Ngoại trưởng Mỹ phát biểu về “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do rộng mở”: Cam kết chưa... mạnh mẽ
Tọa đàm về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU Ngày 26/10/2021, Học viện Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm về Chiến lược hợp tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU với Đặc phái viên EU về khu vực Gabriele Visentin. |
'Bộ tứ kim cương' chính thức nhóm họp, thống nhất quan điểm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Theo Reuters, ngày 2/9, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ và Úc đưa ra các ý kiến thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. |
Khung chính sách toàn diện hơn
So với các tuyên bố trước của Chính quyền Biden như phát biểu của Tổng thống Biden tại Thượng đỉnh ASEAN và tại Cấp cao Đông Á tháng 10/2021 hay phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Austin tại Singapore tháng 7/2021, tuyên bố của Blinken đưa ra khung chính sách về khu vực toàn diện và hệ thống nhất cho đến thời điểm này.
Cụ thể, Austin chỉ nhấn mạnh cách tiếp cận khu vực với “ba yếu tố” là phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tăng cường năng lực răn đe và thúc đẩy các nguyên tắc chung. Biden chỉ nhắc đến “tầm nhìn khu vực” chung chung và đưa ra ý tưởng về trụ cột kinh tế mới trong chính sách khu vực. Tuyên bố lần này của Blinken đầy đủ hơn, thêm yếu tố về kinh tế và chính trị - ngoại giao mà tuyên bố của Austin còn thiếu và liệt kê đầy đủ nội hàm các yếu tố mà tuyên bố của Biden chưa làm. Thiếu vắng trụ cột kinh tế chính là điều các nước khu vực thường xuyên góp ý với Mỹ từ sau khi Mỹ rút khỏi TPP.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinke. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một điểm đáng chú ý nữa là tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã có hàng loạt các động thái triển khai cam kết tại khu vực, đặc biệt là với Đông Nam Á. Thứ nhất, về mặt ngoại giao, sau 6 tháng đầu có phần yên ắng, Mỹ đã liên tiếp triển khai các chuyến thăm cấp cao tới khu vực, trong đó khẳng định mức độ quan tâm tới khu vực của Mỹ. Tiêu biểu là chuyến thăm ba nước Đông Nam Á của Thứ trưởng Ngoại giao Sherman, chuyến thăm hai nước Đông Nam Á Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Phó tổng thống Harris và hiện diện của Tổng thống Biden tại ASEAN (lần đầu tiên sau 4 năm một Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN).
Thứ hai, Mỹ đã có nhiều dự án cụ thể để triển khai các cam kết mình nêu ra, điển hình là: kế hoạch viện trợ 100 triệu liều vắc-xin Covid-19 và các khoản hỗ trợ khác trị giá 2,8 tỉ đô-la (riêng Việt Nam đã nhận 15 triệu liều); mở trung tâm huấn luyện hàng hải trị giá 3,5 triệu USD tại Indonesia; tuyên bố một loạt sáng kiến với ASEAN, tổng trị giá 102 triệu USD; mở rộng hợp tác năng lượng và hạ tầng trong khuân khổ Hợp tác Mekong - Hoa Kỳ...
Những điểm hạn chế
Tuy nhiên, khung chính sách vẫn còn một số điểm cần xem xét, chưa phù hợp với đặc thù chính trị của Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn - Thái nói chung:
Thứ nhất, Mỹ đặt mục tiêu thúc đẩy internet “rộng mở, đáng tin cậy và an toàn” và cho rằng internet toàn cầu đang chịu sự đe dọa từ sự kiểm soát của chính phủ trong khi nhiều đối tác của Mỹ như Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và thậm chí Việt Nam có luật an ninh mạng mà Mỹ có thể coi là nghiêm ngặt quá mức cần thiết. Tuyên bố cũng chỉ nhắc đến hoạt động của “chính phủ” trên không gian mạng chứ chưa nhắc đến thách thức từ các yếu tố “phi chính phủ”. Ví dụ: đại dịch COVID-19 đã bộc lộ yếu kém của chính Mỹ trong việc kiểm soát thông tin độc phát tán bởi cá nhân trên mạng.
Thứ hai, Mỹ nhấn mạnh liên kết chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong và ngoài khu vực trong khi không hề nhắc đến hợp tác với Trung Quốc – động thái dễ bị nhìn nhận là tập hợp lực lượng nghiêng về phía Mỹ. Các nước khu vực, đặc biệt là ASEAN đều không muốn rơi vào thế phải lựa chọn giữa “anh em xa” Mỹ và “láng giềng gần” Trung Quốc. Blinken lẽ ra nên nhấn mạnh thông điệp này như Austin tại Singapore.
Thứ ba, Mỹ tuyên bố ASEAN là trung tâm kiến trúc khu vực và ủng hộ vai trò của ASEAN nhưng lại dẫn ra các ví dụ về AUKUS và Quad để cho thấy cam kết với các đối tác khu vực và chưa nhắc đến điều ASEAN còn thận trọng: AUKUS và Quad sẽ hỗ trợ ASEAN như thế nào? Phản ứng có phần dè dặt của nhiều nước ASEAN trong thời gian vừa qua với các tập hợp an ninh mới nổi trong khu vực phần nào thể hiện thái độ thận trọng này.
