Nam giới dân tộc nào đều trải qua thời gian tu hành?
Dân tộc nào có họ tên là các loài động thực vật? Dân tộc nào có tục trùm chăn để chọn bạn tình? Đặc sản độc đáo dừa sáp ở tỉnh nào? |
Nam giới dân tộc này đều trải qua thời gian tu hành
Hỏi:
Nam giới dân tộc nào đều trải qua thời gian tu hành?
A. Dân tộc Ê Đê
B. Dân tộc Chăm
C. Dân tộc Tày
D. Dân tộc Khmer
Đáp án:
D. Dân tộc Khmer
Theo tài liệu về văn hóa các dân tộc của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, những người con trai Khmer từ tuổi 12 trở lên sẽ được gia đình cho vào chùa tu để được học giáo lý nhà Phật, học chữ, học nghề, báo hiếu cha mẹ... và rèn luyện thành người có tri thức, đạo đức để xứng danh với gia đình và xã hội. Đi tu được coi như một nghĩa vụ xã hội của nam giới Khmer.
Nếu chàng trai nào không qua giai đoạn tu trong chùa sẽ bị xã hội và gia đình cho là bất hiếu, lớn lên khó lấy vợ. Bởi vì người con gái Khmer đến tuổi lấy chồng thường chọn những chàng trai đã qua tu luyện trong chùa, hoàn tục. Họ quan niệm, những người này đã hoàn thành nghĩa vụ và học được cách làm người, biết chữ nghĩa, được xã hội trọng vọng.
Theo cuốn Người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam (nhà xuất bản Thông tấn, năm 2011) người con trai Khmer sau lễ thọ thập giới sẽ mặc áo cà sa và trở thành người tu hành bậc Sadi. Từ đây, cha mẹ phải lạy khi gặp mặt, khi về nhà chơi cha mẹ phải dâng cơm vì Sadi là đại diện của Phật chứ không là con trai họ nữa.
Tu đến năm 20 tuổi, các Sadi sẽ được làm lễ để tu tiếp lên hoặc xin hoàn tục trở về đời thường lấy vợ, làm ăn nếu thấy mình đã hết phước tu. Thời gian tu học cũng được coi là điều kiện để một chàng trai lọt vào mắt xanh của những cô gái đến tuổi kén chồng, một dấu hiệu trưởng thành để bước vào hôn nhân. Những thanh niên xuất gia tu học, am hiểu thuần thục đạo lý, thông thạo chữ nghĩa, nhất là tiếng Phạn được xã hội Khmer trọng vọng và được liệt vào hàng ngũ trí thức.
Người Khmer (Ảnh: Người lao động). |
Lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Khmer
Hỏi:
Đâu là lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Khmer?
A. Con trâu
B. Chiếc khăn tay thêu rồng phượng
C. Hoa cau
D. Bông lúa
Đáp án:
C. Hoa cau
Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, mùa cưới truyền thống của người Khmer Nam Bộ vào khoảng tháng 1-3 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Những tập tục trong lễ cưới mang tính đặc thù của dân tộc mặc dầu ngày nay đã được đơn giản hóa và mỗi địa phương có cách thể hiện khác nhau, nhưng cái hồn của chúng vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Trong ngày cưới, cô dâu người Khmer đa phần vẫn mặc trang phục truyền thống là chiếc xăm pốt hôl (váy hình ống) màu tím sẫm hay màu hồng cánh sen, áo dài tầm pông màu đỏ thắm. Cô dâu quàng khăn ngang người và đội mũ pkál plac - loại mũ hình tháp nhọn nhiều tầng, bằng kim loại hoặc bằng giấy bồi, được trang trí bằng cánh con kim quýt màu xanh biếc. Chú rể người Khmer mặc xà rông và áo ngắn bỏ ngoài màu đỏ, quàng khăn truyền thống lên vai trái và đeo dao kampach với ý nghĩa bảo vệ cô dâu.
Cuốn Người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam viết, lễ cưới của người Khmer kéo dài trong 3 ngày với lễ chính là ngày thứ hai. Lúc này, nhà trai phải đem mâm cơm cúng và đưa chú rể sang nhà gái. Khi nhà trai đến, nhà gái đã rào cổng, nhà trai phải đặt hai mâm cơm cúng trước cổng và thực hiện nghi lễ múa mở cổng rào để được nhà gái cho vào làm lễ trình báo các lễ vật mang sang làm cưới.
