Ngôn ngữ và âm nhạc xây cầu nối văn hóa Việt - Nhật
Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục từ Việt Nam và Nhật Bản, cùng đông đảo giảng viên, sinh viên yêu thích tiếng Nhật. Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của bà Kamitani Naoko, Bí thư thứ nhất - Trưởng Ban Báo chí và Văn hóa, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Imagawa Muneki - Trưởng Ban Giáo dục tiếng Nhật, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam thuộc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản; Giáo sư Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật...
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện CLEF, nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch thuật trong xã hội hiện đại, nhất là đối với những quốc gia có quan hệ hợp tác sâu sắc như Việt Nam và Nhật Bản. Dịch thuật không chỉ đòi hỏi khả năng ngôn ngữ vượt trội mà còn cần vốn kiến thức rộng về văn hóa, lịch sử, kinh tế. Theo bà, dịch giả chính là những "đại sứ văn hóa", góp phần kết nối hai nền văn minh.
Bên cạnh dịch văn học, dịch ca từ - nội dung trọng tâm của hội thảo - được đánh giá là một thách thức. Việc dịch ca từ không chỉ đòi hỏi sự chính xác về nội dung mà còn phải giữ được cái hồn của tác phẩm gốc, phù hợp với giai điệu để hát được, đặc biệt với ngôn ngữ giàu thanh điệu như tiếng Việt.
Hội thảo "Dịch và dịch ca từ Việt - Nhật". (Ảnh: Trần Dương) |
Hội thảo đã ghi nhận 6 tham luận từ các chuyên gia, đi sâu vào khía cạnh dịch thuật và văn hóa, gồm: "Bốn cấp độ của dịch thuật: trường hợp dịch ca từ Nhật - Việt” của nhà nghiên cứu, dịch giả Ngô Tự Lập, hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI); “Kiến thức văn hoá - xã hội và tiếng Việt: yếu tố quan trọng trong dịch thuật Nhật - Việt” của PGS.TS. Ngô Minh Thủy; “Dịch ca từ” của GS Terasaki Katsushi, Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Keio; “Chia sẻ một số kinh nghiệm và bài học rút ra từ công việc phiên dịch” của ông Phạm Hưng Long, nguyên Phó trưởng khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội; “Vài nét nghiên cứu và giới thiệu dân ca Việt Nam tại Nhật Bản” của GS Shine Toshihiko, Đại học Tư thục Toyo (ACRI-TOYO); “Sự khác nhau trong cách thể hiện ca khúc Việt - Nhật” của bà Dương Thùy Linh, Thạc sĩ chuyên ngành xã hội học trường Đại học Saga Nhật Bản, Giám đốc đào tạo Công ty Haio Education.
Theo ông Phạm Hưng Long, để làm tốt công việc phiên dịch cần kết hợp lý thuyết và thực hành, đồng thời đáp ứng ba yêu cầu: nắm rõ quá trình hình thành và phát triển của công việc, dự án mà mình tham gia dịch; có kiến thức xã hội và tự nhiên sâu lực và năng lực ngôn ngữ cao. Ông cho biết thêm, phiên dịch viên cần đúng giờ, tác phong chuẩn mực; truyền đạt nội dung một cách trung thực, không thêm ý kiến cá nhân và sẵn sàng đặt câu hỏi khi cần thiết.
Thạc sĩ Dương Thùy Linh đã phân tích chi tiết sự khác biệt trong cách thể hiện ca khúc giữa tiếng Việt và tiếng Nhật qua 6 yếu tố nổi bật.
Thứ nhất, cách nhận thức âm thanh. Người Việt cảm nhận ngôn ngữ qua âm tiết (ví dụ: từ "cảm ơn" có 2 âm tiết), trong khi tiếng Nhật dựa trên phách (mora), khiến từ tương tự được chia thành 5 nhịp. Điều này tạo ra cảm giác nhịp điệu rất khác biệt giữa hai ngôn ngữ.
Thứ hai, nhịp điệu và giai điệu. Âm nhạc Nhật Bản chú trọng giai điệu, với phần vocal nổi bật trên nền phối khí đơn giản, còn âm nhạc Việt ưu tiên nhịp điệu, sử dụng trống và sự đa dạng về dải động để tăng sức cuốn hút.
Thứ ba, cấu trúc bài hát. Nhạc Nhật thường xây dựng cao trào ở phần điệp khúc với giai điệu đơn giản ở các đoạn A và B, trong khi nhạc Việt mang lại sự hấp dẫn xuyên suốt, từ đầu đến cuối đều có giai điệu ấn tượng.
Thứ tư, lời bài hát. Tiếng Nhật thường dùng ẩn dụ, thiên về gợi hình ảnh, ít kể câu chuyện rõ ràng, trong khi lời nhạc Việt thường trực tiếp, rành mạch, dẫn dắt câu chuyện theo trình tự như một kịch bản phim.
Thứ năm, giá trị âm nhạc. Nhạc Nhật nhấn mạnh bối cảnh và thông điệp, chú trọng ai thể hiện bài hát hơn là bài hát đó ra sao. Ngược lại, nhạc Việt thu hút công chúng qua nhịp điệu bắt tai và lời nhạc dễ hiểu.
Thứ sáu, cách hát. Tiếng Nhật dùng nhiều kỹ thuật rung (vibrato), tập trung vào nguyên âm, tạo cảm giác nhẹ nhàng. Tiếng Việt phát âm rõ phụ âm, cách hát thẳng, mạnh mẽ, thể hiện sự phong phú đặc trưng.
Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan dân ca Việt - Nhật lần thứ 2. (Ảnh: Trần Dương) |
Trong khuôn khổ chương trình, Liên hoan dân ca Việt - Nhật lần thứ 2 đã mang đến những bài dân ca đặc sắc của hai nước. Các bài hát được hai dịch giả Ngô Tự Lập - Shine Toshihiko dịch và các nghệ sĩ trình bày song ngữ. Từ những làn điệu quen thuộc của vùng quê Việt Nam đến âm hưởng tinh tế của dân ca Nhật Bản, Liên hoan không chỉ là sự kết nối âm nhạc mà còn là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa sâu sắc. Qua âm nhạc và ngôn ngữ, tình hữu nghị Việt - Nhật một lần nữa được khẳng định và lan tỏa mạnh mẽ.