Nghĩa tình quân dân trên biên giới Tây Nguyên
Biên giới Việt Nam – Campuchia: Những vấn đề quản lý (bài 11) |
Điểm tựa vững chắc cho nhân dân trên biên giới |
BĐBP Đắk Nông tặng bò sinh sản cho các hộ dân nghèo ở khu vực biên giới. Ảnh: Đăng Bảy
Ổn định đời sống mọi mặt cho nhân dân biên giới
Tây Nguyên có 4 tỉnh biên giới là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Dọc theo đường biên giới dài hơn 590km với nước bạn Lào và Campuchia, có gần 4 triệu người với 47 dân tộc sinh sống. Do điều kiện xã hội, địa lý, khí hậu và phong tục tập quán, trước kia, đời sống của phần lớn người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, số người không biết chữ còn nhiều...
Thấu hiểu, sẻ chia với sự vất vả, thiếu thốn của nhân dân trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP 4 tỉnh Tây Nguyên luôn bám dân, gần dân, kiên trì thực hiện theo phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, gắn bó máu thịt với nhân dân. Bằng lương tâm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, các đồn, đơn vị Biên phòng tuyến biên giới Tây Nguyên đã có nhiều cách làm đa dạng để giúp cho nhân dân các xã biên giới từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần....
Nhiều chương trình, phong trào, mô hình, cách làm hay, hiệu quả, như: “Thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Thầy thuốc mang quân hàm xanh”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”... đã từng bước giúp cho người dân trên biên giới Tây Nguyên nâng cao dân trí, phát triển dân sinh.
Từ chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đồn, đơn vị Biên phòng trên địa bàn Tây Nguyên đã nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng trên 350 học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điển hình là BĐBP Kon Tum nhận đỡ đầu 75 cháu trong chương trình “Nâng bước em tới trường” và nuôi dưỡng 14 cháu là “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Cùng với đó, hầu hết các đồn, đơn vị Biên phòng 4 tỉnh Tây Nguyên đều có mô hình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đa số các hộ nghèo được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi từ các dự án; được vay vốn ngân hàng ưu đãi với lãi suất thấp để phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến đầu năm 2018, 100% xã biên giới của 4 tỉnh Tây Nguyên đã có điện, nước sạch, sóng điện thoại, đường ô tô đã vào tới trung tâm xã, trên 97% hộ dân có phương tiện nghe, nhìn.
Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Theo Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy BĐBP Kon Tum, nhờ sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương các cấp, sự nỗ lực của từng gia đình, đến nay, có 96% hộ dân trên khu vực 13 xã biên giới của tỉnh Kon Tum được sử dụng điện lưới quốc gia; 85-90% số hộ có nhà xây, mái lợp tôn hoặc lợp ngói, có 13,2% hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Trong nhiều cách làm hiệu quả để góp phần giúp dân thoát nghèo của BĐBP Kon Tum, có chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”.
Từ 30 con bò giống cấp cho 20 hộ dân lúc ban đầu, đến nay đã phát triển lên 124 con và đã giúp cho 67 hộ thoát nghèo. Hưởng ứng Cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo”, BĐBP Kon Tum đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh xây dựng trên 400 căn nhà cho người nghèo trị giá 10 tỷ đồng; xây dựng 13 công trình nước sinh hoạt với tổng trị giá trên 2,66 tỷ đồng.
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết, từ Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đến các đồn Biên phòng trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều dự án mang lại hiệu quả lâu dài như: Xây dựng đập thủy lợi xã Ea Bung và làm đường giãn dân khu vực biên giới với tổng mức đầu tư 82 tỷ đồng; trực tiếp đầu tư 24 công trình dân sinh có tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng; hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như trồng cây thanh long ruột đỏ, trồng cam không hạt, mít Thái Lan...
Cùng với đó, các đồn Biên phòng trong tỉnh còn hỗ trợ gần 100 con bò giống, gần 200 con dê sinh sản để người dân phát triển chăn nuôi. Thông qua nhiều chương trình, BĐBP Đắk Lắk đã xây dựng, trao tặng các gia đình nghèo, gia đình chính sách 204 căn nhà với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng... Đến nay, ở khu vực biên giới Đắk Lắk, có gần 80% hộ dân được sử dụng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70% năm 2012 xuống còn 57,8% vào đầu năm 2020.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rơ Long, BĐBP Kon Tum tham gia xây dựng nhà Tình nghĩa tặng người nghèo trên địa bàn. Ảnh: Văn Lý
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, sự vào cuộc tích cực, nhiệt tình của các cơ quan, ban, ngành, sự hỗ trợ của các đơn vị BĐBP, hiện nay, nhiều xã trên tuyến biên giới Tây Nguyên đã và đang phấn đấu đạt chuẩn 19/19 tiêu chí NTM. Từ một tỉnh nghèo, lạc hậu, đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 3 xã biên giới là Đắk Nông, Đắk Dục (huyện Ngọc Hồi) và Bờ Y (huyện Đắk Hà) đạt chuẩn NTM; 10 xã còn lại đã đạt từ 8-16 tiêu chí.
Tại tỉnh Gia Lai, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) từ chỗ có 8 buôn, làng với 1.365 hộ, trong đó có 96% số hộ dân sống bằng nông nghiệp, đến đầu năm 2016, đã trở thành xã đầu tiên trên vùng biên giới Tây Nguyên đạt 19/19 tiêu chí NTM, thu nhập của người dân ước đạt 25 triệu đồng/người/năm.
Theo Đại tá Đỗ Quang Thấm, toàn tỉnh có 4 xã biên giới gồm: Ia R'vê, Ia Lốp, Ea Bung (huyện Ea Súp) và Krông Na (huyện Buôn Đôn). Đây là những xã vùng xa khó khăn nhất của địa phương, với tỷ lệ hộ nghèo trên 65%. Vào thời điểm năm 2010, chỉ có 1 xã đạt 3 tiêu chí NTM, 3 xã còn lại mới chỉ đạt 1 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, cả 4 xã đều đã đạt từ 11-16 tiêu chí NTM.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tỉ lệ đói nghèo ngày càng giảm, các phong tục tập quán lạc hậu gần như đã được xóa bỏ. Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả của mình, cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đã góp phần làm cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thêm tỏa sáng trong lòng nhân dân.
“Vượt nắng, thắng mưa” trên chốt biên giới Biên giới An Giang đầu tháng 7, ngày nắng nóng như đổ lửa, đêm lại có những cơn mưa dông bất chợt, nhưng lực lượng ... |
Chung tay xây đắp biên giới giàu mạnh Nhiều năm qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, BĐBP An Giang luôn phối hợp chặt chẽ với Ban trị sự Phật ... |
Thiêng liêng những cột mốc đặc biệt trên biên giới Việt Nam Mỗi cột mốc nơi biên giới đều mang ý nghĩa thiêng liêng là đánh dấu chủ quyền biên giới, lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. ... |