Nâng cao hiểu biết của người Việt tại Australia về pháp luật nước sở tại
Luật sư Đỗ Gia Thắng, thành viên sáng lập tổ hợp sư Luật đa quốc gia Viozi Legal – Nguyen Do Lawyers có trụ sở tại thành phố Melbourne, đồng thời là Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV); Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA). Ảnh: TTXVN phát |
Để hiểu rõ những vướng mắc, khó khăn của người Việt Nam tại Australia, phóng viên TTXVN tại Australia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đỗ Gia Thắng, thành viên sáng lập tổ hợp sư Luật đa quốc gia Viozi Legal - Nguyen Do Lawyers có trụ sở tại thành phố Melbourne, đồng thời là Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV); Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA).
Luật sư Đỗ Gia Thắng khẳng định về cơ bản, đa phần người Việt Nam ở Australia đều có ý thức tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Theo ông, người Việt có khả năng thích nghi với môi trường xung quanh khá tốt, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi sinh sống, học tập và làm việc tại những quốc gia thượng tôn pháp luật như Australia, người Việt càng có ý thức tuân thủ luật pháp bởi đó là do yếu tố “ý thức đám đông”. Hầu hết người dân Australia đều rất tuân thủ pháp luật, từ những vấn đề nhỏ nhất như xếp hàng chờ đến lượt, không xả rác nơi công cộng, tuân thủ luật giao thông…, vì vậy, nếu vi phạm pháp luật, người Việt sẽ cảm thấy trở nên cô lập, không hội nhập với những người xung quanh.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là có phải nhận thức về pháp luật của người Việt lúc nào cũng đúng hay không? Câu trả lời là “không”. Có nhiều trường tuân thủ và mong muốn thực hiện theo quy định luật pháp ở Australia, nhưng cách thực hiện chưa đúng do những khác biệt, xung đột về tư duy, văn hóa, thói quen và suy nghĩ. Luật sư Đỗ Gia Thắng dẫn chứng ví dụ, ở Việt Nam cũng như các nước khác, việc cha mẹ dạy dỗ, rèn luyện con cái làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ từ nhỏ là hoàn toàn bình thường, theo nghĩa “dạy con từ thuở còn thơ”. Tuy nhiên, tại Australia, những thói quen dạy dỗ theo kiểu “yêu cho roi, cho vọt” như cách hiểu thường thấy ở Việt Nam có thể bị coi là hành vi bạo hành đối với trẻ vị thành niên (dưới 15 tuổi) một cách bất hợp pháp.
Luật sư Đỗ Gia Thắng nhấn mạnh rằng bạo hành trẻ em là một tội hình sự nghiêm trọng được quy định trong pháp luật Australia. Tại Australia, nếu cha mẹ đánh mắng con cái và hành động đó được đứa trẻ báo với trường học, nhà trường sẽ gọi các nhân viên hỗ trợ xã hội (social worker) và ngay lập tức họ sẽ đến đưa đứa con đi, đồng thời cấm bố mẹ không được gặp con trong 1-2 năm tùy mức độ vi phạm.
Luật sư Đỗ Gia Thắng cho rằng trên thực tế, đây không hẳn là lỗi cố ý của người Việt mà là do sự khác biệt về văn hóa, tư duy của hai quốc gia khác nhau. Từ sự khác nhau đó, người Việt Nam sinh sống ở Australia vì vô tình hoặc do thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật tại Australia nên mới thực hiện những hành vi bị coi là vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người Việt sinh sống ở Australia nhưng không biết luật để bảo vệ mình, dẫn đến việc phải chịu thiệt thòi. Luật sư Đỗ Gia Thắng dẫn chứng ví dụ về việc nhiều cô dâu Việt sang Australia bằng thị thực hôn nhân, do thiếu hiểu biết về luật pháp Australia mà thường “cắn răng chịu đựng” khi bị chồng bạo hành vì sợ nếu phản kháng, người chồng sẽ không bảo lãnh nữa và họ sẽ bị trục xuất về nước. Luật sư Đỗ Gia Thắng cho biết luật pháp Australia là “bảo vệ người yếu thế”, nên nếu xảy ra tình huống đó, cô dâu Việt vẫn có thể hủy hôn và có quyền yêu cầu Bộ Di trú Australia cấp thị thực thường trú.
Tương tự, nhiều người lao động Việt Nam đi sang Australia bằng thị thực lao động do chủ lao động bảo lãnh và nghĩ rằng trong thời gian chưa phải là thường trú nhân, họ sẽ phụ thuộc vào người chủ nên nếu người chủ bạo hành, bắt làm thêm giờ, trả lương thấp…, thông thường họ sẽ chấp nhận chịu thiệt thòi và im lặng vì sợ nếu phản kháng, người chủ sẽ không bảo lãnh và họ buộc phải về nước. Luật sư Đỗ Gia Thắng cho biết trong những tình huống đó, người lao động hoàn toàn có quyền đứng ra tố giác hành vi vi phạm pháp luật của người chủ, và Bộ Di trú Australia vẫn đảm bảo cho người lao động có một thời gian để đi tìm chủ lao động mới.
