Nhà máy gạch tuynel Nam Thái sử dụng đất nguyên liệu trái phép và gây ô nhiễm môi trường
Nhiều hộ dân ở xóm 4, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An "khó chịu", khi mấy ngày nay, họ phát hiện nạn khai thác "đất lậu" rầm rộ. Người dân nhìn thấy, xe tải chở đất chạy liên tục trên đường giao thông, với tốc độ cao và quá trọng tải gấp nhiều lần.
Những chiếc xe tải này đã làm cho các tuyến đường bị băm nát, bụi bay mù mịt, đất rơi vãi trên các đoạn đường đi qua. Người dân sống trong khu vực luôn bị "tra tấn" bởi bụi. Còn ngày mưa thì đất dính vào xe máy, xe đạp, rất khó khăn trong việc lưu thông trên đường.
Nhiều tuyến đường, cầu cống bị băm nát, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, cuộc sống người dân bị đảo lộn. Quần áo, đồ đạc trong nhà lúc nào cũng bị bụi bám đầy.
Xe tải vào "ăn đất lậu" gây bụi bặm cho người dân
Tuyến đường độc đạo vào đến Nhà máy gạch tuynel Nam Thái, huyện Nam Đàn lúc nào cũng trong cảnh lầy lội, ổ gà ổ voi, cây cối thì bụi bám trắng xóa, nhà cửa đóng chặt để tránh bụi và giảm tiếng ồn của những đoàn xe quá tải. Dọc theo tuyến đường vào nhà máy, những chiếc xe tải chở đầy đất sét nối đuôi nhau vận chuyển vào điểm tập kết nguyên liệu.
Người dân phải lấy đá hộc, gốc cây để ngăn cản xe chở đất nhưng lực bất tòng tâm.
Bà M. một người dân sống tại đây cho biết: “Nhà tôi có trẻ nhỏ, suốt ngày xe cộ chạy ầm ầm không khi nào cháu ngủ được, quần áo cũng không thể phơi ngoài trời được. Chúng tôi phải đưa gốc cây và đá để chặn giữ đường để xe cộ chạy chậm lại cho đỡ bụi. Cái cống thoát nước ở đường quốc lộ vừa làm năm ngoái nay đã hư do xe chở đất đấy”.
Mương nước của tuyến đường này bể nát, hư hỏng.
Theo chân đoàn xe "ăn đất" để tìm địa điểm cung cấp đất, chúng tôi được biết đây là địa bàn thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn. "Đầu nậu" đất xúc đất tại khu vực đất nông nghiệp sát với dự án Cống Nam Đàn, sau đó được vận chuyển đất trái phép đến tiêu thụ tại Nhà máy gạch tuynel Nam Thái.
Đất nông nghiệp được các đầu nậu xúc bán cho Nhà máy gạch tuynel Nam Thái
Phóng viên đã đến tìm hiểu và thấy thực trạng ở sát khu vực Cống Nam Đàn, hoạt động của máy xúc đang nhả khói đưa gầu múc đất lên xe ô tô nơi phía bên đất nông nghiệp sát công trình. Cứ thế, hết xe này đến xe khác, khoảng đất bị xúc nhanh chóng. Hàng ngày, ô tô chở đất đi ngang nhiên chạy ra Quốc lộ 46 và sau đó chạy ngang nhiên đi vào thị trấn Nam Đàn, đoàn xe chở đất ung dung chạy về hướng nhà máy. Một điều khá ngạc nhiên là những chiếc xe này đều cơi nới thành thùng, chở đầy và che đậy sơ sài.
Xe chở "đất lậu" không che đậy bạt, đi lại nhưng không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng.
Ông Lê Ngọc Minh, Cục quản lý Đường bộ 2 nói: “Cảm ơn anh em báo chí đã thông tin và tôi sẽ cho kiểm tra. Tuy nhiên việc xe chở quá tải, cơi nới thành thùng là trách nhiệm của bên công an giao thông”.
Trao đổi qua điện thoại, ông Đào Hồng Nguyên, Đội trưởng đội CSGT huyện Nam Đàn cho biết: “Quốc lộ 46 không phải địa bàn quản lý của huyện. Còn khu vực xã Nam Thái thì chúng tôi sẽ kiểm tra vào cuối giờ trưa vì bây giờ anh em đang đi xử lý tai nạn”.
PV tiếp tục liên hệ với Trung tá Nguyễn Thanh Hồng, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông 1/46, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, thì Trung tá Hồng chia sẻ: “Do lực lượng mỏng, chiều sẽ cho anh em xử lý”. Tuy nhiên cả buổi chiều hôm đó, hàng chục lượt xe vẫn vô tư hành dân mà không thấy bóng dáng công an như lời hứa của Trung tá Hồng.
"Đất lậu" được tuồn vào cổng sau của Nhà máy gạch tuynel Nam Thái.
Qua tìm hiểu, PV được biết, đây là dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh, giai đoạn 1 xây mới Cống Nam Đàn được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 400/QĐ/BNN-XD ngày 22/2/2010 với tổng mức đầu tư 536,712 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai dự án, một số nhà thầu không đủ năng lực đã phải chuyển khối lượng công trình cho phía nhà thầu mới là Công ty TNHH Hòa Hiệp tiếp tục thi công. Dự án đang thi công là do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An làm chủ đầu tư.
Vậy có hay không việc lợi dụng dự án, các tổ chức, cá nhân đã tiến hành khai thác, vận chuyển trái phép đất ra khỏi địa bàn để bán, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách? Có hay không sự bảo kê cho việc khai thác tài nguyên đất? Vì sao các vi phạm xảy ra nhiều tháng nhưng không được xử lý gây bức xúc trong dư luận xã hội? Và vì sao việc nhà máy "ăn đất lậu" mà vẫn ngang nhiên hoạt động? Câu hỏi này xin được dành cho các cơ quan có chức năng trả lời.
Chúng tôi tiếp tục chuyển đến bạn đọc thông tin mới nhất của vụ việc này.
Nhóm PVMT