Ngành thép sẽ tăng trưởng khoảng 22% trong năm 2018
Chiều 25/1, Hiệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết năm 2017 với chuyên đề Đối thoại công nghiệp thép Việt Nam và thế giới năm 2017, dự báo 2018.
Ông Nguyễn Văn Sưa Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, sản xuất các mặt hàng thép trong năm 2017 đạt 22,027 triệu tấn, tăng 23,5% so với năm 2016, đặc biệt là thép xây dựng sản xuất được hơn 9,9 triệu tấn, tương đương tăng 14,6%. Lượng tiêu thụ sản phẩm thép các loại năm 2017 đạt 18,9 triệu tấn, tăng 20,7% so với năm 2016, tăng mạnh nhất là tôn mạ và màu, ống thép và thép xây dựng.
Về xuất nhập khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thép 2017 ước đạt 19,9 triệu tấn, giảm 14,2% so với năm 2016. Ngoài các sản phẩm thép, còn nhập một lượng lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất như quặng sắt, than mỡ luyện cốc, thép phế…
Xuất khẩu thép 2017 đạt 5,5 triệu tấn, tăng 28,5%, tập trung vào các sản phẩm thép chính như tôn mạ và sơn phủ màu, thép ống hàn, đặc biệt xuất khẩu thép xây dựng đạt 1,2 triệu tấn, tăng gần 44% so với năm 2016.
Ảnh minh họa
Trong năm 2017, nước ta có tổng cộng 7 thị trường xuất khẩu chính bao gồm các nước trong khối ASEAN (59,3%), Hoa Kỳ (11,1%), các nước Liên minh Châu Âu (9,0%), Hàn Quốc (5,8%), Ấn Độ (3,4%), Đài Loan (2,25%), Australia (1,88%).
Dự báo ngành thép vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018. Theo dự báo của Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa, toàn ngành sẽ tăng trưởng khoảng 20 – 22% so với năm 2017, trong đó thép xây dựng tăng 10%, thép cuộn cán nóng tăng 154%, thép ống hàn 15%, tôn mạ sơn phủ màu 12% và thép lá cuộn cán nguội là 5%.
Hiệp hội Thép cũng cho biết, trong năm nay, nhiều dự án sẽ được đưa vào hoạt động. Bao gồm dự án gang thép của Hòa Phát tại Quảng Ngãi, với công suất 2 triệu tấn/năm; dự án của Formosa tại Hà Tĩnh với công suất 3 triệu tấn/năm. Cùng với đó là dự án Dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu 350.000 tấn của Tập đoàn Hoa Sen tại Bình Định; 3 dự án cán thép xây dựng tổng công suất 1,8 triệu tấn/năm của Pomina, Việt – Ý và Tung Ho.
Với những dự án sẽ đi vào hoạt động, dự kiến sản lượng sản xuất các sản phẩm thép năm nay sẽ tăng lớn. Cụ thể, gang đạt 7.500 tấn (tăng khoảng 75% so với năm 2017); phôi thép sẽ đạt 14.000 tấn (tăng 14% so với năm 2017); sản phẩm thép cuối cùng đạt 26.230 tấn (tăng 19% so với năm 2017).
Để góp phần hỗ trợ cho ngành thép phát triển năm nay, ông Sưa cho biết, Hiệp hội sẽ tích cực góp ý và kiến nghị về các chính sách liên quan đến ngành thép; tham gia xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn quốc gia về các sản phẩm thép; Tham gia xây dựng các hàng rào kỹ thuật cũng như áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế càng ngày càng sâu rộng.
Ngoài ra, với phòng vệ thương mại, hiệp hội sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhập khẩu các sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất để cùng các doanh nghiệp đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép trong nước; theo dõi diễn biến các vụ kiện của nước ngoài để cùng các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có các biện pháp phòng vệ tích cực, giảm thiểu thiệt hại…
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, ngành thép đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về công suất, sản lượng và nhu cầu. Năm 2018 này, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có tăng trưởng nhu cầu thép cao trong khu vực.
Minh Anh