Người dân giảm chi tiền túi cho chăm sóc sức khỏe nhờ Quỹ Bảo hiểm y tế
Thông tin trên được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết ngày 27/7. Chính sách BHYT đã giúp giảm chi trực tiếp từ “tiền túi” của người dân cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi.
BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT (Ảnh minh họa: KT). |
Để đạt được kết quả này, BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực phối hợp cùng ngành y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, bao gồm: Xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chế độ BHYT; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHYT; kịp thời có những giải pháp hiệu quả trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHYT theo luật định.
BHXH Việt Nam cho biết thêm: Với sự kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh và ứng dụng hệ thống giám định điện tử, việc quản lý, giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT đã đạt được nhiều kết quả, các cơ sở khám chữa bệnh ngày một tuân thủ tốt hơn các quy định của Bộ Y tế. Các cơ sở khám chữa bệnh được giám sát chặt chẽ việc đăng ký hành nghề, hành nghề thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT và kiểm tra trực tiếp tại cơ sở.
Trong các năm qua, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề không đúng quy định (nhân viên y tế không đủ điều kiện vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề), hành nghề không đúng quy định (sai phạm vi hoạt động chuyên môn, không đăng ký hành nghề nhưng vẫn khám chữa bệnh...).
Để minh bạch hơn trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh phải liên thông dữ liệu hằng ngày lên cổng thông tin giám định BHYT vừa giúp giám sát việc chỉ định điều trị và lạm dụng BHYT từ phía nhân viên y tế và người bệnh.
BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cũng phối hợp cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT. Trong đó triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân để khám chữa bệnh BHYT, thay cho thẻ BHYT giấy để đi khám chữa bệnh; bước đầu ứng dụng sinh trắc học tại cơ sở khám chữa bệnh. Thông qua ứng dụng VssID, người dân có thể biết được lịch sử khám chữa bệnh; tiền đề cho việc xây dựng sổ sức khoẻ điện tử...
Thời gian tới, với việc sửa đổi Luật BHYT, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và thực hiện chính sách để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng cân đối, phát triển bền vững của Quỹ BHYT.