Nghệ An: Hàng chục ngư dân có nguy cơ mất nhà vì “tàu 67”
Sức sống của dân ca ví, dặm trong đời sống và tâm hồn người dân xứ Nghệ |
Mỹ mong muốn hỗ trợ ngư dân Việt Nam trên biển |
Tàu 67 đang neo ở cảng cá Quỳnh Phương, TX.Hoàng Mai ẢNH: KHÁNH HOAN |
Ngư dân khóc ròng
Thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng mới, cải tạo tàu lớn phục vụ vươn khơi bám biển. Thân tàu được làm bằng vỏ gỗ, sắt hoặc composite với công suất hàng trăm CV trở lên. Rõ ràng, Nghị định 67 là “cứu cánh” cho rất nhiều ngư dân cần đóng tàu to, công suất lớn muốn vươn khơi bám biển nhưng đang ít vốn.
Theo chương trình này, tính đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đóng mới 104 tàu cá công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Cụ thể, thị xã Hoàng Mai đóng mới 41 tàu, huyện Quỳnh Lưu 52 tàu, Diễn Châu 4 tàu, Cửa Lò 4 tàu và Nghi Lộc 3 tàu.
Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, kể từ khi đưa tàu to, máy công suất lớn vào vận hành khai thác, hiệu quả không như ngư dân mong muốn. Nhiều ngư dân cho biết có rất nhiều lý do như giá xăng dầu tăng, thời tiết thất thường, nguồn lợi hải sản cạn kiệt, nên năng suất đánh bắt không cao, hiệu quả thấp, dẫn đến nợ nần khó trả. Rất nhiều chuyến vươn khơi của ngư dân thu nhập thấp, thậm chí sau khi trừ tiền mua dầu, ga, đá lạnh, nhân công thì… lỗ nặng.
26 ngư dân ở Nghệ An vừa làm đơn gửi cơ quan chức năng kêu cứu trước nguy cơ họ bị ngân hàng siết nhà đòi nợ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 (gọi tắt là tàu 67).
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Văn Ngoan (ngụ P.Quỳnh Phương, TX.Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết trước năm 2016, vợ chồng ông có 2 tàu cá loại 200 CV đánh bắt khá hiệu quả. Năm 2015, khi có chủ trương đóng tàu 67 được nhà nước hỗ trợ lãi suất vay, gia đình ông bán 2 tàu này được gần 3 tỉ đồng. Ông vay thêm ngân hàng hơn 8 tỉ để đóng con tàu 820 CV trị giá 13 tỉ đồng. Để được vay 8 tỉ đồng, ngoài con tàu, ông Ngoan phải thế chấp sổ đỏ của gia đình và mượn thêm 5 sổ đỏ khác để thế chấp ngân hàng. Mặc dù theo Nghị định 67, ngư dân chỉ cần cầm cố tàu là đảm bảo vay vốn, nhưng theo ông Ngoan, ngân hàng yêu cầu thêm 6 sổ đỏ mới cho vay.
“Năm đầu tiên, tàu 67 đánh bắt khá hiệu quả, tôi đã trả được hơn 1 tỉ đồng, ngân hàng trả lại cho 2 sổ đỏ. Nhưng sau đó, đánh bắt ngày càng kém do ngư trường bị nhiều tàu cạnh tranh nên tàu chúng tôi không có lãi, thậm chí bị lỗ, không thể trả được nợ nữa”, ông Ngoan nói. Vừa qua, ông bị ngân hàng phát đơn kiện ra tòa để thu hồi nợ. “Nhà tôi còn bị “nhốt” 4 sổ đỏ. Chúng tôi chỉ còn cách đi biển để gom góp trả nợ, nếu không được giãn nợ, sẽ mất nhà và mất luôn con tàu”, ông Ngoan buồn bã nói.
Ông Ngô Trí Đông ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) là chủ tàu có công suất 820CV đóng mới theo Nghị định 67 để phục vụ dịch vụ hậu cần trên biển. Ông Đông đang còn nợ ngân hàng chừng 20 tỷ đồng vay nợ đóng tàu ttheo Nghị định 67. Ông Đông chia sẻ: từ cuối năm 2018 đến nay, nguồn hải sản ít hơn mọi năm nên nhiều chuyến ra khơi hòa, có chuyến lỗ. Việc trả nợ vay đóng tàu rất khó khăn cho chúng tôi.
