Nghệ An thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc
Theo báo cáo tại buổi làm việc, 5 năm qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế - xã hội trong vùng đã có bước phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong vùng được cải thiện rõ rệt.
Đoàn công tác của Trung ương do Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An về về thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh |
Giai đoạn này, tỉnh đã giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là 89.913 người (chiếm 36,29% toàn tỉnh), đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 33.993 (chiếm 34,96% toàn tỉnh). Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 được quan tâm triển khai thực hiện, nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả.
Vấn đề lớn tồn tại qua nhiều năm về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt của vùng đồng bào DTTS&MN được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ 2019 đến nay, tỉnh đã có các chủ trương, chính sách hỗ trợ đất ở đối với 31 hộ, hỗ trợ nhà ở đối với 580 hộ, hỗ trợ đất sản xuất đối với 725 hộ và đầu tư xây dựng 497 dự án, công trình.
Tỉnh cũng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với 892 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đối với 7.661 hộ. Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là 116.624 ha, bảo vệ rừng quy hoạch, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình là 135.033 ha…
Công tác việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; công tác giáo dục - đào tạo, văn hóa, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chuyển biến tích cực; đồng bào các dân tộc được tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước.
Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trong vùng được giữ vững. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chấp hành đúng quy định của pháp luật, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc...
Công tác quản lý, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS từng bước được chuẩn hóa, nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thực tiễn của vùng DTTS. Toàn tỉnh hiện có 9.159 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS (chiếm 13,3% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh).
Công tác phát triển Đảng viên là người DTTS đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Số Đảng viên là người dân tộc thiểu số được kết nạp tăng dần theo các năm, 05 năm qua đã kết nạp được 3.285 Đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm 17,1% trong tổng số Đảng viên được kết nạp. Đến nay, có 100% xóm, bản vùng DTTS&MN đều có chi bộ Đảng.
Công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Nghệ An đã bình chọn được 6.858 lượt người có uy tín; riêng năm 2024 bình chọn 926 người uy tín. Các chế độ chính sách cho người có uy tín được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai đầy đủ.
Các chủ trương, chính sách về giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả |
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thực hiện chính sách dân tộc nói chung và các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng; chú trọng phát triển kinh tế - xã hội thông qua xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững, nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân; chăm lo công tác an sinh xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới,...