Nhiều câu hỏi khó, Bộ trưởng Hoàng nhận trách nhiệm
Bộ trưởng Hoàng nhận trách nhiệm trong vụ các dự án thủy điện "nuốt" đất trồng rừng và bế tắc trước câu hỏi chậm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 11- 6 về việc tại sao có nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp không trồng rừng thay thế khi làm các công trình thủy điện. Những địa bàn không còn đất để trồng rừng thay thế thì xử lý thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai trong vấn đề cấp phép này?
Nhiều doanh nghiệp không trồng rừng thay thế khi làm thủy điện
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đã có ý kiến yêu cầu nghiêm khắc xử phạt các doanh nghiệp không trồng rừng thay thế khi làm các công trình thủy điện.
"Nhưng với những địa bàn không còn đất để trồng rừng thay thế thì xử lý thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai trong vấn đề cấp phép này? Đối với những người dân ở những dự án thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung khi nào được chính sách tái định cư?", ông Học nêu vấn đề
Đồng tình với việc cần xử lý nghiêm với các doanh nghiệp là các chủ đầu tư các công trình thủy điện chây ì không chịu thực hiện trách nhiệm trồng lại rừng khi triển khai dự án, Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận hiện chưa có phương án xử lý đối với các dự án thủy điện đã cấp phép, nhưng không còn đủ đất để tiến hành lại việc trồng rừng.
"Với những địa phương không có quỹ đất thì có thể nộp tiền thay cho việc trồng rừng để địa phương bố trí trồng rừng ở nơi khác thay vào. Còn lúc phê duyệt cũng chưa tính đến yếu tố trồng lại rừng thay thế ở những nơi không có đất', Bộ trưởng Hoàng nhận trách nhiệm.
Bộ trưởng Hoàng cũng cho hay hiện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang tiếp tục phối hợp xem xét, kiến nghị, cũng như đốc thúc, yêu cầu chủ đầu tư các công trình thủy điện vừa và nhỏ phải cam kết các phương án hỗ trợ, đền bù, tái định cư cho người dân trong khu vực một cách nhanh chóng hơn.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) quan tâm về công nghiệp phụ trợ, và thấy rằng tình hình chưa có chuyển biến đáng kể? Với ngành công nghiệp ô tô, phải chăng là do thiếu chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ nên đã phá sản, dù đã tồn tại 20 năm qua?
Công nghiệp ô tô: Câu hỏi khó, Bộ trưởng loay hoay
Về ngành công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Hoàng thẳng thắn "Bộ Công thương chịu trách nhiệm về vấn đề này" khi các chính sách hỗ trợ chưa phát huy được tác dụng hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm văn bản dự thảo lần thứ 6 hỗ trợ ngành CN phụ trợ chưa được thông qua. "Hiện nay Bộ cũng chưa tìm ra được cách hỗ trợ cho DN cũng như công cụ hỗ trợ hiệu quả", Bộ trưởng Hoàng thừa nhận.Thậm chí, việc có cần thiết có thêm luật riêng về công nghiệp hỗ trợ hay không cho thành phần doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang được bàn bạc xem xét.
Đặt vấn đề về việc Bộ trưởng nhận trách nhiệm tới đâu trong việc ban hành chính sách tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, cũng như yêu cầu "cần biến việc nhận trách nhiệm thành hành động”, đại biểu Lê Trọng Sanh (TP.HCM) nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô không thực hiện đúng lộ trình cam kết nội địa hóa sản phẩm thì sẽ xử lý thế nào?
Bộ trưởng Hoàng tỏ ra khá bế tắc trước câu hỏi này và cũng không đưa ra được giải pháp thỏa đáng về ngành sản xuất ô tô trong nước đang có nguy cơ sụp đổ,
Bộ trưởng Hoàng thừa nhận: "về cá nhân tôi, tôi nhận trách nhiệm và cảm thấy mình còn một món nợ về việc ngành công nghiệp hỗ trợ chưa có nhiều chuyển biến, cũng như thiếu các chính sách thúc đẩy phát triển tích cực".
