Nghệ An mưa lớn kéo dài, hàng ngàn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, nhiều bản làng bị cô lập
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến 17 giờ ngày 17/7/2018, Nghệ An có 6.965,67 ha bị ngập, có 1.380,45 ha ngô, rau màu các loại bị ngập, hư hại.
Được biết, vụ hè thu - mùa 2018, đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được 83.672,7 ha lúa, 9.332,1 ha ngô; 513,5 ha lạc; 2.561,6 ha vừng; 4.590,3 ha rau và 2.420 ha đậu các loại.
Tại các huyện: Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Con Cuông... mưa lớn kéo dài khiến cho nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng nặng.
Nhiều ha lúa tại huyện Yên Thành bị ngập lụt.
Tại huyện Yên Thành, lượng mưa trong mấy ngày qua xấp xỉ 200 mm nên lượng nước từ đầu nguồn đang đổ về và dâng nhanh trên các sông ngòi, kênh tiêu lũ, gây ngập ở một số xã vùng sâu trũng.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, mưa lũ đã gây ngập trên 1.000 ha lúa hè thu đang vào giai đoạn ngậm đòng ở các xã vùng sâu. Riêng xã Long Thành đã có tới 250 ha lúa bị ngập sâu trong nước từ 2 ngày qua và có khả năng bị mất trắng. Tại xã Khánh Thành, nước lũ cũng đã gây ngập tuyến đường từ Quốc lộ 7A vào trung tâm xã.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, dự báo mưa lớn sẽ xảy ra trong mấy ngày tới, UBND huyện Yên Thành đang tích cực chỉ đạo các địa phương tập trung khơi thông dòng chảy ở các trục tiêu chính, kênh tiêu nội đồng; mở cống tiêu úng ở sông Dinh, sông Điển, sông Vũ Giang, kênh tiêu Biên Hòa, Bàu Chèn … đồng thời triển khai các phương án PCLB, kịp thời ứng phó với các tình huống trong mưa lũ.
Lãnh đạo xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu cho biết, toàn xã có gần 40ha dưa hấu, trong đó có khoảng 4ha đã thu hoạch. Riêng khoảng 35ha chưa thu hoạch đang bị ngập nặng có nguy cơ hư hỏng, mất trắng.
Nhiều ha dưa hấu tại huyện Diễn Châu, Nghi Lộc bị ngập, có nguy cơ hư hỏng.
Trên quốc lộ 48E, nhiều tràn ngập sâu. Tất cả các tràn này đã đóng đường, có người trực gác 24/24h ở hai đầu tràn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại. Mực nước sông Hiếu vẫn đang tiếp tục dâng cao.
Trong khi đó, quốc lộ 16 thuộc các xã biên giới xứ Nghệ tại km 215+850, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong sạt lở ta luy dương dài 17m, rộng 5,0m làm lấp rãnh dọc, lề đường, đất đá bồi lấp nền, mặt đường… 5 ngôi nhà bị vùi lấp do sạt lở.
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở.
Tại huyện Con Cuông, một số đập tràn ở 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ đã có nước tràn qua. Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã Lục Dạ đã huy động lực lượng công an, quân sự dựng trạm barie, tạo rào chắn ngăn không để người dân lưu thông khi nước lớn; đồng thời phân công người trực 24/24 cấm không cho người và phương tiện qua lại. 80 hộ dân xã Cam Lâm, huyện Con Cuông bị cô lập. Ngoài ra, điểm cầu tạm tại bản Thái Sơn đi Nam Sơn, xã Môn Sơn bị cuốn trôi hoàn toàn.
5 ngôi nhà bị sạt lở làm đổ sập.
Còn tại các huyện ven biển, thanh niên tình nguyện đang huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, củ quả trên đồng ruộng. Mưa lớn cũng khiến nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, hư hỏng. Công tác phòng chống cơn bão số 3 đang diễn ra khẩn trương. Lệnh cấm biển đã được UBND tỉnh Nghệ An ban hành vào lúc 22h (ngày 17/7), yêu cầu tàu thuyền về trú bão trước 5h (ngày 18/7).
Người dân không thể lưu thông qua các tuyến đường bị ngập lụt.
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ, tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân.
Các biển báo được đặt để cảnh báo, nghiêm cấm người dân qua đoạn đường, cầu bị ngập.
Bằng mọi biện pháp thông báo và hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, chằng néo đảm bảo an toàn. Tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa gây sạt lở. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn giao thông, cảnh giới, cấm đường để đảm bảo an toàn.
Chủ động kiểm tra các tuyến đê điều, hồ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm (vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét). Kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của từng địa phương, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt, có phương án giữ nước để phục vụ sản xuất Hè Thu.
Các cơ quan thường trực cứu hộ cứu nạn: Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh,… sẵn sàng phương tiện, lực lượng để làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.
PVMT