Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 3.000 tỷ đồng
Mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ năm 2017 khá cao so với những năm trước đó. Cụ thể năm 2016 doanh thu bán lẻ đạt khoảng 118 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm 2015. Năm 2015 đạt gần 110 tỉ USD. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng ổn định và là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ nước ngoài.
Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ ô tô tăng 14%, đá quý và kim loại quý tăng 13,2%, mặt hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,8%, lương thực và thực phẩm tăng 11,1%, vật phẩm văn hóa và giáo dục tăng 10,2%, hàng may mặc tăng 9,6%, dịch vụ phương tiện đi lại tăng 8,6%, mặt hàng đồ dùng, dụng cụ và trang thiết bị gia đình tăng 8,5%.
Một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao là Thanh Hóa tăng 13,7%, Tiền Giang tăng 13,3%, Hà Giang tăng 12,8%, Hải Phòng tăng 12,5%, Hà Nội tăng 11,4% và TPHCM tăng 10,1%.
Bên cạnh đó, doanh thu du lịch lữ hành cũng đạt mức khá ấn tượng, với gần 36.000 tỷ đồng, trong đó khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục.
Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng. (Ảnh nguồn internet)
Kết quả năm 2017 cũng cho thấy ngành hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực nông thôn ghi nhận mức tăng trưởng tới 7%, gấp đôi khu vực thành thị. Thậm chí, thị trường thôn quê trở thành thị trường chính của không ít các thương hiệu.
Với ngành hàng bánh kẹo, trong khi khu vực thành thị một số nơi có mức tăng trưởng âm thì khu vực nông thôn lại có mức tăng 15%.
Theo công ty nghiên cứu thị trường, khu vực nông thôn vẫn mang trong mình nhiều cơ hội mà các nhà sản xuất vẫn chưa khai thác hết. Nếu tận dụng được lợi thế của kênh bán hàng truyền thống và phát triển mạng lưới phân phối tốt sẽ có nhiều khả năng chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này.
Năm 2017 ghi nhận sự tham gia thị trường của các nhà bán lẻ nước ngoài thông qua việc mở rộng mạng lưới, đa dạng mô hình kinh doanh cũng như thâu tóm hệ thống kinh doanh của các nhà bán lẻ hiện hữu.
Đơn cử, chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu thế giới 7 Eleven đã có mặt ở Việt Nam, các chuỗi cửa hàng Circle K, B’s mart, Family Mart, Ministop mở rộng mạng lưới với số lượng cửa hàng đã lên hàng trăm đơn vị cho mỗi thương hiệu. Riêng ở lĩnh vực văn phòng phẩm – giáo dục, nhìn thấy tiềm năng của thị trường này vào tháng 7 rồi, nhà bán lẻ Thái Lan Central Group đã đưa vào hoạt động Trung tâm văn phòng phẩm B2S (business to school) đầu tiên tại Việt Nam, đặt ở TP HCM.
Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác như Big C, Aeon, Auchan, Lotte… cũng đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống nhằm gia tăng thị phần.
Theo nhận định của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thuộc giai đoạn 1 của dự án nghiên cứu ngành bán lẻ Việt Nam 2017 – 2020 (được công bố vào cuối tháng 10/2017), ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo là ngành kinh doanh bền bỉ, ổn định, thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trước bối cảnh dân số đông, tình hình kinh tế khởi sắc, sức chi tiêu tốt.
Về cơ bản, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng vì kênh phân phối bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ và phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Chính vì thế, thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ.
Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 và cửa hàng tiện ích lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn.
Minh Anh