Nguyên tắc đồng thuận tạo nên cốt lõi trong "phương cách ASEAN"
Các quan chức cấp cao ASEAN trong cuộc họp ngày 27/4/2017. |
ASEAN ra đời trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh đang bước vào giai đoạn cao trào và khu vực Đông Nam Á luôn chịu sự tác động sâu sắc, đa chiều của các nước lớn. Trước khi ASEAN ra đời, đã có nhiều nỗ lực nhằm liên kết, tập hợp lực lượng của các nước vừa và nhỏ ở khu vực để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, như sáng kiến ASA, MALPHILINDO..., nhưng tất cả đều thất bại.
Nguyên nhân thất bại là vì những tập hợp này không tìm ra được tiếng nói chung về các vấn đề quốc tế và khu vực mà các thành viên cùng quan tâm, cũng như các nguyên tắc vận hành phù hợp để đảm bảo lợi ích quốc gia của mỗi thành viên cũng như sức sống của cả tổ chức. Hơn nữa, bối cảnh khu vực và thế giới lúc đó chứa đựng quá nhiều sự nghi kỵ sâu sắc và đối đầu về ý thức hệ, không cho phép các nước khu vực vượt ra khỏi các giới hạn chính trị.
Khi hình thành ASEAN vào tháng 8/1967, các nhà sáng lập ban đầu của ASEAN đã đề xuất “phương cách ASEAN” để đảm bảo sự linh hoạt và khả năng thích nghi của Hiệp hội, cho phép tập hợp lực lượng của các nước khu vực Đông Nam Á có thể duy trì sức sống và phát triển về lâu dài.
“Phương cách ASEAN” là một tiến trình ra quyết định dựa trên đồng thuận, không giống với bất kỳ tổ chức, diễn đàn nào trên thế giới. “Phương cách ASEAN” có đặc điểm là ra quyết sách dựa trên tham vấn, thuyết phục và đối thoại là chính; mức độ ràng buộc thấp, tiệm tiến từng bước, không chỉ trích đích danh các thành viên khác, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi...
Như vậy, có thể nói, đồng thuận, đoàn kết là nội dung cốt lõi trong “phương cách ASEAN” và “phương cách ASEAN” lại là giá trị cốt lõi và tạo ra bản sắc riêng của ASEAN. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự tôn trọng của các nước lớn ngoài khu vực, ASEAN đã xây dựng thành công hàng loạt cơ chế để can dự với các nước lớn theo hướng có lợi cho ASEAN và chuyển hóa thành công các giá trị cốt lõi, các nguyên tắc và chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, được các nước lớn và thế giới thừa nhận rộng rãi, thành các giá trị cốt lõi của Hiệp hội, như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực...
Tuy là nguyên tắc rất quan trọng của ASEAN, nhưng phải tới năm 2007 khi Hiến chương ASEAN ra đời, nguyên tắc về cách thức ra quyết định dựa trên tham vấn và đồng thuận của ASEAN mới được nêu rõ trong văn bản chính thức.
Nguyên tắc đồng thuận được ghi nhận tại Điều 20 Hiến Chương ASEAN năm 2007, cụ thể: “1. Việc ra quyết định dựa trên tham vấn và đồng thuận là một nguyên tắc cơ bản của ASEAN. 2. Khi không có đồng thuận, Cấp cao ASEAN có thể xem xét việc đưa ra quyết định cụ thể. 3. Khoản 1 và 2 trong Điều này sẽ không ảnh hưởng tới các phương thức ra quyết định đã được nêu trong các văn kiện pháp lý liên quan khác của ASEAN. 4.Trong trường hợp có sự vi phạm nghiêm trọng hoặc không tuân thủ, vấn đề này sẽ được trình lên Cấp cao ASEAN để quyết định.”
Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 24 ngày 6/11/2020, Bộ trưởng các nước ASEAN đồng thuận đối với 12 văn kiện và tuyên bố. |
Nguyên tắc đồng thuận với ý nghĩa là một thủ tục thông qua quyết định, được coi là “hoạt động nhằm soạn ra một văn bản thông qua thương lượng và thông qua văn bản đó mà không cần biểu quyết.” Đồng thuận có nghĩa là không có sự phản đối nào dựa trên sự tự do, tự nguyện. Để đạt được đồng thuận, người ta phải tiến hành thảo luận, thương lượng, đồng thời sử dựng các kỹ thuật nhằm dung hòa giữa các bên.
Theo nguyên tắc này, một quyết định chỉ được thông qua khi tất cả các nước thành viên ASEAN nhất trí thông qua hay có nghĩ là một quyết định chỉ được coi là của ASEAn khi được tất cả các nước thành viên nhất trí thông qua. Quyết định sẽ không được thông qua nếu có chỉ một quốc gia thành viên phản đối, vì vậy nguyên tắc này nhằm đảm bảo lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên. Đây là nguyên tắc cơ bản trong việc quyết định các chính sách hợp tác quan trọng cũng như các lĩnh vực quan trọng của ASEAN. Đây là nguyên tắc bao trùm trong các cuộc hợp và hoạt động của ASEAN.
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, nguyên tắc đồng thuận đã giúp ASEAN đảm bảo sự đoàn kết nội khối trước các vấn đề then chốt, có tính sống còn của Hiệp hội, đảm bảo sự bình đẳng cả về quyền lợi và trách nhiệm, đảm bảo tất cả các thành viên cảm thấy được tham vấn, và thoải mái trong các quá trình ra quyết sách và không bỏ rơi bất kỳ ai.
Có thể thấy nguyên tắc đồng thuận là một trong những giá trị cốt lõi của ASEAN, đã trở thành một phần quan trọng trong bản sắc của ASEAN. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh tình hình đang thay đổi, ASEAN cần có những điều chỉnh gì cho phù hợp để bảo đảm sự linh hoạt, sức sống và khả năng thích nghi, ứng phó của ASEAN trước những thách thức và vận hội mới.
Cần có sự kết hợp giữa nguyên tắc bổ sung với nguyên tắc đồng thuận trên các nền tảng đã được xây dựng trong 50 năm qua để có thể duy trì một ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao được hiệu quả hợp tác và thực sự có vai trò trung tâm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thời gian tới.
Việt Nam - Hội đồng Anh tăng cường hợp tác với trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định trong thời gian qua, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh được hai bên quan tâm đẩy mạnh, đạt được những bước tiến nhất định, đặc biệt thông qua các hoạt động hợp tác với Hội đồng Anh. |
Việt Nam - Lào tăng cường mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội Sáng ngày 2/11/2021, tại Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Viêng - Chăn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam - Lào lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến. |
Chủ đề ASEAN 2022: ''ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức'' Chiều 28/10, Brunei Darussalam đã chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Vương Quốc Campuchia đảm nhiệm trong năm 2022. |