Dân tộc nào có họ tên là các loài động thực vật?
Cà phê là đặc sản của tỉnh nào? Sóc Bom Bo ở tỉnh nào? Bưởi Năm Roi là đặc sản của tỉnh nào? Sen được coi là "đặc sản" của tỉnh nào? |
Dân tộc có họ tên là các loài động thực vật
Hỏi:
Dân tộc nào có họ tên là các loài động thực vật?
A. Dân tộc Hoa
B. Dân tộc Thái
C. Dân tộc Khơ Mú
D. Dân tộc Ê Đê
Đáp án:
C. Dân tộc Khơ Mú
Khơ Mú (tên gọi khác là Kmụ, Kưm mụ, Xá Cẩu, Tày Hạy...) là tộc người thiểu số trong 54 dân tộc Việt Nam. Theo kết quả điều tra năm 2009 của Tổng cục Thống kê, cộng đồng này có gần 73.000 người, cư trú chủ yếu tại các tỉnh Nghệ An, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái. Họ sống thành làng bản, mỗi bản có vài chục gia đình thuộc các dòng họ.
Trong cuốn Dân tộc Khơ Mú ở Việt Nam (nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 1999), PGS Khổng Diễn cho biết, đặc điểm chung của các dòng họ Khơ Mú là mang tên các loài chim, thú, cây cỏ và cả đồ vật vô tri vô giác. Ví dụ, họ Rvai có nghĩa là hổ; họ Tmoong là con chồn; họ Chưn đre là loài chim có mình màu nâu; họ Tvạ là loại dương sỉ...
Người Khơ Mú coi các loài động thực vật là tổ tiên của dòng họ, có cả truyền thuyết về sự ra đời của dòng họ gắn với những động thực vật này. Họ do đó có tục kiêng kỵ săn bắn, ăn thịt và thờ cúng vật tổ.
Dân tộc Khơ Mú (Ảnh: Làng văn hóa). |
Nguyên tắc kết hôn của người Khơ Mú
Hỏi:
Người Khơ Mú kết hôn theo nguyên tắc nào?
A. Chỉ người trong cùng một họ được kết hôn với nhau
B. Nghiêm cấm người cùng một họ kết hôn với nhau
C. Chỉ được kết hôn với người cùng dân tộc
D. B và C
Đáp án:
D. B và C
Theo cuốn Dân tộc Khơ Mú ở Việt Nam (nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, năm 1999) và Hôn nhân của Người Khơ Mú (nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, năm 2010), nguyên tắc hôn nhân cơ bản nhất của người Khơ Mú là "ngoại hôn dòng họ", tức cấm người cùng một dòng họ kết hôn với nhau.
Lúc đầu việc nghiêm cấm có hiệu lực đối với tất cả thành viên trong từng dòng họ. Về sau vì số lượng thành viên của từng dòng họ quá đông, mỗi dòng họ lại chia nhỏ thành các ngành nhỏ nên hiện nay người Khơ Mú cho phép người trong cùng một dòng họ, nhưng thuộc các ngành khác nhau; con cháu đời thứ tư của cùng một ông tổ, được kết hôn nhân với nhau.
"Người vi phạm nguyên tắc ngoại hôn tức là có quan hệ hôn nhân với người cùng tổ tiên sẽ bị coi là phạm tội loạn luân, bị phạt theo luật lệ của bản rất nghiêm ngặt. Người Khơ Mú quan niệm, tội loạn luân sẽ gây ra sự ô uế cho đất, nước, động đến thần linh, làm cho các thần tức giận trừng trị con người, gây ra lũ lụt, hạn hán, bão tố, sấm sét, động rừng... Do đó người Khơ Mú đã bắt những người vi phạm tội loạn luân phải làm lễ hiến sinh một con dê để cúng thần linh. Sau nghi lễ cúng thần, người phạm tội được sống chung với nhau như vợ chồng nhưng phải rời bản đến sống ở một nơi khác", cuốn Dân tộc Khơ Mú ở Việt Nam viết.
