Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11
Nguồn gốc ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11
Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 |
Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE).
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương.
Nội dung chính của Bản Hiến chương các nhà giáo: Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo. Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh.
Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Vào năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã gia nhập và là thành viên của FISE. Để hưởng ứng bản “Hiến chương các Nhà giáo” của FISE.
Trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, nước ta đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 là ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo, đến hiện tại đã đổi thành Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam.
Vào những năm đầu tiên sau năm 1958, ngày Nhà giáo Việt Nam mới được tổ chức ở các địa phương khu vực miền Bắc. Nhân dịp này, các cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần giáo viên kháng chiến.
Từ 1975 trở đi, khi đất nước hoàn toàn độc lập, ngày lễ này mới được tổ chức trên toàn lãnh thổ nước ta. Vào ngày 28/09/1982, ngày 20/11 đã chính thức được đưa vào quyết định để trở thành ngày "Hiến chương Nhà giáo Việt Nam".
Ý nghĩa ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11
Ngày 20/11 là một ngày kỷ niệm được tổ chức hàng năm - ngày Nhà Giáo Việt Nam, đây là ngày lễ “tôn sư trọng đạo” nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành giáo dục và là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Thầy đã dạy bảo.
Việc tổ chức ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 hàng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta - dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.