
Theo xếp hạng của hãng nghiên cứu thị trường A.T.Kearney, Việt Nam là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu. Mặt khác, với lợi thế là hơn 90 triệu người tiêu dùng, đa phần là người trẻ, sự đô thị hoá mạnh mẽ, thật dễ hiểu khi Việt Nam đang thu hút một lượng lớn vốn ngoại đầu tư vào bán lẻ.
Hàng loạt tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã và đang mở rộng đầu tư, khai thác thị trường Việt Nam, từ các ông lớn như Lotte (Hàn Quốc), 7Eleven (Nhật Bản), Metro Cash & Carry (Đức), Ikea (Thuỵ Điển)... cho tới những cái tên còn chưa mấy quen thuộc với người dân trong nước: Muji, Fuji Mart (đều của Nhật Bản)...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đi kèm với cơ hội, tiềm năng cực lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam là sự cạnh tranh khốc liệt, rủi ro cao. Không ít doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài kinh doanh thua lỗ, thậm chí phải rút khỏi Việt Nam.
Chuỗi siêu thị Auchan buộc phải rời khỏi thị trường Việt Nam do thua lỗ kéo dài |
Mới đây nhất, chuỗi bán lẻ nổi tiếng Auchan (Pháp) là cái tên mới nhất "bị loại khỏi cuộc chơi" vì thua lỗ nặng, sau gần 5 năm hoạt động tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn hôm 14/5, Chủ tịch Tập đoàn Auchan Retail, ông Edgard Bonte, cho biết đã quyết định bán 18 cửa hàng của chuỗi tại Việt Nam. Ông Bonte cho biết 5 năm hoạt động tại Việt Nam, DN này chỉ thu về 45 triệu euro vào năm ngoái và vẫn đang trên đà thua lỗ.
Theo tờ Le Monde, Auchan là hãng phân phối phương Tây cuối cùng ở Việt Nam, sau khi Casino Group rời đi năm 2016. Trước đó, tập đoàn Casino Group cũng đã bán lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cho tập đoàn Central Group của gia tộc tỷ phú Thái Chirathivat.
Sự rút lui của Auchan cũng đã nối dài thêm danh sách các đại gia bán lẻ thế giới "hụt hơi" tại thị trường Việt Nam: Lotte (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản), Metro Cash & Carry (Đức), Jardine Matheson Group (Hong Kong)...
Trong đó, Lotte báo lỗ 800 tỷ năm 2018 và dự báo đến năm 2020 mới có lãi dù sở hữu 13 trung tâm thương mại lớn đang hoạt động. Aeon lần lượt "bắt tay" với 3 DN trong nước: Trung Nguyên, Fivimart và Citimart nhưng cuối cùng đều thất bại, thậm chí Fivimart và Citimart còn bị lỗ nặng. Metro Cash & Carry thì hoàn toàn rút khỏi Việt Nam vào năm 2015 sau 12 năm báo lỗ liên tiếp...
Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ. |
Theo thống kê của Bộ Công thương, riêng nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thị phần của các nhà bán lẻ nội (tính đến quý III/2018) chiếm đến 73%, trong khi chuỗi bán hàng ngoại chỉ 27%. Xét ở 4 thị trường chính mà các nhà bán lẻ ngoại chọn kinh doanh nhiều (gồm TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ), thị phần các nhà bán lẻ ngoại chỉ tăng khoảng 32% trong khi chuỗi bán lẻ nội đạt 68%.
Trong khi đó, chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 16% còn các nhà bán lẻ hiện đại trong nước chiếm 84%. Như vậy, kênh bán hàng của DN trong nước vẫn chiếm đến 3/4 thị phần bán lẻ hiện nay.
Đáng chú ý, mặc dù chiếm một tỷ lệ không nhỏ nhưng DN nội chủ yếu chiếm lĩnh mô hình siêu thị và siêu thị mini, còn với mô hình đại siêu thị, nhà bán lẻ ngoại chiếm tới 92%. Phân khúc cửa hàng tiện lợi cũng đang thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài với 80% thị phần.
Tuy vậy, các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi… đang ngày càng có xu hướng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, và đây cũng được coi là cơ hội để các DN ngành bán lẻ nước nhà giành lại thị phần, bứt phá trong thời gian tới.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 3.000 tỷ đồng TĐO – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa của nước ta năm 2017 đạt 2.937.300 tỉ đồng ... |
Thị phần bán lẻ TP. Hồ Chí Minh: Đường dài mới biết ngựa hay! Những ngày qua, từ khóa “chợ An Đông” đang trở thành tâm điểm của dư luận. Dù khởi nguyên của sự việc bắt nguồn từ ... | |
|