Người dân nên chuyển đổi thẻ chip giúp giao dịch an toàn hơn
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS: NAPAS sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về công nghệ để ứng dụng thanh toán bằng thẻ chip trong các dự án giao thông công cộng trên cả nước |
Thanh toán bằng thẻ lâu nay vẫn được coi là dễ sử dụng và phổ cập với nhiều đối tượng khách hàng. Theo thống kê của NAPAS, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 12% về số lượng và 2% về giá trị.
Đồng thời, giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến và các điểm bán hàng POS xử lý qua NAPAS trong năm nay tăng trưởng lên đến 50% về số lượng và giá trị so với năm 2020 và tăng gấp 15 lần so với năm 2015.
Số liệu thống kê cho thấy, người dân đã quen thuộc việc sử dụng thẻ thanh toán trực tiếp tại các điểm chấp nhận thanh toán như nhà hàng, siêu thị,… một cách nhanh chóng và tiện lợi, giảm dần thói quen tiêu tiền mặt như trước.
Tuy nhiên, thẻ ngân hàng công nghệ từ trước đây với tính bảo mật không cao, có thể đối mặt rủi ro khi các đối tượng tội phạm sử dụng thiết bị skimming sao chép thông tin chủ thẻ để giao dịch. Do đó, các ngân hàng thương mại đã và đang tích cực chuyển đổi sang thẻ công nghệ chip, góp phần hạn chế rủi ro các giao dịch gian lận, giả mạo, tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong các giao dịch thanh toán thẻ.
Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt: Khai thác giá trị gia tăng thẻ nội địa” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp tổ chức mới đây, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, nhận định chuyển đổi thẻ chip là xu hướng quốc tế vì đem lại sự thuận tiện, an toàn.
Còn tại Việt Nam, chuyển đổi thẻ chip phù hợp với thực tiễn của nước ta, giúp ngăn chặn các hành vi tội phạm, chuyển đổi sang thẻ chip là thực sự cần thiết và đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Để triển khai chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, NHNN đã ban hành Thông tư 41 năm 2018 sửa đổi bổ sung Thông tư 19 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó lộ trình đặt ra đến ngày 31/12, 100% thẻ đang lưu hành và thiết bị chấp nhận thẻ đều tuân thủ tiêu chuẩn về thẻ chip nội địa do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Đồng thời, từ ngày 31/3 năm nay, các ngân hàng Việt Nam đã dừng phát hành thẻ từ mà chuyển sang công nghệ thẻ chip. Đến hết quý 3 đã có 7 tổ chức phát hành thẻ chuyển đổi được 100% từ thẻ từ sang thẻ chip; 8 tổ chức chuyển đổi được 70-90%; 9 tổ chức chuyển đổi được 50-70% và chỉ còn khoảng 20 tổ chức chuyển đổi dưới 50%. Tỉ lệ chuyển đổi máy ATM đạt gần 90% và thiết bị chấp nhận thanh toán POS đạt gần 100% phục vụ giao dịch thẻ chip.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, với vai trò là tổ chức chuyển mạch cũng như chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, NAPAS luôn ưu tiên cao nhất cho thành viên để chuyển đổi sang thẻ chip theo cơ sở của NHNN ban hành.
Bên cạnh việc chứng thực và đa dạng hóa nhà cung cấp, đối tác về công nghệ bảo đảm đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của ngân hàng, tính trong các năm 2020-2021, NAPAS hỗ trợ chi phí chuyển đổi cho các ngân hàng với tổng số tiền lên đến 130 tỉ đồng.
Về phí giao dịch trên ATM và POS, NAPAS liên tục có chương trình miễn/giảm phí giao dịch. Ngoài ra, NAPAS phối hợp ngân hàng thành viên để truyền thông về lợi ích thẻ chip và ưu điểm của sử dụng thẻ chip, ứng dụng của thẻ chip đáp ứng nhu cầu của người dân để cùng ngân hàng thuyết phục khách hàng và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi.
Cùng với việc hỗ trợ về hạ tầng công nghệ, NAPAS đã tích cực phát triển hệ sinh thái thanh toán thẻ nội địa, gia tăng tiện ích cho khách hàng khi sử dụng thẻ chip. Để tạo nên hệ sinh thái cho thẻ chip nội địa, đầu tháng 12/2021, NAPAS phối hợp với các ngân hàng ra mắt dịch vụ thanh toán trên xe buýt điện Vinbus bằng thẻ chip contactless (thẻ chip không tiếp xúc) và thanh toán vé tháng bằng tài khoản ngân hàng. Theo đó, từ ngày 2/12/2021, tuyến xe buýt điện đầu tiên do Vinbus vận hành chính thức phục vụ người dân Hà Nội. Hành khách có thể sử dụng thẻ chip nội địa không tiếp xúc của các ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank, SHB, SeABank… để mua vé. NAPAS còn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về công nghệ để ứng dụng thanh toán bằng thẻ chip trong các dự án giao thông công cộng trên cả nước, người sử dụng có thể đưa thẻ ngân hàng của mình chạm lên thiết bị lắp đặt trên xe buýt để nhận vé, tránh tiếp xúc và đặc biệt bảo đảm an toàn trong đại dịch COVID-19.
Trong thời gian tới, đại diện NAPAS cho hay đang có kế hoạch hợp tác với đối tác để phát triển nhanh hơn hạ tầng chấp nhận thanh toán. Thực tế, hạ tầng chấp nhận thanh toán hiện có 300.000 máy POS là quá ít so với thị trường 100 triệu dân, tạo điều kiện cho người dân chi tiêu thẻ ở nhiều điểm thanh toán hơn nữa.
Yêu cầu đáp ứng đủ nhu cầu rút tiền mặt, chuyển tiền dịp cuối năm và Tết 2022 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn số 8751/NHNN-TT đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các đơn vị thuộc NHNN đảm bảo trong thời gian quyết toán năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022. |
Sau ngày 31/12/2021, thẻ ATM còn được phép lưu hành? Theo Ngân hàng Nhà nước, sau ngày 31/12/2021, khách hàng vẫn có thể sử dụng thẻ từ để giao dịch tại ATM và POS bình thường. Đơn vị này nhấn mạnh không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa còn thời hạn sử dụng đang lưu hành. |
Phí đổi thẻ ATM cũ sang ATM gắn chip là bao nhiêu? Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 31/12/2021, thẻ ATM từ sẽ không được chấp nhận tại các điểm giao dịch trên toàn quốc. Do đó, nhiều người đang băn về thủ tục và phí đổi thẻ. |