Ngân sách vượt 80 ngàn tỷ, sao không tăng lương?
Nhận xét báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tài kỳ họp này đã sát thực tế hơn, song đại biểu Tâm vẫn đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại việc tại kỳ họp cuối năm 2014, Chính phủ nhận định thu ngân sách gặp khó khăn, nên không chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở theo lộ trình thì có sát thực tiễn hay không.
Ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội quyết định thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015.
Với thái độ dứt khoát, đại biểu Tâm đề nghị Chính phủ cần có báo cáo để xem Quốc hội đã quyết định như vậy đã chính xác hay chưa, khi dựa trên nhận định của Chính phủ. Và nếu có nguồn thì cần bàn đến chuyện tăng lương cơ sở cho các đối tượng còn lại.
Sốt ruột vì nhập siêu
Rất nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ lo lắng về tình hình nhập siêu.
Đặt vấn đề nhập siêu và đằng sau đó là vấn đề cơ cấu kinh tế, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu một vấn đề tuy không mới nhưng vẫn cần được nhấn mạnh lại, đó là: cơ cấu ngành hàng xuất khẩu kém bền vững, yếu về năng lực cạnh tranh, hàm lượng gia công chế biến hay đơn thuần là lắp ráp quá lớn.
Điều này thể hiện rất rõ qua việc xuất siêu có được (hoặc đỡ bị nhập siêu lớn) hoàn toàn là nhờ ở khối FDI. Khi mà 4 tháng đầu 2015, khối FDI xuất siêu 2.35 tỷ trong khi khối trong nước nhập siêu 4.42 tỷ.
Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, vốn là thế mạnh của Việt Nam, đang có xu hướng giảm sút mạnh do VND bị lên giá tương đối so với hầu hết các đồng bản tệ của các nước đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Đóng góp xuất khẩu chủ yếu từ FDI, điều chỉnh tỷ giá có áp lực từ nhập siêu, đại biểu Nguyễn Thành Tâm nhìn nhận.
Tình hình nhập siêu đang trở lại với tốc độ cao, 4 tháng đâu năm, nhập siêu tương ứng với 6% kim ngạch xuất khẩu, vượt ngưỡng 5% mà Quốc hội đề ra, đại biểu Thân Đức Nam phát biểu.
Mua dưa hấu chỉ là giải pháp tinh thần
Tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói, đây là năm nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức, chỉ tăng trên 2% so với hơn 3% của năm ngoái. Mà với nông nghiệp tăng 1% là rất lớn.
Thách thức đầu tiên theo ông Vinh là phải đối mặt là thị trường xuất khẩu nông nghiệp bị thu hẹp. Việc Bộ Công Thương vừa rồi phát động mua dưa cho đồng bảo chỉ là giải pháp tinh thần là chính chứ không có ý nghĩa về kinh tế, ông Vinh bình luận.
Bộ trưởng Vinh kể: “Mấy ngày trước doanh nghiệp cao su gặp tôi rất buồn bã, trước bán 150 triệu đồng/tấn, giờ thậm chí chỉ còn 25 triệu đồng, đơn hàng nào được 30 triệu đồng là hiếm lắm”.
Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su. Đây là vấn đề không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả chính trị nữa vì nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sơn La, Điện Biên đã phát động trồng rất mạnh mẽ mà giờ chưa được thu hoạch đâu, 1-2 năm nữa mới cho thu hoạch thì giá ko thể bán được như này thì sẽ thế nào, ông Vinh không giấu được lo lắng.
Theo đại biểu Trần Du Lịch, nền nông nghiệp tạm gọi là sản xuất thừa kể cả trong nước và xuất khẩu và không thích nghi với hội nhập, bán cái ta có chứ không phải bán cái người ta cần. Điều này từ bản chất là quá chậm trong tái cấu trúc.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội nên sớm có một nghị quyết về tam nông khi mà 67% nông dân sống ở nông thôn, đóng góp cho GDP 18%.
Nền nông nghiệp từ là lợi thế giờ thành thách thức, cần có nghị quyết hỗ trợ nông dân, ổn định nền nông nghiệp quốc gia, ông Ngân phát biểu.
Có thể không ra nghị quyết nhưng đại biểu Tâm cho rằng Quốc hội nên dành một phiên họp bàn riêng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm cho rõ nguyên nhân vì sao cứ nói đi nói lại hoài, ai cũng lo, không phải Chính phủ và các bộ ngành không lo mà sao tình hình vẫn thế.
Chính phủ cần có báo cáo riêng và Quốc hội phải có đánh giá, có kiểm tra, có giám sát, thậm chí có giám sát tối cao về tam nông, đại biểu Tâm đề nghị.
Theo Nguyễn Lê/VnEconomy