Ngoài ra, người Khơ Mú xưa còn có nguyên tắc chỉ kết hôn với người cùng dân tộc; con trai của dòng họ A đã lấy con gái của dòng họ B thì con trai của họ B không được lấy ngược trở lại con gái của dòng họ A.
Người Khơ Mú gieo mạ (Ảnh: Biên phòng). |
Tục lệ truyền thống trong cưới xin của người Khơ Mú
Hỏi:
Đâu là tục lệ truyền thống trong cưới xin của người Khơ Mú?
A. Ở rể suốt đời bên nhà vợ
B. Ở rể một vài năm
C. Không bao giờ ở rể
D. Không có tục lệ nào
Đáp án:
B. Ở rể một vài năm
Tác giả Trần Thị Thảo trong cuốn Hôn nhân của người Khơ Mú (nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, năm 2010) cho biết, ở rể là tập tục lâu đời, vẫn duy trì đến ngày nay của cộng đồng người Khơ Mú. Ý nghĩa của tục lệ này là để bố mẹ và gia đình nhà vợ dạy bảo việc làm ăn, các kỹ năng tăng gia sản xuất, tạo điều kiện để chàng rể tập làm chủ gia đình, xây dựng một gia đình mới.
Trong thời gian ở rể, chàng rể tự coi mình là thành viên chính trong gia đình vợ, hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt, sản xuất cùng gia đình vợ. Họ được đối xử bình đẳng và nhận được sự quan tâm của gia đình vợ. Điều này khác hẳn với quan niệm của người Thái là con chàng rể trong thời gian ở rể như người ở và đối xử bất bình đẳng.
Ở một số vùng như Nghệ An, Thanh Hóa, chàng rể Khơ Mú sẽ đổi sang họ vợ trong suốt thời gian ở rể. 1-2 tháng sau khi ở rể, lễ kết hôn pưn đệ của đôi trai gái Khơ Mú mới được diễn ra (trước đó chỉ có lễ dạm ngõ, ăn hỏi, lễ hỏi ở rể và lễ tiễn ở rể). Đôi vợ chồng trẻ từ lúc này mới được ăn nằm cùng nhau, được quyền sinh con đẻ cái.
Sau thời gian ở rể (trước đây là 3-12 năm) và nhà trai đã đủ điều kiện kinh tế, nhà trai sẽ xin phép nhà gái và tổ chức lễ cưới con dâu. Đây là lễ cưới chính thức, nghi lễ quan trọng nhất trong hôn lễ của người Khơ Mú. Sau lễ này, đôi vợ chồng về ở nhà chồng. Một thời gian sau, họ có thể chuyển ra ở riêng nếu đủ điều kiện kinh tế và được nhà chồng cho phép.
Ngày nay, người Khơ Mú giản tiện hơn trong tục lệ ở rể truyền thống. Đa số chàng rể sau vài ba tháng (có trường hợp là một tuần) ở nhà vợ sẽ xin phép tổ chức cưới cô dâu về nhà chồng.
Lễ hội cầu mưa của người Khơ Mú (Ảnh: Báo Du lịch). |
Tục tang ma của người Khơ Mú
Hỏi:
Trong tục lệ tang ma, người Khơ Mú đặt một sợi dây dài bên thi hài người chết với ý nghĩa gì?
A. Dẫn đường cho người chết lên mặt trăng
B. Dẫn đường cho người chết về nhà với con cháu
C. Dẫn đường cho người chết trong họ hàng đi cùng nhau
D. Không có tục lệ nào
Đáp án:
A. Dẫn đường cho người chết lên mặt trăng
Theo cuốn Văn hóa dân gian của người Khơ Mú tỉnh Điện Biên (nhà xuất bản Mỹ thuật, năm 2016), người Khơ Mú có truyền thống bắn 4 phát súng, đốt một đống lửa to trước nhà để báo hiệu cho dân bản biết có người thân trong gia đình mới chết. Họ thường để thi hài ở nhà 2-3 ngày để dân bản tới viếng, bắt nỏ xua đuổi các loài ma đến quấy rối trong suốt thời gian này.
