Nhà khoa học nữ 8x: Nghiên cứu ở Việt Nam hay nước ngoài đều là “vượt khó”
Dám ra khỏi vùng an toàn
Nhà khoa học Lê Thị Phương chia sẻ, cách đây hơn 15 năm, cô đã sớm chọn gắn bó với con đường ngihên cứu vật liệu y sinh ngay sau khi tốt nghiệp Cử nhân ngành Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh.
“Khi tôi bắt đầu công tác tại Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng được 2 năm, đồng thời học thạc sĩ ở Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, tôi nuôi ước mơ được đi du học. Lúc đó cũng có nhiều người khuyên đừng bỏ học giữa chừng để đi, ngoại ngữ của tôi cũng không giỏi. Nhưng tôi đã quyết tâm. Tôi đã lựa chọn học kết hợp Thạc sĩ và tiến sĩ ở Hàn Quốc.” - Phương cho biết.
Năm 2022, TS. Lê Thị Phương nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022 - giải thưởng danh giá do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng 10 nhà khoa học trẻ tiêu biểu của Việt Nam (Ảnh: NVCC). |
Đã hạ quyết tâm biến ước mơ du học thành hiện thực, cô gái trẻ 25 tuổi chấp nhận bỏ dở việc học ở nhà. Đổi lại, Phương giành được cơ hội nghiên cứu ở Đại học Ajou (thành phố Suwon) một trong những đại học hàng đầu của Hàn Quốc.
Đằng sau hàng loạt những thành tựu nghiên cứu danh giá, nhằm phát triển thành công vật liệu y sinh mới tăng hiệu quả điều trị, chăm sóc sức khỏe con người là những ngày tháng dày công lao động của nhà khoa học trẻ (Ảnh: NVCC). |
TS. Lê Thị Phương (sinh năm 1988, hiện là Nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Bà sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới. Năm 2021, cô được nhận giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu nổi bật do Hiệp hội Vật liệu Sinh học Hàn Quốc trao tặng. Năm 2022, cô là một trong 10 nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Chia sẻ về những khó khăn ngày đầu làm quen với cuộc sống mới, TS. Phương nói: “Tôi từng không chú ý vào việc học ngoại ngữ ở trường, chỉ cần qua môn đó là được. Khi mới sang Hàn Quốc, cố gắng nói chuyện với giáo sư người Hàn thì chúng tôi không thể hiểu nhau. Với bạn đồng nghiệp thì phải dùng nhiều cả ngôn ngữ cơ thể để diễn tả điều muốn nói. Lúc đấy tôi nhận thấy ngoại ngữ quan trọng như thế nào, mình phải trau dồi thôi".
Bên cạnh công việc nghiên cứu, bà đặt ra ưu tiên kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở đại học Ajou cũng như ở thành phố Suwon. Phương dần trở thành một “tiền bối” được chi hội thanh niên trường tin cậy.
Nghiên cứu sinh Việt Nam, trong đó có Phương (ngoài cùng bên trái) tại ngày hội giao lưu văn hoá ẩm thực giữa các nước của trường đại học Ajou (Hàn Quốc) (Ảnh: NVCC). |
“Những dịp đoàn sinh viên từ thành phố Suwon đi đến Seoul để tham gia giải đấu giao lưu giữa các hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc hoặc dự lễ hội thường niên, tôi được chi hội tin tưởng giao cho hướng dẫn các bạn sinh viên mới từ những việc đi xe bus, đi tàu điện ngầm. Khi các bạn tham gia biểu diễn, thi đấu, thì hậu cần giúp đỡ..”, Phương chia sẻ.
Niềm vui của giảng viên trẻ
Khép lại chặng đường gắn bó với công việc nghiên cứu ở Hàn Quốc sau gần 10 năm, nữ tiến sĩ đã trở về Việt Nam vào đầu năm 2022.
Năm 2021, Phương được nhận giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu nổi bật do Hiệp hội Vật liệu Sinh học Hàn Quốc trao tặng (Ảnh: fye.org.vn). |
Dù khoảng thời gian tuyệt vời tại xứ sở Kim Chi cũng như những cơ hội làm việc hấp dẫn ở nước ngoài níu chân, nhưng Phương quyết định về Việt Nam để “tự chủ”.
“Trong nước hiện nay cũng có rất nhiều thuận lợi như các chương trình cấp bộ, các quỹ nghiên cứu hoặc các tập đoàn lớn tài trợ cho phát triển khoa học công nghệ. Nếu tiếp tục ở nước ngoài, thì có thể điều kiện tốt hơn, lương cũng cao hơn. Nhưng không được tự chủ đề tài nghiên cứu”.
Chủ nhân giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022 cũng chia sẻ, hơn một năm qua, bà đảm nhận một vai trò mới, được đứng trên bục giảng tại các trường đại học. Sự hứng khởi trong công việc giảng dạy phần lớn là nhờ tiếp xúc với các bạn sinh viên đầy nhiệt huyết.
“Nếu tiếp tục làm việc ở nước ngoài thì tôi sẽ không được trải nghiệm vai trò giảng dạy. Niềm vui bây giờ đơn giản là mang đến cho học trò kiến thức, truyền đạt lại kinh nghiệm cho các em. Đó cũng là một trong lý do chính để tôi trở về Việt Nam", Phương chia sẻ.
Trở về Việt Nam sau gần 10 năm, hiện TS. Lê Thị Phương đang giảng dạy và công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam (Ảnh: NVCC). |
Từ kinh nghiệm “bước ra vùng an toàn” của mình, Phương luôn khuyên các nghiên cứu sinh phải có sự chuẩn bị và tâm lý kiên định đối đầu. Khi các học trò có thắc mắc, nữ tiến sĩ 8x luôn cố gắng đưa ra những lời khuyên thực tế.
"Khó khăn là không thể tránh khỏi dù là ở đâu. Ở lại Việt Nam thì phải tự chi trả nhiều chi phí cho nghiên cứu, như mua hóa chất, lập hội đồng… Nghiên cứu sinh ở nước ngoài tuy được chu cấp học phí, có lương để làm việc nhưng đối mặt với áp lực cạnh tranh..", TS. Lê Thị Phương nói.