Nắng nóng và hạn mặn ở Miền Trung - Tây Nguyên khiến đời sống người dân lao đao
Nhiều ruộng và hệ thống tưới tiêu ở Quảng Ngãi khô hạn xác xơ |
Nỗi niềm ngày hạn mặn
Nắng, nóng, khô hạn, thiếu nước trầm trọng đã khiến đời sống của hàng triệu hộ dân ở đất miền Trung càng trở nên cùng cực hơn. Lúa trồng để cho người ăn thì nay đành cắt cho bò ăn thay cỏ, mía trồng rồi đem làm củi đốt vì khô còn hơn củi phơi giữa mùa nắng. Mỳ sắn, các loại nông sản người dân trồng cũng cùng chung với một số phận không thể khác: “Chết khô chết khát!”
“Nắng nóng như ri người còn héo khô huống chi cây. Dân quê nậu chủ yếu sống bằng nghề nông. Từ đầu năm tới giờ nắng hạn liên tục mà chẳng có mưa. Cứ đà này thì dễ mất hết cả lúa lẫn màu. Dân lại khổ cực trăm bề!”, bà lão tên Lành ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) khắc khoải nói khi nhìn xuống chân ruộng đã nứt toác những đường nứt tử thần đối với cây lúa.
Nắng hạn tại Quảng Ngãi |
Cặm cụi, bà lão cắt từng chân lúa đang khô cháy gom lại từng bao mang về. Những giọt mồ hôi cố vắt ra từ người nhỏ xuống cứu cây chưa kịp chạm mặt đất đã vội vã hóa khí bay về trời. Thấy đấy, đau lắm mà cứu không đặng. Vì người còn không có nước huống gì cây. Thôi đành cứu người trước, cây cứu sau. Nhưng trời nào có thương, cứ nắng hoài nắng mãi. Lúa chết, cây chết, rồi người nông dân biết phải làm sao.
Chưa khi nào người dân tại đây lại phải hứng chịu sự oán giận của thiên nhiên một cách tàn khốc như thế. Những công trình đại thủy nông ở Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận cũng đang ngắc ngoải khi mực nước của hồ xuống thấp dưới mực nước chết. Nắng nóng kéo dài, mưa ít và lưu lượng nước về giảm bất thường. Thảm thực vật xung quanh hồ chứa bị khai thác triệt để chỉ còn đồi trọc. Nước ngầm theo đó cũng ít đi và chẳng còn nước để dự trữ trong hồ cho việc cứu cây, cứu người nữa.
Người dân Quảng Ngãi phải đi chắt từng giọt nước về sinh hoạt |
Nhiều nơi ở Quảng Ngãi, Phú Yên, người dân đã phải đi làm thuê chỉ để lấy tiền mua nước sinh hoạt hằng ngày. Cây cối héo úa vì khô khát. Ruộng đồng nứt nẻ. Nhiều người dân ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) phải thay phiên nhau vào rừng, chắt từng can nước giọt từ khe đá đem về nhà phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Chờ trời…
Cái nắng chát chúa đổ hừng hực xuống dải đất miền Trung - Tây Nguyên khiến mảnh đất đã vốn chịu nhiều cơ cực này càng khắc nghiệt hơn. Đến cả những người nông dân vốn quen nắng quen mưa chịu còn không thấu. “Nắng chi mà ác nghiệt ri trời!”, người nông dân đất Quảng Ngãi ngửa mặt nhìn trời thở dài quãng giữa trưa trên cánh đồng mấy chục ha không còn một giọt nước.
Mấy người khác bu lại quanh những đoạn kênh thủy lợi giòn rụm rêu của mùa nước trước mà ngán ngẩm than van. Ông trời nào có nghe được. Người dân khắp dải miền Trung đang gồng mình chống hạn, đào vét khắp nơi để tìm nguồn nước ngầm cứu lúa, cứu cây, cứu người hòng mong tránh một vụ mùa trắng tay.
Nhiều vùng cà phê khô hạn ở Tây Nguyên |
Khô hạn kéo dài đã khiến cho hàng loạt hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rơi vào tình cảnh cạn kiệt, trơ đáy. Theo Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay 123 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều rơi vào tình cảnh thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Lượng nước các hồ chứa chỉ còn đạt khoảng 17% tổng dung tích hồ. Trong đó, hiện đã có tới 54 hồ chứa khô cạn. Các hồ chưa cạn kiệt nguồn nước đã dẫn tới gần 1.200ha diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không sản xuất được trong vụ mùa này. Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đang căng mình triển khai các phương án phòng chống hạn trước tình trạng nắng nóng vẫn đang diễn ra gay gắt.
Thời điểm này tại nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra khá nghiêm trọng, khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn. Đáng chú ý, mực nước ở hồ thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam) đã thấp hơn mực nước chết (9,32m). Trong khi đó, các hồ Trung Sơn; Sông Bung 2; Sông Bung 4; Sông Tranh 2; Vĩnh Sơn B; Sông Ba Hà; Kanak; Buôn Tua Srah; Đồng Nai 3; Thác Mơ; Hàm Thuận; Đa Ninh; Bắc Hà; Sông Côn 2A; Bản Vẽ… mực nước cũng đều xuống rất thấp. Điều đáng nói, đây lại là thời điểm chính vụ mùa mưa.
Con sông Tranh miền thượng du (Quảng Nam) đã giảm mực nước đáng kể trong nhiều năm qua |
Hạn hán ở miền Trung và Tây nguyên không chỉ khiến hàng triệu nông dân nơi đây rơi vào tình trạng đứng ngồi trên đống lửa vì hàng ngàn ha cây trồng chết dần. để có nước cứu cây, cứu người họ đã làm đủ mọi cách để có nước tưới. Những năm trước đào 10 giếng thì 9 giếng có nước, vậy mà năm nay ông trời cứ như trêu người khi đào 10 thì chỉ 2-3 giếng có nước, dù đã khoan sâu tới cả trăm mét trong đất đỏ Tây Nguyên.
Ai cứu được người nông dân, ai cứu được cây, được lúa bây giờ!
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Sắp tới tại khu vực Miền trung và Tây Nguyên, lượng mưa tăng hơn nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8, lượng nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ vẫn suy giảm và ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ 40-65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên. Do đó, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn.
Như vậy có thể thấy, khu vực miền Trung-Tây Nguyên sẽ còn tiếp tục thiếu nước sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất, cho dù thời tiết có dịu hơn và mưa nhiều hơn. Nhưng đáng tiếc, tình hình nắng nóng được dự báo vẫn tiếp tục, khiến cho lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.