Ngắm Hà Nội những khoảnh khắc tháng 10/1954 nhân dịp Giải phóng Thủ đô
Triển lãm nhằm ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của quân và dân Thủ đô, là dịp để khách tham quan tìm hiểu, cảm nhận thêm niềm vui, sự hân hoan của các chiến sỹ, người dân trong ngày hội lớn của Thủ đô và đất nước (10/10/1954).
Triển lãm ảnh trưng bày theo 3 nội dung: “Những đoàn quân về tiếp quản Thủ đô Hà Nội”, “Lễ chào cờ chiến thắng ngày 10/10” và “Những hồi ức lịch sử”. Với 60 hình ảnh tư liệu tiêu biểu, Triển lãm giới thiệu những khoảnh khắc lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954, đặc biệt là Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954.
Những hình ảnh tư liệu tại buổi triển lãm.
Triển lãm ảnh còn giới thiệu những hình ảnh tư liệu quý về Ủy ban Quốc tế làm nhiệm vụ tại Hà Nội; quá trình bàn giao, tiếp quản giữa quân đội Pháp và quân đội Việt Nam tại Hà Nội; quân Pháp rút khỏi Hà Nội, đặc biệt là hình ảnh các đoàn quân tiên phong từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô.
Triển lãm được tổ chức tại tầng 2 Di tích Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long, mở cửa đón khách tham quan từ ngày 3/10 đến 31/10/2018.
Đến dự chương trình có các đồng chí: Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Ngô Văn Quý - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; GS. TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá Việt Nam; Phạm Đình Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá; Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội; Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; Dương Trung Quốc - Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội và bác Phùng Đệ - chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, nhân chứng lịch sử.
Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ về Hà Nội những năm 1954.
Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ về thời khắc lịch sử này của Thủ đô đó là tất cả những gì diễn ra ở Hà Nội hôm đó (10/10/1954) không có tiếng súng, không có sự xung đột. Ở đó chỉ có sự lặng lẽ rút đi của quân viễn chinh Pháp cùng chế độ tay sai và đó cũng là ngày đoàn quân chiến thắng ở Chiến khu trở về sau 9 năm kháng chiến chống Pháp: “Tôi cũng muốn lưu ý rằng, một trong những sự kiện quan trọng của điểm nhấn ngày 10/10 là khi những cánh quân về trung tâm tiếp quản các cơ quan, các vị trí then chốt của Thủ đô Hà Nội thì có một lễ thượng cờ được diễn ra trên sân Manzin dưới chân cột cờ thành Hà Nội. Trên thực tế, lá Quốc kỳ đã được cắm từ ngày mùng 9, khi mà quân đội Pháp còn đang chiếm giữ Hà Nội, thì những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp cận và leo lên đỉnh Cột Cờ. Đây là biểu tượng chiến thắng trong việc bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng 8 năm 1945 mà kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ và Hà Nội được giải phóng”.
Bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc lịch sử của 64 năm về trước, bác Phùng Đệ - chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vẫn nhớ như in không khí tiếp quản cực kỳ xúc động đó: “Đến chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1951) tôi về công tác tại đoàn văn công của Sư đoàn, Đại đoàn 308 và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ, cấp trên có tổ chức Đại hội Văn nghệ toàn quân và có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự.
Trong buổi đó, Đại tướng nói chuyện và báo tin mừng là ta có thể về tiếp quản Hà Nội trong thời gian tới. Anh em nghe thấy sướng quá. Theo nhiệm vụ mới, cấp trên cho thành lập mấy đoàn văn công để cùng về tiếp quản. Tôi thuộc đoàn số 2 gồm tất cả các văn công của Đại đoàn chủ lực 351, 308, 312, 316, 304 đi qua Hà Đông về tiếp quản. Ở Hà Nội, nhân dân đã chuẩn bị sẵn sàng các cổng chào, khẩu hiệu chào mừng. Ai ai cũng hồ hởi, vẫy tay, vẫy cờ, mong chờ thấy anh bộ đội, con em mình trở về. Tình cảm đó đối với tôi thật đặc biệt và luôn luôn xúc động khi nhớ về”.
N.H (t/h)