Bộ trưởng Hoàng giải thích thêm, do đây là quy định liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, và "trước hết phải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các cam kết". Tuy nhiên, có thực tế khi VN tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, hoặc theo cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới thì yêu cầu nội địa hóa không còn nữa.
"Việt Nam một mặt đề nghị doanh nghiệp tiếp tục thực hiện, nếu có khó khăn thì phối hợp tháo gỡ. Nếu không thực hiện thì mới trao đổi với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thậm chí có kiến nghị với Chính phủ để có biện pháp giải quyết phù hợp", Bộ trưởng Hoàng khẳng định.
Điện là mặt hàng "lạ": Tăng giá, tăng giá rồi tăng giá!
Trong phiên họp Quốc hội chiều nay Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về xuất nhập khẩu, giá điện, giá xăng tăng...
Tiếp theo sau Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người kế tiếp trả lời phấn chất vấn của các đại biểu quốc hội.
Mở màn phần đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ huy Hoàng cho biết kỳ họp Quốc hội khóa 8 bộ nhận được 21 chất vấn của 19 đại biểu. Các kiến nghị đã được bộ cơ bản tập trung giải quyết và thực hiện.
Trong kỳ chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ trả lời về những vấn đề quan trọng như phát triển thị trường trong nước trong bối cảnh nhu cầu hội nhập rất lớn. Vấn đề nghiên cứu, xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, trách nhiệm quản lý nhà nước trong các vấn đề liên quan đến điện năng...
Suy giảm xuất khẩu đáng lo ngại
Đặt vấn đề về tình hình suy giảm hoạt động xuất khẩu đáng lo ngại nhất là các mặt hàng nông nghiệp, thậm chí có mặt hàng ứ đọng, đổ bỏ, đại biểu Huỳnh Văn Tĩnh (Tiền Giang) còn nêu thực trạng hàng gian, giả, vật tư nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng tràn lan làm ảnh hưởng đến thu nhập, sản xuất của người dân, cũng như giá vật tư nông nghiệp sản xuất tăng cao làm cho thu nhập của nông dân suy giảm.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận 5 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu một số hàng hóa trong đó nông sản có dấu hiệu suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu nói chung chỉ tăng 7,8%, dẫn đến tăng trưởng chưa đạt được như mục tiêu Chính phủ đề ra 10%, là do nông sản gạo, thủy sản có giá thấp hơn, và xuất khẩu dầu thô chỉ bằng 50% so với năm trước. Chưa kể, một số thị trường xuất khẩu chính như Nhật, EU đang có tình trạng tỉ giá thấp.Tuy nhiên, ông Hoàng lại cho rằng suy giảm xuất khẩu những tháng đầu năm "chỉ mang tính nhất thời".
Bàn về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Hoàng cho rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là cơ hội đầu ra cho những sản phẩm nông sản VN.
“Liên quan đến đàm phán các hiệp định thương mại, chúng tôi nhận thức sâu sắc, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp chỉ đóng góp 18% GDP nhưng giữ vai trò tác động đến 70% người dân. Chính vì vậy, ngành công thương khi đàm phán các hiệp định bao giờ cũng đặt vấn đề đối tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng này. Và phần lớn các đối tác chấp nhận mở cửa đối với những sản phẩm này với thuế suất 0% hoặc thấp nhất có thể”, Bộ trưởng Hoàng thông tin.
Chẳng hạn với mặt hàng gạo, Bộ trưởng Hoàng cho biết hiện nay Việt Nam đã ký được các hiệp định và biên bản thảo thuận với 8 nước giúp tiêu thụ tổng khối lượng 5,5 triệu tấn/năm. "Đây chính là cơ sở quan trọng để chúng ta tiêu thụ gạo ổn định trong dài hạn", Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Bộ trưởng làm gì khi điện tăng giá, tăng giá, rồi tăng giá?