"Hoa cau là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới của người Khmer. Hoa cau tượng trưng cho sự trong trắng của người con gái, vừa biểu thị lòng biết ơn đối với cha mẹ, anh chị. Mẹ cô dâu là người được mở bông cau trong lễ mở buồng cau", sách viết.
Sau các nghi thức, người Khmer sẽ làm lễ cột chỉ tay cho cô dâu, chú rể để cầu phúc cho đôi vợ chồng trẻ.
Lễ cưới của người Khmer (Ảnh: Báo Dân tộc). |
Hỏi:
Người Khmer sinh sống ở vùng Nam Bộ của Việt Nam từ khi nào?
A. Thế kỷ 12 trước công nguyên
B. Thế kỷ 12
C. Thế kỷ 12 sau công nguyên
D. Thế kỷ 13
Đáp án:
B. Thế kỷ 12
Người Khmer là tộc người thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Theo số liệu thống kê năm 2009, dân số của tộc người này hơn 1,2 triệu, phân bố ở nhiều tỉnh thành thuộc Nam Bộ nhưng tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có nhiều người Khmer cư trú là: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tây Ninh, TP HCM.
Theo cuốn Người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam (nhà xuất bản Thông tấn, năm 2011), tổ tiên của người Khmer Nam Bộ là lớp cư dân cổ ở Đông Nam Á cư ngụ tại vùng hạ Lào, đông bắc Campuchia ngày nay. Tộc người này từ thế kỷ 5-6 đã tạo dựng được một quốc gia với tên gọi Bhavapura, thư tịch cổ Trung Quốc gọi là Chân Lạp.
Sau sự tàn lụi của nền văn hóa Óc Eo và quá trình biển tiến (cuối thế kỷ 7), vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Nam Bộ nói chung trở nên hoang vu. Tình trạng đó kéo dài nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ 12 khi biển rút dần làm nổi lên những giồng đất cao màu mỡ ở vùng Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp Mười..., thu hút cư dân Khmer trốn chạy sự bóc lột hà khắc của triều đại Ăngko đến đây cư trú.
Cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, người Khmer đã có mặt đông đúc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Họ lập thành 3 vùng dân cư tập trung lớn là: vùng Sóc Trăng - Bạc Liêu, An Giang - Kiên Giang và vùng Trà Vinh. Người Khmer ở Nam Bộ Việt Nam và người Khmer ở Campuchia do đó có chung nguồn gốc lịch sử tộc người, chung tiếng nói, gần gũi về những đặc trưng văn hóa.
Tại vùng đất mới Nam Bộ, cứ 5-7 gia đình Khmer trong mối quan hệ chặt chẽ về huyết thống quy tụ gần nhau tạo thành một đơn vị gọi là phum. Một số phum như vậy quần tụ xung quanh một ngôi chùa tạo thành một điểm cư dân lớn hơn gọi là sóc. Các phum/sóc này là đơn vị xã hội tự quản không phải đơn vị hành chính nhà nước, không nằm dưới quyền kiểm soát của bất cứ quốc gia nào.
Từ thế kỷ 17, những lớp cư dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng - Trung Bộ thuộc vương triều của chúa Nguyễn bắt đầu đến khai khẩn đất hoang ở vùng Nam Bộ và nhanh chóng phát triển cộng đồng. Để quản lý cư dân, năm 1698 nhà Nguyễn đã thiết lập một hệ thống chính quyền nhà nước ở đây.
Lễ báo hiếu của người Khmer (Ảnh: Du lịch). |
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Khmer Nam Bộ
Hỏi:
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Khmer Nam Bộ có gì đặc biệt?
A. Không thờ cúng tại gia
B. Ban thờ có tượng của người chết
C. Ban thờ không có ảnh của người chết
D. Không có gì đặc biệt
Đáp án:
A. Không thờ cúng tại gia
Phần lớn người Khmer Nam Bộ là tín đồ của Phật giáo Nam Tông. Họ quan niệm trần sao âm vậy, chết chưa phải là hết mà chết là sống ở một thế giới khác. Người Khmer do đó thờ cúng tổ tiên ông bà rất chu đáo.
