Người lao động mong mỏi cái Tết đoàn viên, đủ đầy
Làm việc 10 – 15 tiếng mỗi ngày, mong cái Tết đủ đầy
Những ngày này, anh Phan Nhật Tân (47 tuổi, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu ngày mới sớm hơn, giờ về nhà nghỉ ngơi cũng muộn hơn bình thường. 4h sáng, anh bắt đầu dậy sửa soạn, dắt con xe cũ kỹ ra khỏi căn phòng trọ chừng 15m2 của hai vợ chồng, bắt đầu rong ruổi khắp đường phố Hà Nội, các điểm bến xe đón khách.
Vài tháng trước, anh chạy xe ôm công nghệ, trừ chi phí chiết khấu, mỗi tháng cũng được hơn 12 triệu đồng. Nhưng giờ, khi Hà Nội bắt đầu quay về cuộc sống bình thường mới, xe ôm công nghệ vẫn chưa được phép chạy lại, anh đăng ký chuyển sang ship đồ ăn, tranh thủ chạy xe ôm tự do kiếm khách. Những chuyến xe ngược xuôi trên chiếc Dream đã mòn lốp chở ước mơ của đứa con út ở quê mong có tấm áo mới ngày Tết, của hai vợ chồng có thêm cái bánh chưng, bánh tét cuối năm.
“Mấy tháng ở nhà vì dịch bệnh vợ chồng tôi cũng sốt ruột lắm, nghĩ năm nay thế là mất Tết rồi. Được đi làm trở lại nên hai vợ chồng tranh thủ, mong còn có vài đồng về quê ăn Tết rồi ra Hà Nội sớm tiếp tục mưu sinh. Cái lo còn dài, cái vui ngắn chẳng tày gang, nhưng rồi cũng cố” – anh Tân bùi ngùi, ấn ga chạy nhanh hơn giữa những cơn gió táp vào mặt.
Cũng như anh Tân, chị Nguyễn Thị Hoan (55 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chung một nỗi lo thiếu thốn khi Tết đã cận ngày.
“Năm nay coi như công cốc, mấy tháng mắc kẹt vì dịch ở Hà Nội, may còn có các mạnh thường quân ghé qua giúp đỡ, mấy chị em ở dãy trọ còn có miếng cơm miếng cháo qua ngày. Giờ cũng chỉ mong có cái Tết gọi là, để các con các cháu ở nhà không buồn tủi” – chị Hoan nói trong nghèn nghẹn.
Trước dịch, chị Hoan làm giúp việc theo giờ cho các hộ gia đình, đi rửa bát thuê tại các nhà hàng, rảnh rỗi lại đi nhặt ve chai bán lấy tiền kiếm sống qua ngày. Mỗi tháng tích góp lắm cũng được 7, 8 triệu, chị gửi về quê nhà ở Nghĩa Hưng, Nam Định để lo cho bố mẹ già với đứa con gái đang học lớp 9 với đứa cháu mới lên 4 tuổi. Chồng mất sớm, con gái đầu ly dị chồng, để con cho chị rồi đi vào Nam chả mấy khi liên lạc, chị Hoan trở thành lao động chính nuôi mấy miệng ăn trong nhà. Mỗi lần nghe Hà Nội tăng số ca dương tính là một lần chị Hoan thót tim, lo lắng bập bùng chỉ sợ Hà Nội lockdown lần nữa. Không có chị, người trẻ người già ở quê mất Tết.
Là lao động tự do, chị Hoan hay anh Tân cũng như nhiều người khác chẳng mơ tưởng gì đến các khoản thưởng Tết. Với những người lao động nghèo bây giờ, họ chỉ mong có thêm công việc để làm để có thêm thu nhập. Một nỗi buồn lo toan ngập tràn đáy mắt những người lao động nghèo khi họ nghĩ về ngày Tết. Với họ, niềm vui ngày Tết sau một năm vật lộn dài ngày với COVID-19 là điều gì đó quá xa xỉ. Vì thế, dẫu có phải làm 10-15 tiếng mỗi ngày, anh Tân hay chị Hoan cũng không thấy mệt, bởi thêm một cuốc xe, thêm một nơi gọi qua rửa bát là anh chị có thêm một chiếc bánh, con cháu có thêm chút tiền lì xì ngày Xuân.
