Giúp người dân vùng biên giới phía bắc Tây Nguyên làm kinh tế
Chị Rơ Mah An, Chi hội trưởng nông dân thôn Làng Ba, xã Ia Pnôn (huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai) cùng các hội viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. |
Huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nằm tại vị trí Ngã ba Ðông Dương, giáp hai nước bạn Lào và Campuchia; huyện Ðức Cơ ở phía tây của tỉnh Gia Lai, giáp nước bạn Campuchia, là hai huyện biên giới vùng xa của các tỉnh phía bắc Tây Nguyên. Mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, nhưng nhiều năm qua, chính quyền địa phương tập trung thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc dành cho đồng bào miền núi, biên giới. Nhiều đề án, dự án, chương trình thực hiện hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
Người dân biên giới làm kinh tế
Tham gia vào Tiểu dự án chăn nuôi bò cái sinh sản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023 chị Y Xê ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, được hỗ trợ một con bò cái sinh sản. Chị cho biết, chị được cán bộ tận tình hỗ trợ tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc phòng trị bệnh, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi… “Hiện nay, bò của tôi đang phát triển rất tốt. Tôi cố gắng chăm sóc để bò sớm đẻ ra bê để bán, có tiền nộp lại tiền hỗ trợ cho Nhà nước. Tôi cũng có thêm thu nhập để thoát nghèo”, chị Y Xê tâm sự.
Thôn Làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Ðức Cơ có hơn 500 hộ dân, với 280 hội viên nông dân. Ở vùng biên giới này, mỗi hộ dân sở hữu từ 2 đến 4 ha vườn điều, cà-phê. Ðể hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vững hơn, huyện Ðức Cơ đưa chương trình hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm về xã biên giới. Làng Bua có 15 hộ đủ điều kiện tham gia, được ngành nông nghiệp huyện Ðức Cơ hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu trừ bệnh, kỹ thuật chăm sóc tỉa cành cây cà-phê, điều.
Siu H’Pép, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Làng Bua trồng hơn 1 ha điều. Những năm trước, Siu H’Pép thu hoạch hơn 1 tấn điều, thu được 25 triệu đồng. Ba năm qua liên tục mất mùa, gia đình Siu H’Pép khó khăn. Nhờ chương trình này, Siu H’Pép nhận được hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu cùng kỹ thuật chăm sóc vườn trồng. Siu H’Pép cho biết: Giống cà-phê do Nhà nước hỗ trợ trồng hiệu quả hơn, sử dụng yên tâm hơn. Các loại phân, thuốc trừ sâu phù hợp, đúng loại nên hiệu quả với cây trồng. Bà con chưa mạnh dạn nhận trồng thì mình làm trước cho bà con theo.
Gia đình chị Rô Châm Phơng ở xã Ia Nan, huyện Ðức Cơ có hơn 4 ha điều, cao su và cà-phê. Ðược huyện, xã hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu từ năm 2023 đến nay, vườn cây của chị Rô Châm Phơng cho thu nhập khá hơn.
Cựu chiến binh Sa Văn Ðoàn, thôn Cao Sơn, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) chăm sóc bò sinh sản được hỗ trợ. |
Đưa chính sách nông nghiệp về vùng biên giới
Tỉnh Kon Tum có 4 huyện biên giới giáp Lào và Campuchia. Tỉnh Gia Lai có 90 km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia trải dài trên địa bàn bảy xã thuộc ba huyện Ðức Cơ, Chư Prông và Ia Grai.
Những vùng biên giới như huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai đều là nơi có cửa khẩu quốc tế giáp với các nước bạn Lào, Campuchia. Ðược Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nên giao thông thuận lợi, các chính sách, nguồn vốn kịp thời đến với nhân dân vùng biên giới. Các chương trình mục tiêu quốc gia lớn thực hiện hiệu quả từ cơ sở giúp vùng biên giới thay da đổi thịt.
Huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum hiện triển khai một số mô hình kinh tế hỗ trợ người dân, thí dụ như các dự án về hỗ trợ chăn nuôi bò cái sinh sản thuộc nguồn vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa bàn các xã Sa Loong, Ðăk Xú, Ðăk Dục, Ðăk Nông. Các mô hình này góp phần tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo.
