Ngân hàng thương mại bán vàng: Mất bao lâu để kéo giá vàng trong nước và thế giới “xích lại” gần nhau?
Nhằm thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sau khi phương án đấu thầu vàng miếng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, sẽ chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân.
Với sự thay đổi chính sách này, Nhà điều hành kỳ vọng có thể sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Việc thực hiện bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng nói trên sẽ được thực hiện ngay thứ Hai tuần tới (3/6). Chưa đưa ra mức giá bán cụ thể, NHNN cho biết, giá bán sẽ được xác định căn cứ theo giá thế giới.
Trao đổi với phóng viên, TS. TS.Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, để đạt được mục tiêu kéo giá vàng trong nước xuống thì NHNN phải ấn định mức giá bán ra trên thị trường.
Theo chuyên gia, NHNN có thể bán vàng cho tất cả các ngân hàng thương mại, các công ty vàng tư nhân, nhưng có một vấn đề nhạy cảm là sự chênh lệch giữa giá thị trường và giá NHNN bán ra.
Do vậy, NHNN quyết định chọn 4 ngân hàng thương mại nhà nước vì đây là đại diện cho lợi ích của nhà nước. Họ được sử dụng như các công cụ để thực thi chính sách can thiệp của Nhà điều hành.
“Theo ý kiến của tôi, các ngân hàng này được xem như là các đại lý nhận ủy thác từ NHNN để đưa vàng ra thị trường theo một giá ấn định trước. NHNN sẽ quy định giá bán ra nhưng sẽ thấp hơn nhiều so với giá thị trường và cao hơn giá NHNN nhập nguyên liệu về quy đổi ra đồng Việt Nam. Các ngân hàng thương mại sẽ được hưởng một khoản phí hoa hồng, như mỗi lượng vàng được 50 hay 100 nghìn đồng.
Ví dụ, bây giờ giá của thị trường đang là 88 triệu đồng thì NHNN sẽ ấn định mức giá đưa vàng cho các ngân hàng thương mại và yêu cầu các ngân hàng này bán ra với giá là 86 triệu, tức thấp hơn giá của thị trường khoảng 2-3 triệu.
Khi vàng được đưa ra như thế thì chắc chắn thị trường sẽ có một phản ứng mạnh vì họ biết là NHNN đang kéo giá vàng xuống theo một lộ trình. Và bằng chứng là ngay sau khi NHNN tuyên bố phương án mới thì giá vàng đã rớt xuống vài ba triệu rồi”, TS. Phước nói.
Chuyên gia cho rằng, NHNN chỉ cần thực hiện việc bán vàng này trong vòng 9-10 phiên, mỗi phiên giảm xuống 1-2 triệu thì dần dần khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá quốc tế sẽ chỉ còn vài-ba triệu đồng.
“Ngân hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận”
Là một trong 4 ngân hàng được ủy thác bán vàng cho người dân, ông Lê Ngọc Lâm Tổng giám đốc ngân hàng BIDV cho biết, để thực hiện bán vàng cho người dân từ đầu tuần tới, ngân hàng đã hoàn thiện thủ tục thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN, đồng thời, công bố danh sách các điểm bán vàng miếng, thời gian bắt đầu thực hiện bán vàng miếng trên website của ngân hàng và sẽ công bố công khai hàng ngày giá bán vàng trên website của ngân hàng.
“Chúng tôi sẽ thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng (Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu…). Trước mắt là triển khai ngay tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội”, ông Lâm nói.
Cũng theo Tổng giám đốc BIDV, ngân hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận trong việc phân phối vàng miếng từ NHNN.
“Chúng tôi xác định nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường của Chính phủ và NHNN nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ NHNN. Việc này sẽ góp phần để sớm hiện thực hoá mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới”, ông Lâm khẳng định.
Còn ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc ngân hàng Agribank thì cho biết, trước mắt, ngân hàng sẽ triển khai bán vàng cho các cá nhân có nhu cầu. Về cơ bản, các thủ tục sẽ rất thuận tiện, đơn giản, tuy nhiên khách hàng cũng cần lưu ý các thủ tục liên quan đến định danh của cá nhân và tuân thủ một số quy định giao dịch, thanh toán hợp pháp về hóa đơn và phòng chống rửa tiền.
Cần một thị trường vàng chuyên nghiệp
Nhận định giải pháp mới của Nhà điều hành sẽ sớm phát huy tác dụng, nhưng TS. Trương Văn Phước cũng nhấn mạnh, đây chỉ là một biện pháp tạm thời cho tới khi thị trường có một sự tương thích, hài hòa lợi ích giữa giá nhà nước nhập về và giá bán ra thị trường.
Về lâu dài, chuyên gia cho rằng, Nghị định 24 cần được sửa đổi để xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp hơn theo quy luật cung cầu.
“NHNN cần phải kiến tạo làm sao để thị trường vàng của Việt Nam có thể hội nhập theo các chuẩn mực quốc tế, tức là giá vàng là do cung cầu quyết định nhưng đồng thời, cung cầu quyết định phải liên thông với giá của quốc tế”, TS. Phước nói.
Nhìn sang kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia cho biết nhiều nước đang sử dụng các công cụ của một thị trường vàng chuyên nghiệp như chứng chỉ vàng, vàng tài khoản để người dân dễ dàng giao dịch.
“Ví dụ, một ounce vàng trên thị trường quốc tế đang có giá là 2.350 USD, với tỷ giá quy đổi là 25.000 đồng thì 1 ounce vàng có giá khoảng gần 59 triệu đồng. Một người Việt Nam muốn mua một ounce vàng theo giá quốc tế có thể đem 59 triệu đồng tới một cửa hàng vàng và nhận về chứng chỉ vàng là một ounce. Khi nào muốn hiện thực hóa lợi nhuận, họ chỉ cần đem chứng chỉ vàng đó bán lại cho cửa hàng vàng”, TS. Phước dẫn chứng.
Theo chuyên gia, Việt Nam cần phải áp dụng các công cụ của một thị trường vàng chuyên nghiệp để tạo ra một tiện ích vượt trội đối với người dân. Từ đó, họ sẽ thấy rằng việc phải xếp hàng để mua một lượng vàng với giá cao hơn đến 18 -20 triệu so với thế giới là quá thiệt hại cho mình so với việc đi mua các chứng chỉ vàng.
“Phân phối vàng miếng, ngân hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận”
Đây là khẳng định của ông Lê Ngọc Lâm Tổng giám đốc ngân hàng BIDV – một trong bốn ngân hàng được chỉ định bán vàng trực tiếp cho người dân.
|
Tổng giám đốc Agribank: Thủ tục mua vàng sẽ rất thuận tiện, đơn giản
Theo lãnh đạo Agribank, về cơ bản, các thủ tục sẽ rất thuận tiện, đơn giản, tuy nhiên khách hàng cũng cần lưu ý các thủ tục liên quan đến định danh của cá nhân và tuân thủ một số quy định giao dịch, thanh toán hợp pháp về hóa đơn và phòng chống rửa tiền.
|