Người dân TP.HCM vất vả "băng" qua nhiều tuyến đường ngập nước sau bão số 9
Đến hôm nay (26/11), do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 và áp thấp nhiệt đới, tại TP.HCM tình trạng ngập úng do mưa bão vẫn đang tiếp diễn tại nhiều địa bàn.
Tại quận Bình Thạnh, toàn bộ đường Ung Văn Khiêm từ Điện Biên Phủ đến Đinh Bộ Lĩnh đều ngập nặng. Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Hàng Xanh kẹt cứng, ôtô không thể di chuyển, nhiều xe đã lùi quay đầu trở lại từ ngã tư Hành Xanh.
Nhiều tuyến đường ngập chìm trong biển nước.
Theo phần mềm cảnh báo ngập nước của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM, đến 7 giờ ngày 26/11, khoảng 15 tuyến đường còn bị ngập nước như đường Calmette (Quận 1), Vĩnh Khánh (Quận 4), Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Gia Trí, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Quốc Hương, Thảo Điền (Quận 2), Nguyễn Văn Khối, Nguyễn Văn Quá, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), Võ Văn Kiệt, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)…
Đang lau dọn nền nhà với nhiều rác và bùn đất do bị ngập nước từ tối 25/11, ông Huỳnh Trí Hào, người dân ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình, cho biết: Nhà ông bị ngập từ khoảng 8 giờ tối hôm qua, phải dọn dẹp tất cả đồ đạc lên lầu. Đến sáng nay nước rút hết ra ngoài nên mới dọn dẹp đồ đạc và vệ sinh nhà cửa được.
Trong khi đó, ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng Lan ở đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, vẫn còn bị ngập hơn 50 cm và phải huy động mọi người tát nước ra ngoài. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan cho biết: Đêm qua nhà bà bị ngập sâu đến 1 m, dù mọi người luôn tay tát nước ra ngoài, nhưng vẫn không giảm ngập. Sáng nay, nước ngập đã giảm một phần nhưng sinh hoạt gia đình bị đảo lộn, các thiết bị vệ sinh đều ngập nước chưa thể sử dụng được.
Phụ huynh dắt xe đưa con, em đi học trước giờ đi làm.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Sau khi huy động lực lượng nhân công gồm 700 người và 27 trạm bơm thực hiện công tác giảm ngập, bơm thoát nước từ trưa 25/11 và thực hiện xuyên suốt trong đêm, đến sáng 26/11, trên địa bàn thành phố còn ngập ở 15 tuyến đường. Hiện trung tâm vẫn duy trì khoảng 300 công nhân và 27 trạm bơm thực hiện thoát nước ở những tuyến đường còn đang bị ngập và sẵn sàng các phương án giảm ngập nếu tiếp tục có mưa lớn xảy ra.
Đến sáng 26/11, nhiều cơ sở sản xuất, trụ sở cơ quan vẫn còn cảnh ngập nước. Như ở quận Tân Bình, do mưa lớn, nước rút không kịp nên đến sáng 26/11 khu vực sân bãi của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) bị ngập nhẹ, gián đoạn thời gian làm việc của công nhân tại đây. Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, vẫn còn ngập một vài nơi, giao thông đi lại khá khó khăn.
Cũng trong sáng 26/11, do học sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được nghỉ học nên nhìn chung giao thông tương đối thông thoáng. Một vài tuyến đường ở quận Gò Vấp như Phan Huy Ích, Quang Trung, Phạm Văn Bạch... xảy ra ùn ứ. Còn ở khu vực quận Thủ Đức, mưa lớn rút nhanh từ đêm 25/11 nên sáng 26/11, không còn cảnh ngập lụt, giao thông các tuyến đường thông thoáng.
Người dân Sài Gòn giúp đỡ nhau khi giao thông kẹt cứng.
Trong khi đó, tại quận Gò Vấp, dù vị trí tương đối cao hơn các quận khác nhưng vẫn bị ngập. Nước mưa tại các điểm ngập trên đường Cây Trâm, Lê Văn Thọ,… vẫn chưa rút hết.
Theo đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 (bão Usagi) suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ngày 26/11 trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều mây dông và mưa sẽ còn diễn ra nhưng mức độ giảm.
Lực lượng chức năng và lực lượng cứu hộ tăng cường hoạt động sau những trận mưa to kéo dài.
Giao thông sáng nay 26/11 tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM tắc nghẽn.
Theo dự báo của trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hôm nay và ngày mai tại khu vực Đông Nam Bộ và TP.HCM sẽ tiếp tục có mưa to, đề nghị người dân chú ý theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời ứng phó.
Một số hình ảnh người dân sống chung với nước ngập giữa lòng thành phố:
Cây cổ thụ bật gốc giữa tuyến đường chính, may không gây thiệt hại về người.
V.Đ (t/h)