Cư dân Khmer cho rằng người chết không thể trực tiếp thụ hưởng những gì người sống cúng tế, mà phải hồi hướng qua sư sãi. Vì vậy, họ không lập bàn thờ tổ tiên tại gia đình mà chỉ thờ Phật ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Tro cốt những người đã khuất đều được gửi vào chùa, việc thờ cúng là đem đồ cúng vào chùa dâng lên đức Phật và các vị sư sãi.
Hàng tháng vào các ngày mùng 8, 15, 23, 30 âm lịch, mỗi gia đình Khmer đều tới chùa dâng cơm, bánh trái, vật dụng cho sư sãi để gián tiếp gửi đến những người thân ở thế giới bên kia. Họ cũng có những nghi lễ tưởng nhớ, cầu siêu, cầu phước cho người đã khuất như: lễ dâng phước lành cho người quá cố diễn ra vào 7 ngày sau khi chết; lễ giỗ để tưởng nhớ cầu siêu, tạo phước cho người quá cố, được tổ chức sau ngày chết 100 ngày hay tròn một năm; lễ cầu siêu...
Chùa của người Khmer (Ảnh: Truyền hình du lịch). |
Tết truyền thống đón năm mới của người Khmer
Hỏi:
Tết truyền thống đón năm mới của người Khmer có gì đặc biệt?
A. Không ra khỏi nhà suốt dịp tết
B. Ở trong chùa suốt dịp tết
C. Hành hương suốt những ngày tết
D. Không có gì đặc biệt
Đáp án:
B. Ở trong chùa suốt dịp tết
Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tết Chol Chhnam Thmey của người Khmer mang ý nghĩa là đón mừng năm mới, hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn, tương tự Tết Nguyên đán của người Việt. Tết ngoài ra còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới.
Tết Chol Chhnam Thmey được tổ chức vào tháng 3 âm lịch, thường kéo dài 3-4 ngày để con cháu khắp nơi tụ họp. Trong những ngày này, mỗi gia đình Khmer chuẩn bị bánh trái, hoa quả vào chùa cúng Phật và dâng chư tăng.
Theo cuốn Người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam (nhà xuất bản Thông tấn, năm 2011), mọi nghi lễ trong Tết Chol Chhnam Thmey đều diễn ra ở khuôn viên chùa, vì vậy các gia đình thường ở chùa dịp Tết để làm công quả, vừa để dự lễ, vui chơi, ăn uống. Một số nghi lễ thường được tổ chức như: tắm tượng Phật, tắm cho sư sãi cao niên; dâng cơm cho sư sãi ở chùa vào sáng sớm và trưa; đắp núi cát cầu mưa cầu phúc..
Sau 3 ngày Tết ở chùa, người Khmer sẽ trở về nhà lạy tạ ông bà, cha mẹ rồi tắm cho ông bà, cha mẹ để bày tỏ lòng hiếu thảo.
Lễ hội Dolta của người Khmer (Ảnh: Du lịch). |
Xem thêm
Cà phê là đặc sản của tỉnh nào? Đây là tỉnh thuộc Tây Nguyên, hiện có diện tích gieo trồng cà phê lớn nhất cả nước. |
Sóc Bom Bo ở tỉnh nào? Đây là địa danh gắn liền với người dân tộc S'tiêng và được nhắc đến trong bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" của ... |
Bưởi Năm Roi là đặc sản của tỉnh nào? Đây là một trong những tỉnh nhỏ hẹp nhất ở Nam Bộ song đất đai màu mỡ, trồng nhiều cây ăn trái, nổi tiếng nhất ... |
Sen được coi là "đặc sản" của tỉnh nào? Nằm bên bờ sông Tiền, tỉnh này nổi tiếng với loài hoa sen và sếu đầu đỏ, là nơi an nghỉ của cụ Phó bảng ... |
Tỉnh nào được gọi là “vựa dầu mỏ“ lớn nhất Việt Nam? Với bờ biển dài hàng trăm km, tỉnh này có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất Việt Nam, phát triển mạnh ngành khai thác dầu ... |
Tỉnh nào trồng nhiều vú sữa nhất Việt Nam? Vú sữa được người Việt Nam sử dụng từ hàng trăm năm trước. Loại trái cây này hiện có rất nhiều giống như vú sữa ... |
Tỉnh nào trồng nhiều cọ nhất cả nước? Tỉnh này sở hữu hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, trồng nhiều cọ nhất cả nước và có nhiều ... |