Các tàu chiến Mỹ hiện diện trên Biển Đông hồi tháng 10/2019. Ảnh: Reuters |
Thứ tư, Mỹ đặt nội dung về dân chủ lên đầu tiên trong yếu tố thứ nhất. Đây vốn là vấn đề nhạy cảm với nhiều đối tác của Mỹ tại khu vực và ASEAN, nhất là khi nhiều đối tác Mỹ đánh giá là có mức độ dân chủ thấp. Mỹ mới đây mời ba nước ASEAN tham gia Thượng đỉnh Dân chủ (Philippines, Indonesia và Malaysia) – động thái vốn gây tranh cãi về tiêu chí xác định “dân chủ”, bị coi là làm chia rẽ ASEAN và có thể khiến các nước ASEAN còn lại nghi ngại về khả năng Mỹ dùng dân chủ để gây sức ép lên đối tác.
Thứ năm, Mỹ lần đầu khẳng định đã “thúc đẩy một liên minh quốc tế” (galvanized an international coalition) để gây sức ép lên chính quyền Myanmar, thay vì phối hợp với ASEAN để giải quyết vấn đề Myanmar – điều có thể khiến các nước ASEAN e ngại vì: i) hầu hết các nước ASEAN có lịch sử từng bị thực dân hóa nên vận hành theo nguyên tắc không can thiệp nội bộ; ii) Mỹ vẫn luôn khẳng định sẽ tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.
Tiềm năng cho đột phá?
Khung chính sách mới cũng chưa có nhiều đột phá về sáng kiến cụ thể như mong đợi.
Mặc dù có trụ cột kinh tế (Khung chính sách Kinh tế) nhưng tuyên bố chủ yếu lặp lại ngôn từ của Biden tại EAS trước đó và không đưa thêm thông tin gì cụ thể. Mỹ đặt mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, chuẩn hóa nền kinh tế số, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng… nhưng chưa làm rõ phương án hiện thực hóa mục tiêu ấy. Liệu Khung chính sách này là một thỏa thuận, dự án hay chính sách kinh tế?
Khái niệm “răn đe tích hợp” Blinken thúc đẩy cũng chưa được định nghĩa cụ thể. Austin cũng nhắc tới khái niệm này tại Singapore nhưng chưa có nhiều giải thích. Trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, “răn đe” chỉ phát huy tác dụng khi chủ thể làm rõ đối tượng “bị” răn đe, đối tượng phải nhận thức rõ mục tiêu, năng lực và hành động đáp trả của chủ thể răn đe. Hiện Mỹ vẫn chưa nói “răn đe” này hướng vào đối tượng nào, có tích hợp năng lực hạt nhân hay không, tích hợp với những đối tác nào và sẽ được sử dụng khi nào, ranh giới “đỏ” trong các tình huống ra sao…
Ngoài ra, nhiều hoạt động triển khai được nêu ra theo hướng “Mỹ đã làm…” (we have) thay vì “Mỹ sẽ làm”. Do đó, tuyên bố cho cảm giác Mỹ chưa thực sự đưa ra được sáng kiến nào mới mẻ.
Nhìn chung, Chính quyền Biden đang dần thể hiện rõ cam kết của mình với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đã có những điều chỉnh chính sách phù hợp với tiếng nói từ các nước khu vực. Tuyên bố của Blinken về khung chính sách khu vực của Mỹ tại Indonesia phần nào thể hiện các tiến triển này dù còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Dự kiến, Chính quyền Biden sẽ sớm đưa ra bản cập nhất Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và rất có thể, văn bản này có thể lấp những khoảng trống tuyên bố của Blinken còn bỏ ngỏ.
Blinken khẳng định 5 yếu tố cốt lõi trong tầm nhìn của Mỹ với khu vực: Thứ nhất, thúc đẩy khu vực “tự do và rộng mở”: các vấn đề được giải quyết công khai; luật pháp được áp dụng minh bạch, công bằng; hàng hóa, ý tưởng và con người được lưu thông tự do, hệ thống quản trị phải phục vụ người dân. Thứ hai, tạo ra kết nối mạnh mẽ hơn trong và ngoài khu vực, củng cố và liên kết quan hệ giữa các đồng minh và đối tác: trong đó, vai trò trung tâm của ASEAN là nền tảng, Mỹ sẽ mời lãnh đạo ASEAN tới Mỹ trong thời gian tới. Thứ ba, thúc đẩy thịnh vượng trên diện rộng: đưa ra Khuôn khổ Kinh tế mới, tập trung vào chuỗi cung ứng bền bỉ và đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Thứ tư, xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn của khu vực, giúp ứng phó với COVID-19 và biến đổi khí hậu; Mỹ cam kết sẽ tiếp tục cùng Quad hỗ trợ đầu tư, sản xuất và phân phát vaccine. Thứ năm, tăng cường an ninh khu vực, nhấn mạnh “răn đe tích hợp” ngoại giao-quân sự-tình báo và AUKUS và nhấn mạnh cam kết giữa tổng thống Biden và chủ tịch Tập rằng hai nước sẽ hành sử có trách nhiệm để tránh dẫn đến xung đột. |