Nhà ở xã hội "ì ạch" do “đói” vốn ngân sách đúng hay sai?
Thực tế, rất nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước đang dang dở. Có dự án bị “bỏ hoang” nhiều năm nay khi đã dựng xong phần thô của tòa nhà nhiều tầng. Hạ tầng cho dự án cũng bị xuống cấp nghiêm trọng.
Ảnh chỉ có giá trị minh họa. Ảnh internet.
Thông tin từ Bộ Xây dựng, hiện nay trên toàn quốc có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ. Nhiều dự án đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công vì các lý do khác nhau và phần lớn là liên quan đến vốn.
Trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại; số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế.
Bộ Xây dựng cung cấp thông tin, đến thời điểm hiện nay, mới có 186 dự án nhà ở xã hội mới được hoàn thành và bàn giao 75.700 căn hộ, tương đương 3,78 triệu m2 sàn nhà ở.
Như vậy, so với kế hoạch quốc gia nhà ở xã hội và tầm nhìn về phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030 thì chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra.
Theo VOV, Bộ Xây dựng đánh giá việc phát triển nhà ở xã hội tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc nguyên nhân chính là do "đói" vốn ngân sách. Bộ đưa ra thông tin, vốn bố trí của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chủ trương cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2018-2020 là 1.262,069 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu (khoảng 9.000 tỷ đồng).
Năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được giao 500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân…
Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế khách quan rằng, vốn ngân sách cho các chương trình chiến lược của quốc gia không phải “bầu sữa mẹ” cứ khai thác mãi. Vấn đề nằm ở chỗ, quá trình thực hiện, chúng ta phải huy động được tổng lực xã hội cùng vào cuộc, cùng hào hứng với chính sách ưu việt đó để chương trình có hiệu quả chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn.
Vì sao, nhiều người thu nhập trung bình, vì chờ nhà ở xã hội quá lâu mà chuyển sang mua nhà thương mại. Tiền mua, do tự có, vay bạn bè và vay ngân hàng.
Ảnh chỉ có giá trị minh họa. Ảnh internet.
Và, khi một chương trình chiến lược quốc gia mà mất đi khách hàng tiềm năng thì việc dang dở của dự án là điều khó có thể tránh khỏi.
Nhiều người trông chờ vào gói vay tín dụng ưu đãi nhưng mãi không có nhà ở thì họ đành phải vay bình dân nhưng nhanh an cư để lập nghiệp. Đó là lỗi ở đâu? Vốn, chính sách hay người thực hiện?
Một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp này.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2017 đã có khoảng 11 triệu m2 nhà ở mới được xây dựng, nhưng nhà ở xã hội chỉ có khoảng 60.000 m2. Trong khi đó, nhà ở thương mại cung ứng ra thị trường đạt hơn 2,5 triệu m2. Năm 2018, dự kiến sẽ có thêm hơn 430.000 m2 nhà ở xã hội được xây dựng.
N.Hòa