Ngư dân nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” của EU
Từ nỗ lực của ngư dân
Ông Sáu Ninh là chủ một đội tàu đánh bắt xa bờ ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, người được bà con hay gọi vui là “ngồi nhà mà biết việc ngàn khơi”. Ông là ngư dân đầu tiên ở Bình Định thành lập đội tàu “Đoàn kết” đánh bắt hải sản xa bờ 15 chiếc với tổng công suất 9000CV. Trong đó, 9 chiếc của gia đình ông, 6 chiếc còn lại là của ngư dân trong làng.
Mấy năm nay, ông đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý tàu cá, đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy móc để kết nối với các thuyền trưởng đang hoạt động ngoài khơi thông qua internet, máy icom và radio. Với ông đây là số tiền lớn nhưng là cách để phát triển và làm giàu bền vững bằng nghề đánh bắt xa bờ.
Bộ đội Vùng 2 Hải quân phát tài liệu tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ cho ngư dân tỉnh Phú Yên. Ảnh: Minh Thắng
Ông chia sẻ với chúng tôi: “Cả đời lênh đênh trên biển, tôi nhận ra một điều là muốn chinh phục biển thì phải vươn khơi, muốn vươn khơi thì phải có hội, có thuyền, làm một mình không lớn được. Muốn có đội thuyền thì phải quản lý được và các thiết bị giám sát hành trình giúp công việc điều hành đội tàu dễ dàng, tiết kiệm thời gian, nhờ đó sản lượng đánh bắt tăng lên và việc chào bán hải sản trở lên thuận tiện, được giá hơn”. Theo ước tính của ông Sáu Ninh, từ ngày ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lí, đội tàu thu lãi khoảng 6 tỷ đồng/năm sau khi trừ mọi chi phí.
Tính đến nay, cả nước có gần 27.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có lắp đặt giám sát hành trình (87%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định đạt 90%. Đây là một trong 4 cam kết của Việt Nam (khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn thủy sản từ khai thác) triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Các con số trên không chỉ được EU ghi nhận, đánh giá cao mà còn thể hiện ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định, pháp luật của nhà nước.
Cùng với đầu tư thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá, ở các vùng ven biển, sự phát triển của đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đã hỗ trợ đắc lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. Các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ngoài việc thu mua hải sản trực tiếp trên biển còn cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, đá đông lạnh. Cách làm sáng tạo này đã tạo điều kiện cho các tàu đánh bắt ngoài khơi xa bám biển dài ngày, góp phần nâng cao chất lượng thủy hải sản Việt Nam và công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản theo yêu cầu của EU được dễ dàng hơn.
Đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng
Để thực hiện nghiêm các biện pháp chống IUU, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản, các quy định của Nhà nước về đánh bắt trên biển cho bà con ngư dân. Lực lượng trên bờ kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất, cập bến; kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản nếu không đảm bảo hồ sơ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình tàu cá; kiểm soát chặt chẽ lao động xuống tàu làm việc. Với những biện pháp kiên quyết này, ngư dân các vùng biển đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ ghi-nộp nhật kí khai thác, thông báo giờ tàu rời/cập cảng và ý thức chấp hành các quy định pháp luật khi làm ăn trên biển.
Đồng chí Lê Ngọc Thắng, Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư số 2 cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, kiểm soát các tàu cá hoạt động trên biển và hỗ trợ ngư dân khi cần thiết. Chi đội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đảm bảo ngư dân nắm chắc các quy định về đánh bắt trên biển, không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài…”.
Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển" đã và đang được mở rộng ở các tỉnh, thành ven biển
Thời gian qua, các lực lượng Hải quân, Kiểm ngư, Cảnh sát biển đã tích cực vận động bà con lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, cam kết không dùng dụng cụ đánh bắt thủy hải sản tận diệt, không vi phạm pháp luật… Các tàu của Hải quân, Kiểm ngư thường xuyên duy trì trực chốt ở vùng biển giáp ranh để tuần tra, nhắc nhở bà con ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Các lực lượng đã phát hàng nghìn tờ rơi cung cấp thông tin quan trọng như: Tần số cứu hộ, cứu nạn, vị trí của trung tâm kỹ thuật, âu tàu của các đảo và đường phân định trên biển…. Nhờ đó, số lượng tàu vi phạm từ đầu năm đến nay giảm hơn so với cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2021 có 32 vụ/53 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý giảm 7 vụ/7 tàu). Tuy nhiên, một số tàu cá vẫn cố tình vi phạm IUU gây khó khăn cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, ngư dân tỉnh Bình Thuận cho biết: “Cùng với thiết bị giám sát thì sự có mặt của lực lượng Kiểm ngư, Hải quân, Cảnh sát biển giúp chúng tôi yên tâm hơn khi vươn khơi bám biển. Các đội tàu ít vi phạm các vùng biển chồng lấn của nước ngoài, ngư dân cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật trên biển”.
Sự có mặt ngày một nhiều những con tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ nâng cao năng lực đánh bắt mà còn giúp các lực lượng chức năng trong quản lý, giám sát, góp phần thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EU, tiến tới gỡ “thẻ vàng” cho Ngành Thủy sản Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Quảng Nam: Động viên ngư dân giữ vững chuỗi sản xuất
Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho ngư dân Quảng Nam. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn nghề cá Quảng Nam luôn động viên bà con ngư dân, lao động nghề biển, tích cực phòng ngừa dịch bệnh, duy trì khả năng vươn khơi bám biển dài ngày với mục tiêu khai thác đạt xấp xỉ 92 nghìn tấn hải sản các loại trong năm 2021, để kinh tế biển thật sự là kinh tế mũi nhọn.
|
Điểm tựa để ngư dân phát triển kinh tế hợp pháp
Chúng tôi vừa trở lại thăm xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang)-địa phương có hơn 95% dân số sống bằng nghề đi biển. Tâm trạng vui vẻ sau chuyến khai thác dài ngày trên biển, anh Danh Đình Thắng, thuyền trưởng kiêm chủ tàu KG-91636TS chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, tàu của gia đình tôi đã đi được 6 chuyến.
|
Ngư dân Gò Công Đông được mùa khai thác biển
Nhờ tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển nên đa số các tàu có công suất lớn ở Tiền Giang đều trúng mùa, sản lượng tăng khá.
|