Nhân chứng sống vẫn ám ảnh về ký ức kinh hoàng nạn diệt chủng Pol Pot
Tội ác tột cùng
Về Ba Chúc vào những ngày đầu tháng 1/2019, theo sự chỉ dẫn tận tình của một cán bộ văn hóa địa phương, chúng tôi tìm đến những người may mắn sống sót, nhân chứng sống tội ác nạn diệt chủng Pol Pot tại Ba Chúc. Thị trấn Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cách biên giới Campuchia khoảng 7 km, đây là nơi Pol Pot tiến hành cuộc tàn sát dã man khiến 3.157 người dân thiệt mạng.
Chú Võ Văn Hiệp dẫn chúng tôi cùng con cháu của chú về lại hang núi Tượng nơi chú trú ngụ trong hang trốn Pol Pot cách nay 40 năm.
Từ tháng 4/1977, quân Khmer Đỏ bắt đầu tấn công biên giới Tây Nam - Việt Nam. Ngày 18/4/1978, quân Khmer Đỏ tràn vào Ba Chúc tàn sát những người dân thường vô tội, nhiều người phải chạy tới chùa Phi Lai hay chùa Tam Bửu để trốn tránh; cũng có một số người dân chạy lên núi Tượng để ẩn náu, nhưng phần lớn người dân nơi đây bị Pol Pot tàn sát dã man, xác chết chất đống trước những mỏm đá, hang núi Tượng...
Lúc bấy giờ, nhiều người dân từ người già đến trẻ em đều vô cùng hoảng sợ. Chỉ trong suốt 12 ngày đêm, Pol Pot đã giết hại 3.157/16.000 người dân Ba Chúc, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em; có hàng nghìn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền đã bị bọn chúng tàn phá và đốt sạch. Đặc biệt, có trên 100 gia đình bị giết chết cả nhà, không còn một ai sống sót. Tội ác kinh hoàng tại Ba Chúc đã gây ra sự phẫn nộ cho người dân Việt Nam và toàn thể người yêu hòa bình trên thế giới.
Năm 1979, chính quyền và nhân dân An Giang đã xây dựng Nhà mồ Ba Chúc nhằm tưởng nhớ những người dân thường bị thảm sát dã man bởi bọn Pol Pot. Đây cũng là một bản cáo trạng chứng tích về tội ác “trời không dung, đất không tha” của bọn diệt chủng Pol Pot, để cho những người yêu chuộng cuộc sống hòa bình trên toàn thế thế giới chứng kiến. Nhà mồ hiện đang trưng bày 1.159/3.157 bộ hài cốt của người dân Ba Chúc do chính quyền Khmer Đỏ gây ra.
Những ký ức khó phai mờ
Khi được hỏi về việc hàng ngàn người dân Ba Chúc bị thảm sát bởi Pot Pot, ông Võ Văn Hiệp (SN 1962, ngụ khóm An Định B, thị trấn Ba Chúc) người may mắn sống khi bọn Pol Pot thảm sát người dân Ba Chúc, ngồi trầm ngâm rất lâu với ánh mắt đượm buồn, như muốn rơi nước mắt khi nhắc lại chuyện xưa. Ông Hiệp nói, ký ức này chắc chết thì đem theo chứ quên thì sẽ không quên được; lúc đó tôi mới được 16 tuổi.
Một nơi trú ngụ bị Pol Pot dùng súng B 155 mm bắn vào vách đá, hiện còn nguyên làn khói đen của thuốc nổ và vết hằn của đạn trên tảng đá.
Theo ông Hiệp, khi nhắc đến ký ức ngày xưa, ông nhớ đến hang núi Tượng, nơi ông đã ẩn náu và sống sót. "Tôi và những người dân đã lên núi Tượng để trốn khi bọn Pol Pot đi lùa. Chúng tôi ẩn náu trong hang 7- 8 ngày và phải nhịn đói. Ban đêm mới dám ra khỏi hang, men theo núi rừng để kiếm khoai mì ăn. Pol Pot đi tìm dân để giết, chúng bắn phá như những kẻ khát máu... Vào ngày 20/4/1978, có vợ chồng chị Kia đang trốn trong hang, bị bọn Pol Pot phát hiện lôi ra bắn chết. Chị ấy đang mang thai khoảng 6 tháng tuổi...", ông Hiệp nói. Ông Hiệp kể tiếp: "Cả gia đình gồm ông bà ngoại, cậu mợ, dì và 2 đứa em bị bọn Pol Pot sát hại ngay cánh đồng lúa phía sau nhà; 4 ngày sau chúng đi lùa dân lần 2 thì cha, mẹ bị tàn sát ở đâu và hài cốt không biết đâu để tìm".
Còn, ông Đoàn Văn Sỹ, SN 1952 cùng ngụ ấp An Định B, thị trấn Ba Chúc, giọng trầm buồn kể: "Vào khoảng 12h30, ngày 16/4/1978, Khmer Đỏ đã dùng súng máy, pháo bắn dồn dập vào làng. Ngay sau đó là bọn Pol Pot tràn vô xóm, đi tới đâu thì bọn chúng “phá sạch, giết sạch, đốt sạch” không để gì lại cho người dân. Ngày hôm sau, bọn chúng lùa người dân ra đồng để sát hại".
Chú Võ Văn Hiệp kể chuyện 40 năm trước mình ở trong hang núi Tượng cho các con cháu nghe khi bọn Pol Pot tràn qua tàn sát người dân Ba Chúc.
Giọng nghẹn lại ông Sỹ kể tiếp, vào 4 giờ sáng ngày 18/4/1978, cả gia đình tôi bị bọn Pol Pot bắt đi, lúc đó tôi trốn ở trên hang kín ở rẫy của nhà cùng với 5 người khác nên không bị bọn chúng bắt. Vài ngày sau thì phát hiện sát người dân chết ngoài đồng mới biết là gia đình đã bị bọn chúng giết chết. Cảnh tượng rất kinh khủng, không có còn cái nhà nào mà còn, mỗi ngày chúng lùa khoảng 400 đến 500 dân ra đồng để sát hại...
Quá khứ đau thương của vùng đất Ba Chúc đã lùi xa 40 năm, nỗi đau được xoa dịu bởi thời gian và cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhưng ký ức về tội ác của bọn duyệt chủng Pol Pot gây ra vẫn khó phai mờ trong tâm trí của những người từng nếm nỗi đau mất mát...
Đăng Khôi