Mong dịch bình ổn để được đoàn viên
Bên cạnh nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, những người lao động còn mong dịch bệnh sớm ổn định, không còn ca COVID-19 ngoài cộng đồng để họ được đoàn viên ngày Tết với gia đình.
“Mấy ngày nay, ngày nào tôi cũng lên đọc báo hay nghe ngóng xem tình hình dịch bệnh thế nào. Vợ tôi quê Thanh Hoá, tôi ở Nghệ An, năm nay chắc chỉ về được một nơi thôi vì dịch nên cũng không tiện đi lại. Tết thiếu thốn đã đành, cũng chỉ mong được về quê quây quần bên nhau. Năm được mỗi một dịp Tết để về quê, tha hương xa xứ cả năm trời mà không về được cũng buồn tủi lắm” – anh Nguyễn Đức Hoàng Yên (Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ.
Hai vợ chồng anh Yên vào Nam lập nghiệp, gửi lại con nhỏ mới lên lớp Một cho ông bà ngoại chăm sóc. Cả năm, chị Ái – vợ anh Yên chỉ được gặp bé Khánh An qua màn hình điện thoại. Những ngày này, bé An đi đâu cũng khoe bố mẹ sắp về, mua quần áo mới cho An và An được ôm bố mẹ ngủ. Nhìn qua ríu rít trông mong qua điện thoại, chị Ái lại thở dài.
Đi tiêm mũi vắc-xin thứ hai về nhà, chị Đoàn Thị Hương (37 tuổi, TP.Thủ Dầu Một) cẩn thận cất tờ xác nhận tiêm vắc xin vào trong tủ. Với chị, đó là “giấy thông hành” để được về nhà cùng con.
Làm việc tại KCN VSIP II (Thủ Dầu Một), chị Hương đã 2 năm không về ăn Tết được vì tranh thủ ở lại làm thêm ngày Tết, mong được nhận thêm tiền trang trải cho gia đình. “Nghỉ Tết dài ngày, ra năm mới đi làm lại được nên tôi cũng đành an ủi con để mẹ ở lại làm thêm cho con tiền đóng học. Năm nay, cháu cứ giục về, vì đã hai năm cháu vắng mẹ ngày Tết. Tôi cũng mong về với con lắm, vì qua đợt dịch này mới nhận ra không gì bằng được ở bên cạnh người thân trong gia đình mình. Năm nay vé tàu cũng đắt nữa, chưa biết về cách nào nhưng chắc chắn tôi sẽ về với con” – chị Hương tâm sự.
Một năm qua đi với nhiều biến cố khi dịch bệnh hoành hành, với người lao động, họ lại vất vả hơn khi có thêm nhiều nỗi lo chất chồng. Có những người nói không mong Tết, nhưng tận sâu bên trong, họ vẫn mong mỏi được một cái Tết ấm êm, đoàn viên bên gia đình và những người thân yêu.
Thủ tướng chỉ đạo không gây khó khăn cho người dân về quê ăn Tết Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tuy nhiên, không đặt ra những quy định trái với hướng dẫn, quy định, gây khó khăn không cần thiết cho người dân. |
Độc đáo nghề bán cát lư hương dịp Tết Nguyên Đán Nghề bán cát lư hương là một nghề đặc biệt ở xứ Quảng, và mỗi năm chỉ có một lần và những ngày cần tết. |
Hà Nội không bắn pháo hoa giao thừa Tết Nhâm Dần Hà Nội sẽ không tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, theo chỉ đạo của Chính phủ. |