Bí quyết trồng cả vườn hồng tươi tốt, sai bông rực rỡ trên sân thượng của mẹ hai con ở Sài Gòn
Bén duyên với hoa hồng cách đây 3 năm, cuộc sống của chị Phượng trở nên bận rộn hơn, tất bật hơn. Tuy nhiên, sự bận rộn ấy lại mang đến thật nhiều niềm vui cho bà mẹ trẻ này.
Hiện vợ chồng chị đang sở hữu công ty riêng chuyên về thiết kế xây dựng. Nhiều việc, nhiều lo toan, nhiều bận rộn nhưng với chị Phượng, mỗi ngày trở nên bình yên hơn khi được thức dậy thật sớm, lên sân thượng để hít thở không khí trong lành. Ở đó là cả khoảng trời mơ ước của chị về một tổ ấm bình yên, hạnh phúc.
Mỗi ngày đi làm về, sau khi hoàn thành công việc chăm sóc mọi người trong gia đình, dọn dẹp nhà cửa, chị lại lên sân thượng, nơi cả hai vợ chồng đều yêu thích hàn huyên tâm sự hay đơn giản là ngắm nhìn những bông hồng tỏa sắc về đêm.
Chị Phượng bên khu vườn trên sân thượng trồng đủ loại hồng. |
Không gian nhỏ tươi tắn sắc màu của hoa. |
Việc quyết định trồng hồng trên sân thượng đối với chị giống như một mối duyên. Chị tình cờ biết được một người bạn của mình thường xuyên chia sẻ hình ảnh về hoa hồng. Lúc đó chị còn nghi ngờ nơi chị sống đất chật người đông, khí hậu khắc nghiệt nắng lắm mưa nhiều không thể trồng được loài hoa này. Đem thắc mắc ấy hỏi bạn, chị được giải đáp nhiệt tình từng chút một. Nhờ vậy, chị có thêm động lực và quyết tâm để bắt đầu mang về trồng hai cây hồng đầu tiên là Ren Eden và Juliet.
Thời gian đầu trồng hồng, chị Phượng khá bỡ ngỡ trong việc chăm sóc hoa như bón phân gì, liều lượng ra sao, khi nào cây bị bệnh, nên xử lý như thế nào... Từ những khó khăn ban đầu ấy, chị tìm hiểu từng chút, từng chút một. Kinh nghiệm từ những người trồng hồng lâu năm, từ sách báo và từ chính thực tế chăm cây đã giúp chị tự tin hơn, đúc rút được nhiều bài học trong việc chăm cây giúp thời điểm hiện tại, sau 3 năm trồng hồng, chị đã sở hữu cả vườn hoa tươi tốt ngập tràn trên khoảng sân thượng nhỏ xinh của gia đình mình.
Chị Phượng tâm sự: "Cũng như các bạn bắt đầu chơi, tôi đã chi ra không biết bao nhiêu tiền cho đất trồng, đủ mọi loại đất, đủ mọi giá thể, phân bón và thuốc bệnh cho hồng, từ Bắc tới Nam, thấy nghe đâu hay tốt là mua, mua nhiều thứ đến nỗi ai qua nhà chơi cũng cho bớt đi, mà tình hình cũng không theo như ý muốn. Vì tốt cho nhà này chưa chắc phù hợp tốt cho mình.
Tôi siêng thay đất đến nỗi, cây không phát khoảng 6 tháng, là tôi đổ đất ra thay đất khác. Mỗi lần xới gốc bón phân hay tưới nước thấy nước thoát chậm, ẩm nhiều, rễ ít tôi lại tìm một loại khác để phối trộn, đất thoát nước tốt nhưng cây vẫn không phát tuy vẫn tưới phân đều. Thất bại nhiều lần từ đất giúp tôi tìm hiểu kỹ hơn về từng loại giá thể, mỗi lần thay trộn chưa ổn đều bỏ giá thể cũ thay giá thể mới".
Đến thời điểm hiện tại, chị thường trộn giá thể theo công thức: Phân trùn quế, phân dê viên, phân khoáng 301b, phân lân Lâm Thao, phân rơm, đá perlite, trấu hun nguyên hạt, vỏ thông, nấm tricoderma.
Chị Phượng cũng chỉ cách sang chậu khá đơn giản: "Tôi bỏ viên đất nung vào trong rổ rồi úp ngược lại vào trong chậu, viên đất nung sẽ tạo độ chắc cho cái rổ khi nhiều thứ ở trên đè vào nó, xung quanh cái rổ mình sẽ lót viên đất nung size lớn tới bằng mặt cái rổ, rồi đổ giá thể xuống trồng cây lên. Với cách này, cây của mình phát nhanh không tưởng, bộ rễ phát chật cả chậu, cái rổ và viên đất nung đều tận dụng được".
Chị Phượng cũng cho rằng, muốn cây khỏe từ gốc rễ thì bệnh tật cần hạn chế. Buổi sáng chị thường phun mạnh dưới mặt lá và phía trên sạch sẽ, cắt tỉa cành, cắt bỏ lá bị nấm hay có hiện tượng bệnh. Bên cạnh đó luôn quét dọn nơi trồng sạch thoáng, kê các chậu hồng có khoảng cách nhất định. Nhờ cách đơn giản này, hồng chị trồng hạn chế được bệnh rất hiệu quả.
Để những gốc hồng khỏe mạnh tươi tốt, bên cạnh việc phòng bệnh, phát hiện bệnh để chữa trị kịp thời, chị Phượng còn lưu ý cách cắt tỉa. Sau khi cây hết bệnh lên đợt nụ đầu tiên, chị Phượng khuyên nên cắt bỏ hết nụ. Chị thường để cho tất cả các mầm phát nụ, phần nụ không dính tới phần lá, đợi cho tất cả các mầm lên nụ cao, chị sẽ cắt bỏ đều theo tán cây, bấm một nách lá. Đợt sau mầm mọc ngay cái nụ sẽ rất yếu và xấu, vặt lá già, lá xấu, gọi là tạo tán đều đẹp. Sau đó bắt đầu tưới phân bón gốc như cũ, phân ngừa bệnh, đảm bảo đợt sau sẽ lên mầm đều.
Sân thượng có diện tích trồng hồng khoảng 20m2 với hơn 40 giống hồng khác nhau được chị Phượng chọn lựa kỹ càng, luôn cân nhắc những chọn giống phù hợp với đặc điểm khí hậu ở TP. HCM. Khu vườn của gia đình chị tuy có diện tích nhỏ nhưng lại chứa đựng ý nghĩa tinh thần to lớn đối với mọi người. Chồng và hai con đều rất yêu khu vườn của mẹ, luôn phụ giúp chị trong việc chăm sóc, tưới cây hàng ngày.
Đối với chị cũng như những người nông dân sân thượng khác, trồng hồng chưa bao giờ là nhẹ nhàng, nhàn nhã. Tuy có vất vả, mệt nhọc, có lo toan đối phó với dịch bệnh hay thời tiết nhưng được ngắm những cành hồng đua nhau nở hoa, khoe sắc, chị lại như được tiếp thêm sức sống để tràn đầy năng lượng, để yêu đời, yêu mình nhiều hơn mỗi ngày.