Nhật Bản đối mặt với tình trạng thiếu hụt gạo nghiêm trọng
Nhật Bản khan hiếm một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó đáng chú ý nhất là gạo. |
Nhật Bản đang phải chịu tình trạng thiếu gạo do các vấn đề về chất lượng bắt nguồn từ đợt nắng nóng năm ngoái.
Ito Seimaiten - một cửa hàng gạo ở quận Nakano, Tokyo đang từ chối đơn đặt hàng gạo từ các nhà hàng mới do lượng gạo tồn kho cạn kiệt vì giá thu mua tăng. "Tình trạng thiếu hụt dự kiến sẽ được giải quyết vào tháng tới khi việc phân phối gạo mới (thu hoạch trong năm nay) bắt đầu được thực hiện nghiêm túc, nhưng giá thu mua khó có thể giảm", chủ cửa hàng Takeo Ito cho biết.
Ông Eiichi Aikawa, thành viên hội đồng của Hiệp hội bán lẻ gạo Nhật Bản (JRRA) cho biết: "Nhiệt độ cao của năm ngoái đã làm giảm chất lượng và giảm năng suất trồng lúa gạo. Điều đó có nghĩa là lượng gạo làm lương thực chính sẽ khan hiếm hơn".
Trên mạng xã hội facebook, nhiều tài khoản người dùng cho biết: một số siêu thị đã hạn chế việc mua gạo để ngăn chặn tình trạng mua hàng hoảng loạn, mỗi người chỉ được mua 1 bịch gạo loại 2kg, 5kg hoặc 10kg. Giá gạo cũng đã tăng vọt. Đáng chú ý, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, các kệ hàng khu vực bán gạo thường xuyên trống trơn, không có gạo để bán.
Tại các siêu thị lớn như Life, Frente và một số cửa hàng gạo ở Tokyo, hầu hết các kệ hàng bán gạo và mì ăn liền đều trống hoàn toàn. |
"Đây là lần đầu tiên gạo trở nên khan hiếm như vậy kể từ 'cuộc bạo loạn gạo thời Heisei'", Hiromichi Akiba, chủ tịch chuỗi siêu thị cỡ trung Akidai cho biết.
Bộ Nông nghiệp Nhật Bản giải thích, nguyên nhân chính gây khan hiếm gạo là do hoạt động thu hoạch lúa gạo năm 2023 bị ảnh hưởng và lượng khách du lịch nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản khiến nhu cầu tăng mạnh.
Cũng theo Bộ này, lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 1999. Hầu hết lượng gạo thu hoạch trong năm nay vẫn chưa được đưa ra thị trường và lượng gạo tồn kho năm ngoái đã giảm xuống mức dự trữ tối thiểu, cả hai yếu tố này đều góp phần dẫn tới tình trạng thiếu hụt hiện nay.
Vụ thu hoạch lúa năm nay cũng đang được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng, ít nhiều sẽ tác động tới các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thị trường gạo tại Nhật Bản có thể lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung sớm hơn dự kiến trong năm tới và xu hướng tăng giá gạo được dự báo sẽ còn tiếp tục.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi năng suất lúa ở một số tỉnh trọng điểm như Tottori giảm mạnh. Sự sụt giảm sản lượng trong khi nhu cầu vẫn tăng cao không ngừng đã khiến dự trữ gạo nhanh chóng cạn kiệt.
Theo ghi nhận của phóng viên Anna Yamaguchi, các siêu thị tại Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm gạo trầm trọng. Kệ hàng trống trơn, và ngay cả khi có gạo, số lượng cũng bị giới hạn nghiêm ngặt. Toshihito Uchida, Chủ tịch của Fresh Market Mallow chia sẻ rằng tình trạng thiếu gạo đã kéo dài từ mùa xuân năm nay và ông không thể ngờ rằng sẽ có ngày siêu thị của mình hết sạch gạo.
Một khách hàng tại siêu thị chia sẻ: "Tôi đã phải đi đến 7 siêu thị mới mua được gạo. Loại 10kg gần như không có, loại 5kg thì hiếm, hầu như chỉ còn loại 1kg, 2kg. Nhưng mỗi người cũng chỉ được mua một bịch".
Theo Japan times, giá sản xuất gạo sơ bộ tháng 6 được Bộ Nông nghiệp Nhật Bản công bố vào ngày 16/7: giá gạo lứt/ 60kg tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, lên 15.865 Yên (2,68 triệu VND), mức cao nhất trong khoảng 11 năm.
Ngài Mori Takero: quan tâm kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản đến Quảng Bình đầu tư Ngày 15/8, tại Quảng Bình, Ngài Mori Takero, tân Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng đã có chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình. |
Cộng đồng người Việt góp phần thiết thực củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Ngày 18/8 tại Nhật Bản, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka tổ chức buổi Gặp gỡ hội đoàn, doanh nghiệp Việt Nam tại vùng Kansai nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (2/9/1945 -2/9/2024). |