Nhân dân tệ còn mất giá tới mức nào?
Ảnh minh hoạ từ www.bloncampus.com
Ngân hàng JPMorgan Chase ngày 7/1 đã hạ dự báo tỷ giá Nhân dân tệ vào cuối năm nay về mức 6,9 Nhân dân tệ/USD, từ mức 6,7 Nhân dân tệ/USD trước đó.
Thấp nhất trong 5 năm qua
Một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia do Bloomberg thực hiện cho thấy, đồng Nhân dân tệ cần giảm giá về mức 7,7 Nhân dân tệ đổi 1 USD từ mức 6,6 Nhân dân tệ/USD hiện nay để tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng thêm 0,7 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, sự giảm giá đồng nội tệ của Trung Quốc tới mức như vậy là một kịch bản mà không một nhà phân tích nào được Bloomberg khảo sát ý kiến kỳ vọng. Trong trường hợp đồng Nhân dân tệ giảm giá như vậy, dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc có thể lên tới 670 tỷ USD.
Cái khó mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt vào thời điểm hiện nay là giảm giá đồng tiền mà không gây ra sự thoái vốn ồ ạt khỏi nước này. Sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc bắt nguồn từ nguyên nhân chính là nhu cầu yếu của thị trường toàn cầu, và đồng Nhân dân tệ sụt giá nhanh chỉ làm gia tăng nguy cơ các quốc gia khác cũng phá giá đồng tiền để giành thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của mình - dẫn tới một tình huống gọi là “chiến tranh tiền tệ”.
“Họ không muốn sự phá giá quá mạnh”, chiến lược gia Sacha Tihanyi của Toronto Dominion Bank ở New York nhận định. “Tôi không cho là họ đang tìm cách giành lợi thế xuất khẩu thông qua phá giá đồng tiền”.
Trong phiên giao dịch ngày 7/1 tại Thượng Hải, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD giảm còn 6,5956 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 5 năm và giảm 5,7% so với cách đây 1 năm.
Ngày 8/1, PBoC đã chấm dứt chuỗi 8 ngày liên tục giảm tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ, nhờ đó tỷ giá đồng tiền này trên thị trường giao ngay cũng hồi phục.
Tuy nhiên, tỷ giá Nhân dân tệ tại Hồng Kông (offshore) vẫn thấp hơn so với tại Trung Quốc đại lục (onshore) khoảng 1,4%, phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế về việc đồng tiền này còn tiếp tục giảm giá. Ngày 7/1, khoảng cách này có lúc lên tới mức kỷ lục 2,9%, nhưng PBoC được cho là đã can thiệp để thu hẹp.
Tín hiệu lẫn lộn
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 11/2015 đã giảm tháng thứ 5 liên tục. Theo kết quả khảo sát ý kiến chuyên gia của Bloomberg, GDP Trung Quốc tăng 6,9% trong năm 2015 và sẽ chỉ tăng 6,5% trong năm 2016.
Phân tích của hãng tin này cho thấy, để tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tăng thêm 10 điểm phần trăm trong năm 2016, thì đồng Nhân dân tệ phải mất giá 13%. Mức mất giá như vậy đồng nghĩa tỷ giá Nhân dân tệ giảm về mức khoảng 7,7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Giới giao dịch tiền tệ hiện đang đặt cược khả năng đồng Nhân dân tệ giảm về mức này là 13%.
Trong số 64 nhà phân tích được Bloomberg khảo sát, chỉ có 1 người duy nhất dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ giảm quá mức 7 Nhân dân tệ/USD trong năm nay. Mức dự báo bình quân là đồng tiền của Trung Quốc sẽ giảm về mức 6,65 Nhân dân tệ “ăn” 1 USD.
PBoC đang gửi đi những tín hiệu lẫn lộn về mục tiêu chính sách tiền tệ của mình. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc liên tục cam kết giữ ổn định tỷ giá, và đã rút số tiền kỷ lục 513 triệu USD từ dự trữ ngoại hối trong năm 2015 để hỗ trợ đồng nội tệ.
Nhưng song song với đó, tuần này, PBoC hạ tỷ giá tham chiếu tới mức thấp bất ngờ, làm dấy lên những đồn đoán cho rằng Bắc Kinh sẵn sàng để đồng tiền mất giá sâu hơn. Điều này đã khiến thị trường toàn cầu rơi vào trạng thái “hoảng loạn”.
Ngân hàng JPMorgan Chase ngày 7/1 đã hạ dự báo tỷ giá Nhân dân tệ vào cuối năm nay về mức 6,9 Nhân dân tệ/USD, từ mức 6,7 Nhân dân tệ/USD trước đó. Theo các chuyên gia của ngân hàng này, việc PBoC hạ tỷ giá tham chiếu là một “sự xác nhận rõ ràng về thay đổi quan điểm của nhà chức trách Trung Quốc” muốn đồng Nhân dân tệ yếu đi so với USD.
Theo VnEconomy