Là hộ khó khăn trên địa bàn huyện, chị Bùi Thị Thu (dân tộc Mường), trú tại thôn Hào Lý, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết, năm 2023, gia đình chị được hỗ trợ bò cái sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc, bò mẹ đã đẻ ra bê. Nhờ được hỗ trợ bò, chị có thêm phân bón để chăm sóc vườn cây, tăng gia sản xuất. Ðồng chí Bùi Văn Hiến, Bí thư kiêm Trưởng thôn Hào Lý, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết, năm 2024, thôn có 143 hộ, 583 nhân khẩu trong đó có 6 hộ nghèo, cận nghèo. Các hộ nghèo được hỗ trợ bò sinh sản, tập huấn chăn nuôi và phát triển thành đàn. Chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ để người dân chăn nuôi hiệu quả hơn.
Huyện Ðức Cơ có chiều dài đường biên giới 35 km, trải dài trên địa bàn 3 xã Ia Dom, Ia Nan và Ia Pnôn. Từ ba chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Các dự án liên kết lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất cộng đồng được huyện Ðức Cơ tập trung ưu tiên cho người dân vùng biên giới.
Năm 2023, ngành nông nghiệp huyện Ðức Cơ triển khai dự án phát triển vùng chuyên canh sầu riêng, điều và gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chị Rơ Mah An, Chi hội trưởng nông dân thôn Làng Ba, xã Ia Pnôn cho biết, thôn đã thành lập nhóm chăm sóc cây điều với 25 thành viên. Cả nhóm cùng chia sẻ kỹ thuật chăm sóc, dùng phân bón, kinh nghiệm chữa bệnh cho cây điều; thu thập ý kiến của người dân để chính quyền địa phương nắm bắt, giải quyết kịp thời.
Ðồng chí Trần Xuân Nghiên, Chủ tịch xã Ia Nan, huyện Ðức Cơ cho biết: Xã họp dân, điều tra, khảo sát xem dân cần gì, cái gì phù hợp thiết thực nhất cho bà con. Vận động, giải thích và hướng dẫn từng việc nhỏ để bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, nhận thức hơn trước nên làm ăn kinh tế tốt hơn.
Các chính sách, chương trình của Nhà nước, của tỉnh đưa về các vùng sâu, vùng xa vùng biên giới là đòn bẩy giúp kinh tế-xã hội nơi đây phát triển tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đã phát huy hiệu quả giúp ổn định đời sống của nhân dân. |
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi Y Lan cho biết, việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới có nhiều thuận lợi nhưng để giúp nhân dân vùng biên giới phát triển vững hơn, các bộ, ngành, Trung ương, các địa phương cần quan tâm giải quyết những bất cập về cơ chế thực hiện; định mức hỗ trợ thấp không đủ nguồn lực để đầu tư phát triển bền vững; khả năng tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất của nhân dân còn nhiều hạn chế. Cần có giải pháp khắc phục hạn hán, quan tâm đầu tư hệ thống tưới nước phù hợp giúp vùng biên giới; tăng cường hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng như điều, cà-phê, cao su… chuyên canh mang hiệu quả kinh tế cao.
Theo Đông Huyền, Hoàng Phúc Thắng/ Báo Nhân Dân
https://nhandan.vn/giup-nguoi-dan-vung-bien-gioi-phia-bac-tay-nguyen-lam-kinh-te-post810156.html
Phong phú hoạt động hợp tác tại tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia Với 12 lần tổ chức, Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia đã đánh dấu một cơ chế hợp tác mới giữa các tỉnh giáp biên giới, nhằm bảo đảm an ninh, sự phát triển trên biên giới hai nước. |
Nậm Cắn – mảnh đất tiền tiêu Nơi ấy, có cửa khẩu Quốc tế thông thương với nước bạn Lào; có 4 bản biên giới với nhiều đường mòn, lối mở… Nhưng, Nậm Cắn - mảnh đất tiền tiêu của xứ Nghệ vẫn luôn đảm bảo an ninh trật tự bằng những đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ già làng, trưởng bản. Nhờ đó, những bản làng của đồng bào Mông, Thái, Khơ mú đang đổi thay từng ngày bằng các mô hình sinh kế hiệu quả… |