Để giúp người Việt Nam tại Australia hiểu rõ hơn về luật pháp nước sở tại để vừa thực thi đúng, vừa bảo vệ được quyền lợi của bản thân trong quá trình sinh sống, học tập và làm việc tại quốc gia này, Luật sư Đỗ Gia Thắng đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, ông cho rằng muốn hiểu rõ tư duy của người Australia cũng như nhận thức rõ ràng luật pháp của quốc gia này thì cần phải có thông tin. Trong thời đại 4.0 ngày nay, thông tin đến từ rất nhiều nguồn, không chỉ là báo giấy mà còn từ các nền tảng xã hội, các trang tin tức trực tuyến, các cổng thông tin của chính phủ… Chỉ cần chịu khó đọc và tìm hiểu, người Việt có thể dễ dàng cập nhật những quy định luật pháp mới nhất của nước sở tại.
Thứ hai, người Việt cần nâng cao vốn ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Ngôn ngữ là một trong những rào cản mà rất nhiều người Việt Nam tại Australia khó vượt qua. Luật sư Đỗ Gia Thắng cho rằng muốn tự bảo vệ mình, trước hết người Việt phải thành thạo tiếng Anh để có thể nghe, nói, đọc, viết thông thạo và giao tiếp với xã hội Australia một cách hiệu quả, hiểu một cách chuẩn xác những gì luật pháp quy định. Tuy nhiên, đối với những người chưa thông thạo Tiếng Anh tại Australia, họ vẫn nhận được sự giúp đỡ từ thông dịch viên miễn phí bởi Australia có dịch vụ thông dịch viên miễn phí cho các sắc dân không biết tiếng Anh.
Thứ ba là thay đổi thói quen sinh hoạt. Theo Luật sư Đỗ Gia Thắng, không chỉ người Việt mà ngay cả các cộng đồng khác tại Australia cũng vậy, ít khi họ mở rộng mối quan hệ với người bản xứ mà thường hay co cụm lại với nhau. Chính vì thế, tại Australia mới hình thành các khu như China Town (tập trung đông người Trung Quốc), khu Bankstown, Cabramatta, Marickville (tập trung đông người Việt Nam), Little India (tập trung đông người Ấn Độ)…
Luật sư Đỗ Gia Thắng cho rằng đó là thói quen tốt, là ưu điểm vì chính nhờ sự đoàn kết gắn bó cộng đồng mà người Việt mới giữ được bản sắc văn hóa của mình sau hàng nghìn năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, thói quen này có nhược điểm là không cởi mở. Ông Đỗ Gia Thắng cho rằng muốn nâng cao nhận thức về pháp luật thì phải mở rộng mối quan hệ và phạm vi sinh sống, nói chuyện nhiều với người bản địa vì đây cũng là một kênh để người Việt biết được nhiều thông tin.
Thứ tư là tận dụng các kênh hỗ trợ và tư vấn miễn phí của Chính phủ Australia. Ví dụ như các bạn sinh viên hoặc nhiều người Việt mới sang học tập, sinh sống tại Australia thường không biết rằng luật thuê nhà ở Australia bảo vệ mạnh mẽ người thuê nhà, do đó khi bị chủ nhà chèn ép hoặc đuổi trái luật, họ chấp nhận ra đi. Vì thế, nếu đọc nhiều, nói chuyện nhiều với người bản xứ, họ sẽ nắm được luật và hiểu rằng chủ nhà không thể dễ dàng đuổi họ ra khỏi nhà thuê, từ đó tìm ra các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ở Australia có một tổ chức gọi là “Tenants’Union” (tạm dịch: Công đoàn của những người thuê nhà). Tổ chức này nhận được chính phủ cấp tiền, tài trợ và cung cấp dịch vụ miễn phí cho những người thuê nhà (tenants) bị chủ nhà (Landlord) đối xử bất công để thụ lý những vụ việc mà người cho thuê nhà sai. “Tenants’Union” sẽ kiện những người cho thuê nhà này ra tòa, sau đó họ thu lại tiền từ những người này. Đây là cơ chế hỗ trợ miễn phí rất tốt để bảo vệ bên yếu thế (bên thuê nhà) mà người Việt thường không biết để đề nghị giúp đỡ.
Ngoài ra, người Việt có thể nhận được sự giúp đỡ của các nhân viên xã hội, tổ chức cộng đồng dịch vụ miễn phí cho những người mới đến hoặc không biết Tiếng Anh bởi họ có nền tảng kiến thức nhất định trong nhiều lĩnh vực khác nhau để đề nghị tư vấn và giúp đỡ.
Cuối cùng, người Việt có thể tìm đến các văn phòng luật sư của người Việt Nam ở các bang chuyên về những lĩnh vực cụ thể để được tư vấn, trợ giúp, nêu ý kiến và cố vấn luật pháp.