Bức xúc về tình hình giá điện tăng vô tội vạ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói thẳng: Điện là mặt hàng rất kỳ lạ "chỉ biết tăng giá, tăng giá, rồi tăng giá". "Việc tăng giá đáng lẽ ra người dân được lợi, nhưng bao giờ lý thuyết này mới đúng, thưa Bộ trưởng?", ông Cương hỏi.
Dù xác nhận "điện và xăng dầu là hai loại hàng hóa hết sức đặc biệt", và liên quan đến phần lớn đời sống người dân, doanh nghiệp, nhưng Bộ trưởng Hoàng lại nói "việc thực hiện về cơ chế giá vừa có theo cơ chế giá thị trường và có sự quản lý của nhà nước".
Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận "mỗi khi đứng trước lần điều chỉnh giá điện, chúng tôi hết sức băn khoăn" và cho rằng trong tính toán "đã rất cẩn trọng để đảm bảo điều chỉnh giá điện theo đúng lộ trình của thị trường đồng thời giảm ảnh hưởng tác động đến người dân“. Bộ trưởng Hoàng cũng khẳng định "chúng ta làm điều chỉnh (giá - PV) tương đối tốt" (!).
Theo giải trình của Bộ trưởng Hoàng, từ tháng 8-2013 điều chỉnh giá thì đến tháng 3-2015 mới điều chỉnh lại. Việc điều chỉnh giá điện nằm trong chủ trương của chính phủ, đưa giá điện về theo đúng giá thị trường và dựa vào nhiều yếu tố tỷ giá, nguyên liệu hay kết cấu nguyên liệu thay đổi… Giải trình về việc tăng giá điện, Bộ trưởng nói, "Chính phủ cho phép nếu mức điều chỉnh dưới 10% thì giao cho Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính xem xét".
Theo đó, ngành điện có 3 phương án tăng giá điện: 7,5% 8,5% và 9,5 % và các cơ quan liên quan đã nghe ngành điện báo cáo.
"Lần điều chỉnh vừa rồi rất đặc biệt là có ý kiến của cả 4 bộ theo hướng đồng ý. Việc điều chỉnh là cần thiết vì từ năm 2014 giá bán điện mới bắt đầu cao hơn giá thành, nhưng vẫn chưa theo kịp được giá thị trường. Nguyên nhân là do trước đây ngành điện được bảo hộ nên giá bán còn thấp. Nhưng từ năm 2016 trở đi, giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường", Bộ trưởng Hoàng nói.
Điều hành giá xăng dầu Bộ trưởng... lại hứa
Về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng cho hay mặc dù có nhiều ý kiến về việc điều hành giá xăng dầu theo nghị định 83, "nhưng giá xăng dầu đang đi đúng hướng. Với cách điều hành này, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh theo giá bình quân 15 ngày từ thị trường Singapore", Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết bên cạnh cơ chế thị trường, Nhà nước cũng sử dụng công cụ thuế và quỹ bình ổn để đảm bảo không tăng giá quá mạnh. “Tôi đồng tình ý kến của đại biểu, sự biến động của hai mặt hàng này tác động đến đời sống doanh nghiệp, người dân”, Bộ trưởng Hoàng phân trần.
Giải pháp cho giá xăng dầu, giá điện và câu hỏi cho giá xăng, giá điện bao giờ chuyển theo cơ chế thị trường người dân vẫn đang chờ lời hứa thực hiện của Bộ trưởng Hoàng trong năm 2016.
Tiếp tục băn khoăn về cơ chế đều hành giá xăng dầu đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Bà Rịa-Vũng Tàu) nói rằng người tiêu dùng đang phải gánh quá nhiều từ giá xăng dầu. "Đây là sự bất hợp lý", đại biểu Hiển nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Hoàng, khi điều hành giá xăng dầu, cơ quan chức năng đã kết hợp hài hoà lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
"Nghị định 83 mới thực hiện được 6 tháng, bên cạnh mặt tốt cũng có những điều cần điều chỉnh trong đó có liên quan đến chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Bộ trưởng nói xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và cùng các ban ngành xem xét lại", Bộ trưởng Hoàng...lại hứa tiếp.
Theo TTO