Theo phong tục truyền thống, người Khơ Mú sẽ bày các đồ vật dâng cúng cùng tài sản chia cho người chết như: vải, một chai rượu, một con dao, bát, đĩa, hòm, tiền... Họ đặt một hào bạc trắng dưới cằm, một chiếc cúc bạc trắng nhỏ đặt trên trán người chết để người này trở thành ma tốt, không đi theo ma xấu về hại dân bản. Dọc theo thi hài, người Khơ Mú đặt một sợi dây dài khoảng một sải với quan niệm đây là dây dẫn người chết lên mặt trăng.
Người Khơ Mú quan niệm, con người khi chết thể xác không còn nữa nhưng hồn vía sẽ thoát khỏi thể xác và hóa thành ma (ma nhà, ma lửa để bảo vệ con cháu...), hóa thành cây hoặc nhập vào con cháu trong gia đình.
Tục lệ tang ma của người Khơ Mú (Ảnh: Làng văn hóa). |
Tết cổ truyền của người Khơ Mú
Hỏi:
Tết cổ truyền của người Khơ Mú diễn ra khi nào?
A. Cùng ngày với tết của người Kinh
B. Khác ngày với tết của người Kinh
C. Cùng ngày với đứa trẻ đầu tiên của năm mới sinh ra đời
D. Không có tết cổ truyền
Đáp án:
A. Cùng ngày với tết của người Kinh
Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đồng bà Khơ Mú ăn Tết cổ truyền theo Tết Nguyên đán của người Kinh. Họ coi đây là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi, chúc phúc lẫn nhau, cùng tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi truyền thống.
Đêm 30 Tết sau khi giao thừa, mỗi gia đình Khơ Mú sẽ mổ một con gà trống thiến để người cao tuổi nhất trong nhà xem chân gà và dự đoán những điều may rủi ở năm mới. Cùng với đó, họ có phong tục nghe xem con vật gì sẽ kêu trước tính từ lúc giao thừa đến sáng. Người Khơ Mú cho rằng, nếu con gà kêu trước thì năm đó sẽ mất mùa vì gà lúc nào cũng ăn. Nếu lợn hay chó kêu trước thì năm đó sẽ được mùa màng no ấm.
Giống người Kinh, cộng đồng Khơ Mú đặc biệt coi trọng vai trò của người xông nhà trong ngày đầu năm mới. Ngày này nếu vía tốt sẽ mang đến điều may mắn cho gia đình họ xông nhà và ngược lại. Chính vì vậy, người xông nhà thường được các gia đình lựa chọn trước và nhất thiết phải là nam giới.
Đặc biệt, trong năm mới, người Khơ Mú quan niệm phải dùng nước mới để lấy may. Mỗi người uống một ngụm nước nhỏ để lấy may mắn, sau đó mọi người đều rửa mặt, chân, tay bằng nước mới. Nếu gia đình nào không đi lấy nước mới trong ngày đầu năm thì cả năm đó sẽ không gặp điều may, làm ăn không tốt đẹp.
Tết cổ truyền của người Khơ Mú (Ảnh: Báo Yên Bái). |
Xem thêm
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm ở tỉnh nào? Đây là một tỉnh miền núi phía Bắc, có những con đèo cao hiểm trở, dòng sông lớn nhất nhì cả nước chảy qua. Nơi đây ... |
Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải thuộc tỉnh nào? Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải (1956-1964) phía bờ Bắc của tỉnh này với những khẩu hiệu thể hiện khát vọng thống nhất Tổ quốc. ... |
Tỉnh nào nằm trọn trên cao nguyên M'Nông? Tỉnh này có diện tích tự nhiên nằm trọn trên cao nguyên M’Nông và mới được tái lập hơn 10 năm, có địa hình như hai ... |
Phố Hiến nằm ở tỉnh nào? "Thứ nhất Kinh Kỳ/ Thứ nhì Phố Hiến" - Câu ví sánh có tuổi hơn 300 năm này, xác định vị thế và giá trị lịch ... |
Địa danh Gò Công nằm ở tỉnh nào? Địa danh Gò Công nằm ở một tỉnh thuộc Nam Bộ. |