Nhiều ngư dân ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai cũng có chung ý kiến khi được hỏi về hiệu quả đi biển và vì sao lại chậm trả nợ vay vốn đóng “tàu 67”. Cực chẳng đã, một số ngư dân đã buộc phải bán đất đai, vay nợ nơi khác…, để trợ nợ “tàu 67” khi kỳ hạn trả đến hẹn.
Ngư dân chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt xa bờ và theo quy định mới thì ngư lưới cụ của ngư dân không được Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm. Ảnh: Nguyễn Hải |
Ngân hàng đứng ngồi không yên
Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 104 tàu được các ngân hàng tài trợ cho vay vốn có 81 tàu đã đến thời hạn trả nợ ngân hàng; trong đó có 37 chủ tàu vay vốn tại 7 Chi nhánh ngân hàng không trả được nợ đến hạn, nợ xấu lên đến 156 tỷ đồng trong tổng số 774 tỷ đồng dư nợ cho vay theo Nghị định 67.
Trả lời trên Báo Thanh niên, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, cho biết ngoài một số ngư dân không muốn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, hiện nay nhiều ngư dân khác cũng đang thực sự gặp khó khăn vì hiệu quả đánh bắt của tàu không cao. Nguyên nhân có thể do ngư trường khó khăn và năng lực đánh bắt của các ngư dân. “Cục nợ” tàu 67 cũng đang khiến các ngân hàng lo lắng về khả năng thu hồi nợ. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh Nghệ An tìm cách xử lý cho người dân lẫn ngân hàng nhưng vẫn chưa có phương án nào”, bà Thu nói.
Bà Thu cũng cho biết khó khăn đối với tàu 67 cho cả ngư dân lẫn ngân hàng là các chủ tàu chỉ mua bảo hiểm được năm đầu tiên, sau đó bảo hiểm không bán nữa vì cho rằng họ bị lỗ. Do đó, khi xảy ra rủi ro cháy hoặc chìm tàu, người dân coi như mất trắng và ngân hàng cũng không thu được nợ. Bà Thu cũng cho rằng khâu xét duyệt cho ngư dân vay vốn từ chính quyền các cấp không làm kỹ khiến nhiều người không đủ năng lực đánh bắt xa bờ bằng tàu 67 vẫn được vay vốn đóng tàu, hậu quả là bây giờ cả ngư dân lẫn ngân hàng đều khổ.
Thực tế, việc khởi kiện các trường hợp chây ì trả nợ “tàu 67” gặp không ít khó khăn do quá trình khởi kiện kéo dài, việc thi hành án, cũng như bán đấu giá… mất rất nhiều thời gian, công sức. Chưa kể, nếu tàu cá nếu nằm bờ quá lâu sẽ mất giá trị rất nhanh cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc thu hồi nợ của các ngân hàng.
2 năm nay biển vắng cá nên những chuyến biển của ngư dân Bình Định đều đánh bắt kém hiệu quả. Ảnh: Vũ Đình Thung. |
Trước tình hình “cục nợ tàu 67” đang rất khó thu hồi, ngày 11/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 2375 về việc thực hiện Nghị định 67/2014 giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã ven biển chỉ đạo tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các chủ tàu chây ì để phối hợp với các ngân hàng tìm giải pháp, đôn đốc ngư dân trả nợ theo đúng cam kết; đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với các trường hợp cố tình chây ì, không hợp tác. Trường hợp phát hiện các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi cá nhân, các hành vi vi phạm pháp luật, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước, cần kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Trần Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, Phó trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67, cho biết những tàu khai thác không hiệu quả, ngân hàng nên xem xét để phát mãi, những tàu khai thác hiệu quả nhưng cố tình dây dưa không trả nợ thì ngân hàng có thể thu hồi tàu. Đối với những chủ tàu có năng lực đánh bắt nhưng thực sự khó khăn trong khai thác, chưa trả nợ được, theo ông Tiến, tỉnh sẽ đề nghị ngân hàng tạo điều kiện tái cơ cấu nợ cho chủ tàu để họ còn cơ hội đánh bắt trả nợ dần. |
Vùng 4 Hải quân hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển Những năm qua, Vùng 4 Hải quân vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo vừa tích ... |
2.000 lá cờ Tổ Quốc cùng ngư dân bám biển Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã đồng hành theo tàu cá ngư dân ra khắp các vùng ... |
Vùng 2 Hải quân cấp cứu kịp thời 4 ngư dân bị tai nạn lao động trên biển Ngày 12/4, Vùng 2 Hải quân thông tin cho biết, 4 ngư dân bị tai nạn lao động trên vùng biển giáp ranh Việt Nam ... |