Ngắm vườn hồng rực nắng của người phụ nữ yêu hoa tại Hải Phòng
Chị Tú Lâm hiện tại đang làm công việc kinh doanh tự do và chăm sóc 3 con nhỏ. Tuy vậy, cuộc sống của chị dù bận rộn vẫn đầy ắp niềm vui bởi chị luôn biết cân bằng nhờ việc chăm sóc những gốc hồng xung quanh nhà.
Cổng nhà chị Tú Lâm được trồng hoa giấy và các loại cây ảnh khác. |
Không gian trên tầng thượng được trồng nhiều hồng. |
Một góc nhiều nắng nhìn ra cánh đồng. |
Chị Tú Lâm trồng nhiều hồng ngoại. |
Không gian thơm ngát hương hoa. |
Chị Tú Lâm tâm sự: "Mình yêu thích thiên nhiên, cây cối nên luôn ấp ủ có một cửa hàng để kinh doanh cây cảnh và hoa nhưng do chưa thể sắp xếp được thời gian vì bận bịu chăm sóc gia đình, con nhỏ. Vì thế, mình quyết định trồng hoa để thỏa sức đam mê. Hằng ngày được trực tiếp chăm sóc, tỉa tót cho hoa cũng khiến mình cảm thấy khỏe hơn, cuộc sống thêm nhiều điều thú vị hơn.
Nhìn ngắm chúng lớn và ra hoa mỗi ngày, cảm giác như mình vừa đạt được điều gì đó khó tả lắm, vừa vui vừa hạnh phúc. Cũng có lúc cảm thấy nản khi chúng bị sâu bệnh, đặc biệt là trĩ và nấm. Khi ấy, những bông hoa chụp lại được trong quá trình trồng là nguồn động lực giúp mình tiếp tục chăm sóc và tận hưởng".
Chị Tú Lâm trồng hoa ở cả sân thượng và phía sau sát cánh đồng ruộng. Mỗi ngày dù bận rộn đến đâu, chị đều dành thời gian chăm hoa, thư giãn, ngắm hoa, hít hà mùi thơm để cảm thấy thư thái, bình yên.
Trong quá trình trồng hồng, chị Tú Lâm cho rằng yếu tố quan trọng nhất giúp hồng phát triển khỏe mạnh, sai hoa chính là đất trồng (giá thể). Sau đó đến cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Giá thể trồng hồng cần tơi xốp nên chị thường cho thêm xơ dừa, đất thịt, phân bò hoai mục, trấu, phân trùn quế, đất hữu cơ.
Về dinh dưỡng, chị Tú Lâm luôn ưu tiên các sản phẩm hữu cơ dành cho hoa hồng, vi sinh và một vài loại do tự tay làm. Mục đích luôn là giúp đất tơi xốp, không bị chai như dùng các loại phân vô cơ.
Bên cạnh đó, chị chú trọng việc phòng bệnh cho hồng bằng cách giữ gốc thông thoáng, tránh làm ổ bệnh dễ lây lan. Hàng ngày, chị tận dụng nước vo gạo để tưới. Định kỳ 7 - 10 ngày chị bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng đỗ tương Humic, vi sinh, nước rong biển, dịch chuối, vi lượng và nước đậu nành... Chị cũng thường chăm hoa tập trung vào buổi chiều vì sắp xếp được nhiều thời gian hơn.
Trong những loại hồng trồng xung quanh nhà, chị Tú Lâm đặc biệt yêu thích những giống hồng có mùi thơm nhẹ nhàng, lan tỏa khắp không gian như Marosa, Lafon, Abraham, Royal, Pas De Deux... Chị Tú Lâm vô cùng yêu tổ ấm của mình, nơi có những người thân thương cùng vẻ đẹp rực rỡ, dịu dàng của những đóa hồng.